Trái phiếu doanh nghiệp: Có dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Gia Lê| 30/07/2020 07:00

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục tăng nóng trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh rủi ro nền kinh tế gia tăng, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn vay ngân hàng nên càng đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, liệu "cuộc chơi" này có dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Số liệu thống kê mới đây của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, đã có đến 130 DN phát hành trái phiếu với giá trị hơn 156,3 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng giá trị đăng ký phát hành, với kỳ hạn phát hành bình quân là 3,93 năm. So với cùng kỳ năm 2019, tổng giá trị phát hành 6 tháng đầu năm tăng gần 50%, theo đó đưa tổng lượng TPDN lưu hành ước khoảng 783.000 tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất.

photo-3-5461-1595918767.jpg

Diễn biến tăng nóng của kênh đầu tư này đã được nói đến khá nhiều trong thời gian qua, không chỉ trên thị trường sơ cấp, mà thị trường thứ cấp TPDN cũng đã sôi động hơn nhiều. Theo đó, lượng TPDN niêm yết trên HSX đã tăng từ 14.200 tỷ đồng (2017) lên gần 36.000 tỷ đồng (30/6/2020), tương ứng tỷ lệ tăng bình quân 45%/năm - theo một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán SSI.

Trước tình trạng này, liên tiếp những cảnh báo về thị trường đã được đưa ra gần đây. Cụ thể, từ tháng 8/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi đến các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong đầu tư TPDN. Tiếp đó, vào tháng 11/2019 và tháng 5/2020, Bộ Tài chính đã có những khuyến nghị tới DN, nhà đầu tư khi phát hành và cung cấp dịch vụ TPDN.

Và mới đây nhất, Bộ Tài chính một lần nữa đưa ra khuyến cáo đối với thị trường TPDN, theo đó cảnh báo nhà đầu tư tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu và chỉ mua khi đã nắm kỹ thông tin.

Nếu như những năm trước đây, khi phát hành trái phiếu, các DN thường chỉ nhắm đến các nhà đầu tư tổ chức, thì trong ba năm trở lại đây, các nhà đầu tư cá nhân trở thành khách hàng quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong lượng mua vào. Do đó, nhiều DN đã chia nhỏ thành nhiều đợt với nhiều mã trái phiếu để bán cho nhà đầu tư cá nhân dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, khác với các nhà đầu tư tổ chức vốn có hệ thống đánh giá, phân tích và kinh nghiệm dày dạn trong đầu tư này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay mua TPDN phần lớn ham lãi suất cao và thiếu các đánh giá rủi ro cần thiết.

Link bài viết

Một điểm đáng lưu ý nữa là các công ty chứng khoán tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu cho DN đã tận dụng khá tốt cơ sở khách hàng là các nhà đầu tư chứng khoán để chào bán và phân phối lại. Trong khi đó, các ngân hàng cũng tích cực tham gia "cuộc chơi" khi tận dụng kênh phân phối và cơ sở khách hàng tiền gửi để phân phối TPDN đã mua vào trước đó.

Điều này vô hình trung khiến các nhà đầu tư cá nhân trở nên "yên tâm" vì nghĩ rằng những đánh giá rủi ro của các món hàng này đã có các tổ chức trên thực hiện, nên không ngại ngần móc hầu bao, rút tiền gửi ngân hàng để tham gia đầu tư, khi mà lãi suất hấp dẫn hơn nhiều, cộng thêm việc nhiều DN cam kết mua lại trước hạn.

Dù vậy, cũng cần biết rằng, với tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến khả năng mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết. Vì lẽ đó mà Bộ Tài chính yêu cầu DN phải có biện pháp thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cả cam kết mua lại trái phiếu trước hạn.

Nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ về năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu. Trong nhiều trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn phần chênh lệch với lãi suất tiền gửi. Cũng cần biết rằng, trong trường hợp DN phá sản, trái chủ là đối tượng được thanh toán sau cùng, nếu như trái phiếu này không có tài sản bảo đảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái phiếu doanh nghiệp: Có dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO