Lợi nhuận của 12 ngân hàng niêm yết ước tăng gần 20% trong năm nay

Tuỳ Phong| 31/03/2021 06:00

Các ngân hàng được dự báo có lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng mạnh nhất trong năm nay là Vietcombank, BIDV và VietinBank.

Lợi nhuận của 12 ngân hàng niêm yết ước tăng gần 20% trong năm nay

Theo báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp 2020 và triển vọng 2021 từ FiinGroup, 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) được dự báo sẽ có tăng trưởng LNST ở mức 18,2% trong năm nay, cao hơn con số 14,9% của năm ngoái.

Mức tăng trưởng LNST tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng, tăng trưởng doanh thu dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán thu nhập bán chéo bảo hiểm (bancasurance) của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB, MSB và HDBank.

Các ngân hàng được dự báo có LNST tăng mạnh nhất năm nay là Vietcombank (+14,9%), BIDV (+41,3%), và VietinBank (+41,9%). Trong khi đó, một số ngân hàng được dự báo chậm lại về tăng trưởng lợi nhuận là Techcombank (+5,1%), VPBank (+2,8%) và TPBank (+6,7%).

Theo thống kê của Fiin Group, cả năm 2020, LNST của 26 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM vẫn tăng trưởng mạnh, ở mức 16,1%. Tổng thu nhập hoạt động tăng 12,8% còn chi phí dự phòng rủi ro tăng 19,7% so với năm 2019.

Tỷ lệ nợ xấu giảm khá mạnh tại nhiều ngân hàng. Cụ thể, cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 23 ngân hàng niêm yết giảm xuống 1,39%, sau khi tăng liên tiếp trong 3 quý trước.

Điểm đáng lưu ý là nợ Nhóm 3 giảm 8,6%, trong khi nợ Nhóm 4 tăng 6,3% và nợ Nhóm 5 tăng 11,5% so với cuối năm 2019. Tỷ trọng nợ Nhóm 3 và Nhóm 4 cuối năm 2020 lần lượt ở mức 20,4% và 17,4% so với tổng nợ xấu, trong khi nợ Nhóm 5 chiếm tỷ trọng rất cao, ở mức 62,2%.

Fiin Group cho rằng, với Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 chưa phản ánh đầy đủ chất lượng nợ của các ngân hàng.

Ngoài ra, nhóm phân tích dữ liệu của FiinGroup nhận định, do Thông tư 01/2020/TT-NHNN, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19 lên lợi nhuận, do các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch.

Các ngân hàng sẽ cân đối giữa lợi nhuận và chi phí dự phòng. Việc chi phí dự phòng tăng nhưng lợi nhuận vẫn tăng mạnh là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng và tác động của Covid-19 lên chi phí dự phòng và qua đó ảnh hưởng đến mức độ lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian tới sẽ không quá lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi nhuận của 12 ngân hàng niêm yết ước tăng gần 20% trong năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO