Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi từ đâu?

Gia Lê| 27/12/2021 06:00

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 được dự báo chỉ đạt từ 2,5-3%, do nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt bùng phát dịch Covid-19 và giãn cách xã hội kéo dài trong quý II và quý III. Năm 2022, kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi và phát triển.

Đẩy mạnh đầu tư công

Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức 6-6,5%, với GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Mục tiêu này đã được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021.

Chuyển đổi số là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn

Chuyển đổi số là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn

Một số tổ chức cũng có cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm sau. Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam có thể phục hồi tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5-7% từ năm 2022 trở đi. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% năm 2022.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, quan trọng nhất là Việt Nam phải kiểm soát tốt đại dịch, dù đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng bởi các quốc gia trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi SARS-CoV-2 và sắp tới có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát sẽ khiến sản xuất, kinh doanh tiếp tục trì trệ, lực lượng lao động thiếu hụt và ảnh hưởng lên cầu tiêu dùng.

Về động lực tăng trưởng cho năm sau, chính sách tài khóa mở rộng cùng với đẩy mạnh đầu tư công, tăng tốc các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có sức lan tỏa rộng, được xem là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn chưa thể hồi phục. Với tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, Việt Nam vẫn có thể vay thêm vốn phục vụ cho việc triển khai các gói kích thích tài khóa.

Link bài viết

Các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ bao gồm xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM... WB cho rằng, dù Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, song cũng có thể tận dụng chính cơ hội này để phát triển kinh tế xanh.

Chuyển đổi số, thu hút FDI và mở rộng thương mại

Khẩn trương triển khai các dự án nền tảng số quốc gia dùng chung, bởi đây không chỉ là động lực tăng trưởng quan trọng mà còn đáp ứng mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế cho giai đoạn tới. Mục tiêu nâng cao tốc độ số hóa nền kinh tế cũng có thể giúp nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế, khi đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ những nhược điểm cố hữu của kinh tế truyền thống.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào nền kinh tế Việt Nam cũng là yếu tố thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng cho năm sau. Hầu hết tổ chức kinh tế thế giới đều tin rằng Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng của các tập đoàn toàn cầu, như là một giải pháp để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra và dịch bệnh bùng phát trong hai năm qua.  

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moodys, Standard & Poors và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ "ổn định" lên "tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, niềm tin của các nhà đầu tư vẫn ở mức cao đối với Việt Nam, vốn là trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng thay đổi khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Bên cạnh động lực từ đầu tư, thương mại tiếp tục tăng trưởng cũng sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu do các hiệp định thương mại tự do mang lại, nhất là xuất khẩu nông sản, hàng dệt may, giày dép, điện tử và điện thoại di động vào Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Mỹ.

Động lực tăng trưởng thứ ba là nhu cầu trong nước. Tiêu dùng nội địa vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhanh nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện, nhất là khi Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO