Đề xuất cân nhắc điều kiện hệ số nợ khi phát hành trái phiếu
Quy định về hệ số nợ hiện tại không phân biệt giữa các doanh nghiệp nhỏ và tập đoàn kinh tế đa ngành đã gây ra nhiều bất cập.
Xuất phát từ bất cập trên, VCCI cho rằng cần cân nhắc một số nội dung liên quan tới điều kiện hệ số nợ của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu ra công chúng.
Đây là một trong những nội dung phản hồi Bộ Tài Chính về góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155 quy định một số điều của Luật Chứng khoán.
VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, thông lệ các giao dịch huy động tài chính trong và ngoài nước với các ngân hàng, định chế tài chính đánh giá và xác định về chỉ số an toàn tài chính của bên vay chỉ xét trên hệ số nợ ròng, tức là nợ vay trừ đi tiền trên vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, toàn bộ nợ phải trả bao gồm rất nhiều khoản mục khác, không chỉ vợ vay, mà còn các khoản nghĩa vụ không mang tính chất nợ như người mua trả tiền trước, doanh thu chưa thực hiện… hay các khoản quỹ như quỹ khen thưởng, phúc lợi; quỹ bình ổn giá.
Xem xét quy định tương tự với lĩnh vực bất động sản thì hệ số nợ được tính là tổng tỷ lệ dư nợ vay tại tổ chức tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, tức bản chất là nợ vay, mà không tính toàn bộ khoản nợ phải trả.
Chính vì vậy, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ nợ phải trả theo hướng chỉ bao gồm nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn.
Đối với hệ số nợ đối với các tập đoàn kinh tế đa ngành, dự thảo đang quy định một hệ số nợ chung áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, bất kể quy mô. VCCI cho rằng, quy định này chưa hợp lý. Các doanh nghiệp lớn thường kinh doanh trong những lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn nên có hệ số nợ cao hơn các doanh nghiệp nhỏ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp lớn thường ít chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ hơn doanh nghiệp nhỏ. Từ đó, các bên cho vay vẫn chấp nhận cho doanh nghiệp lớn vay thêm tiền dù có hệ số nợ cao hơn.
VCCI cũng lưu ý rằng, bản thân chỉ số hệ số nợ có ảnh hưởng đến sự ổn định của doanh nghiệp, nhưng rủi ro vỡ nợ thì không chỉ phụ thuộc vào hệ số nợ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như rủi ro hoạt động, áp lực cạnh tranh… nên quy định về hệ số nợ chỉ nên tiêu chí sàng lọc rủi ro đầu vào.
Do đó, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cho phép các công ty mẹ có vốn điều lệ lớn, có thể lấy mốc 10.000 tỷ đồng thì sẽ được phép áp dụng hệ số nợ lớn hơn như là 5.