Nền kinh tế sẽ khởi sắc trong năm 2021

Anh Khoa| 26/12/2020 03:50

Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020. Nhìn về năm 2021, các dự báo đều cho thấy GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Liệu sự khởi sắc này  được hỗ trợ từ những yếu tố nào?

Đầu tàu tăng trưởng

Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% trong năm 2021, tuy nhiên những dự báo của các tổ chức quốc tế còn thể hiện sự lạc quan hơn vào nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,1%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 6,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) là 6,8%; Ngân hàng Standard Chartered tin rằng mức tăng trưởng có thể lên đến 7,8%, còn HSBC là 8,1% hay hãng Fitch dự báo lên đến 8,2%.

Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho xu thế phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm sau. 

Đầu tiên là dịch Covid-19 đã sớm nằm trong tầm kiểm soát  và các chỉ số kinh tế đã dần đi lên trở lại ngay từ quý III/2020. Với triển vọng vắc xin sớm được sản xuất hàng loạt và nhiều nước đã bắt đầu tiêm chủng từ lúc này, kinh tế toàn cầu sẽ sớm lấy lại niềm tin, giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh nên càng hỗ trợ cho những quốc gia phụ thuộc vào hoạt động thương mại tăng trưởng tốt hơn.

bai-1-kinh-te-1-2362-1608879802.jpg

Với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong hai năm trở lại đây, cộng thêm thu hút thành công dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, trở thành đầu tàu cho phát triển kinh tế. Tuy mới đây Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ mà được cho là sẽ ảnh hưởng lên xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn có thời gian một năm để trao đổi và xử lý vấn đề này để ngăn chặn các chính sách trừng phạt về thương mại tiềm tàng.

Quốc hội cũng đã thông qua mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 5% trong năm 2021, nhưng có thể thấy con số này vẫn khá khiêm tốn dựa trên kết quả tăng trưởng xuất khẩu trong những năm gần đây. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm sau ít nhất phải từ 10% trở lên.

Chính sách đẩy mạnh đầu tư công đã có những kết quả ấn tượng trong năm 2020 với hàng loạt dự án trọng điểm được khởi công, giúp lượng vốn giải ngân đầu tư công tăng mạnh so với năm 2019 và có thể hoàn thành đến 95% mục tiêu cả năm. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2021 và trở thành đầu kéo quan trọng thứ hai cho tăng trưởng.

Với niềm tin đại dịch sẽ sớm qua đi và vắc xin sớm được đưa vào sử dụng, cầu tiêu dùng dự báo sẽ tăng đáng kể từ mặt bằng thấp của năm 2020. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi sau khi kiểm soát được dịch bệnh và người dân cũng đã thích nghi với chế độ “bình thường mới”.

Sự ổn định của nền kinh tế

Sự ổn định của kinh tế vĩ mô cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp tục được duy trì sẽ là chất xúc tác cần thiết cho quá trình phục hồi của nền kinh tế. Quốc hội đã thông qua mục tiêu lạm phát năm 2020 dưới 4% khi giá dầu ở mức 40 USD/thùng, nhưng nhìn vào xu hướng tăng mạnh của giá dầu gần đây, các chính sách kiềm chế lạm phát trong thời gian tới có lẽ sẽ phải linh hoạt hơn. Dù vậy, cũng có một số yếu tố thuận lợi như Chính phủ sẽ chưa tăng lương cơ bản trong năm 2021, trong khi giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ công vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của Chính phủ.

16556545-1906-1608879803.jpg

Lãi suất sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp là điều kiện quan trọng để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. Sau khi đã có đến ba lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, giới phân tích kỳ vọng sẽ có thêm một lần giảm nữa, nhất là khi các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài. Mặt bằng lãi suất huy động lẫn cho vay của hệ thống ngân hàng vẫn còn dư địa để giảm về mức thấp hơn trong giai đoạn tiếp theo, khi dòng tiền đầu tư nước ngoài tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản của hệ thống.

Về tăng trưởng tín dụng, sau giai đoạn trì trệ của 9 tháng đầu năm, kể từ đầu quý IV/2020, tín dụng cho thấy đà tăng tốc nhanh hơn và có thể đạt 10%. Với năm 2021, khi sản xuất, kinh doanh bứt phá trở lại sẽ giúp nhu cầu vay vốn gia tăng, tăng trưởng tín dụng có thể quay về mục tiêu từ 13-14% để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.

Về tỷ giá, với xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục mất giá sẽ tạo điều kiện cho tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định trong năm 2021, thậm chí có những thời điểm VND mạnh lên so với USD, nhất là khi Việt Nam đang bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ nên sẽ khó để tiền đồng mất giá sâu so với đô la Mỹ. Với nguồn cung ngoại tệ dồi dào khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng, cán cân thương mại hàng hóa được dự báo tiếp tục thặng dư, không có lý do gì phải phá giá tiền tệ để gây ra sự bất ổn trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế sẽ khởi sắc trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO