Trái phiếu doanh nghiệp: Tình thế khẩn cấp cần hành động quyết liệt

Tư Giang| 15/11/2022 00:00

Trong Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 có một chỉ đạo rất quan trọng liên quan đến vấn đề đang nóng bỏng là trái phiếu doanh nghiệp.

Đó là yêu cầu Bộ Tài chính “sớm báo cáo” đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong Quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn.

Chỉ đạo này được đưa ra bằng văn bản sau những phát biểu của Thủ tướng ở Quốc hội và tại phiên họp Chính phủ tháng 10 cho thấy Chính phủ đang rất quan tâm xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Việc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải tinh tế

Việc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải tinh tế

Trong dòng đó, hôm qua Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất về việc cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu doanh nghiệp sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.

Trong khuôn khổ bài báo này, tác giả xin gợi ý thêm một số giải pháp nữa cho vấn đề gai góc này. Việc khẩn cấp đầu tiên là phải duy trì được lòng tin của nhà đầu tư, không để xuất hiện tâm lý đám đông. Các doanh nghiệp phát hành lớn trái phiếu doanh nghiệp cần đối thoại với nhà đầu tư và báo cáo rõ tình hình tài chính, kế hoạch kinh doanh và cam kết việc trả nợ để nhà đầu tư yên tâm để không xảy ra chuyện yêu cầu rầm rộ mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong trường hợp các doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, họ có thể cân nhắc việc trả nợ cho nhà đầu tư bằng hàng hóa, sản phẩm đang có trên cơ sở đồng thuận giữa hai bên. Trong quá trình đó, các cơ quan liên quan của nhà nước theo dõi, giám sát về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp lớn này. Cân nhắc cho VAMC mua lại nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp để tạo thông điệp rõ ràng cho thị trường.

Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng trong tình thế khẩn cấp này. Việc đưa tin có trách nhiệm cần được quán triệt hơn lúc nào hết để không đổ thêm dầu vào lửa. Điều này không những đòi hỏi ý thức của các phóng viên, tòa soạn mà còn đòi hỏi năng lực, độ nhạy bén của cơ quan quản lý.

Đối với các cơ quan chức năng, bên cạnh việc đưa ra thông điệp mạnh mẽ, trực tiếp, họ cần có các giải pháp cụ thể, nhanh, quyết đoán để trấn an thị trường. Trong tình thế hiện nay, việc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải tinh tế, kịp thời, quyết liệt như cách xử lý với vốn vay ngân hàng như đã từng diễn ra gần hai thập kỷ trước bởi nó liên quan đến hàng trăm ngàn nhà đầu tư.

Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn tín dụng, bất động sản, chứng khoán như bình thông nhau, tác động với nhau trực tiếp. Vì thế, các biện pháp cần rất khẩn trương và hiệu quả trong tình thế khẩn cấp.

(Theo VietNamNet)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái phiếu doanh nghiệp: Tình thế khẩn cấp cần hành động quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO