Kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững

HT| 17/02/2022 02:00

Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ được Bộ Tài chính triển khai thời gian qua, công tác quản lý, huy động và trả nợ công, nợ Chính phủ đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các nghị quyết của Quốc hội, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững

Căn cứ các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các chiến lược, kế hoạch trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công để làm căn cứ triển khai thực hiện.

Chỉ riêng trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình quản lý nợ công ba năm 2021-2023 và kế hoạch vay trả nợ công năm 2021; hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại năm 2021. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ số nợ năm 2021 trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện việc tổ chức tái cơ cấu danh mục nợ, hoán đổi trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Năm 2021, tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên (chủ yếu là kỳ hạn trên 10 năm, đồng thời nâng kỳ hạn dài 20-30 năm), với lãi suất phát hành thấp hơn. Nhờ vậy, kéo dài kỳ hạn còn lại, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Đồng thời, Bộ Tài chính đã sử dụng hiệu quả các giải pháp quản lý nợ bền vững, chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hằng năm, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại; tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương, qua đó, góp phần giảm nợ công.

Nhờ các biện pháp đồng bộ được triển khai, hiệu quả công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2021 tiếp tục được giữ vững, các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dưới 23% tổng thu ngân sách nhà nước, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nợ công, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ của chính quyền địa phương; đảm bảo mức vay nợ trong hạn mức được duyệt, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công trong phạm vi ngưỡng, trần theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động huy động vốn vay nước ngoài của Chính phủ, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tuân thủ pháp luật trong nước nhưng có tính đến việc hài hòa với chính sách của nhà tài trợ, các thông lệ quốc tế trên thị trường vốn. Cùng với đó là tiếp tục phối hợp đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trong bối cảnh huy động vốn trong nước giai đoạn tới còn khó khăn, thực hiện huy động tối đa các nguồn lực trong nước khác. Trường hợp nguồn lực trong nước vẫn thiếu hụt đáng kể so với nhu cầu bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển, trả nợ gốc và cơ cấu lại danh mục nợ, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ nghiên cứu phát hành trái phiếu quốc tế khi điều kiện thị trường thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ. Các khoản vay mới vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên, ưu tiên các lĩnh vực chủ chốt, có hiệu ứng lan tỏa. Bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nợ, các hoạt động liên quan đến quản lý nợ công thông qua các chiến lược, kế hoạch, đề án trung, dài hạn như chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030, đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021-2030, xây dựng và triển khai đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ công...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO