Giá vàng tăng 3 phiên liên tiếp do lo ngại nợ công, SPDR Gold Trust quay lại bán ròng
Diễn biến bất ổn của kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng, kéo theo đà tăng mạnh của kim loại quý này trong ba phiên liên tiếp. Đồng thời, đồng USD suy yếu cũng góp phần củng cố xu hướng tăng giá.
Trong phiên giao dịch ngày 21/5 tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp và tiếp tục leo dốc trong phiên sáng 22/5 tại thị trường châu Á. Cụ thể, vào lúc 8 giờ 45 sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 26,7 USD/oz, tương đương 0,81%, lên mức 3.342,2 USD/oz theo dữ liệu từ sàn Kitco.
Nếu quy đổi theo tỷ giá bán ra tại Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 105,3 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,6 triệu đồng so với sáng ngày 21/5. Chỉ trong hai ngày, giá vàng quy đổi đã tăng tổng cộng khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá USD tại Vietcombank cùng thời điểm được niêm yết ở mức 25.760 đồng (mua vào) và 26.150 đồng (bán ra), tăng 10 đồng mỗi chiều so với ngày trước đó.

Tại thị trường New York, kết thúc phiên giao dịch đêm qua, giá vàng giao ngay đạt 3.315,5 USD/oz, tăng 22,2 USD/oz, tương đương mức tăng gần 0,7% so với phiên liền trước.
Chỉ số Dollar Index chốt phiên giảm còn 99,56 điểm, thấp hơn 0,6% so với mức 100,12 điểm trước đó, cho thấy đà suy yếu rõ rệt của đồng USD. Cùng với đồng USD, các tài sản tài chính khác của Mỹ như cổ phiếu và trái phiếu cũng chịu áp lực bán mạnh.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng lên mức 5,09%, cao nhất kể từ tháng 10/2023. Lợi suất kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên 4,59%, phản ánh mối lo ngày càng lớn của giới đầu tư về tình hình ngân sách liên bang, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang tiến gần đến việc phê chuẩn dự luật gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017 của Tổng thống Donald Trump.
Lo ngại về nợ công gia tăng sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Mỹ. Việc tiếp tục cắt giảm thuế như đề xuất của ông Trump được cho là sẽ khiến tình trạng tài chính của chính phủ càng thêm căng thẳng.

Tình hình địa chính trị tiếp tục là yếu tố quan trọng đẩy giá vàng đi lên. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine không đạt tiến triển rõ rệt, trong khi khu vực Trung Đông căng thẳng với thông tin Israel có thể đang chuẩn bị tiến hành tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, bất chấp việc chính quyền Mỹ đang thúc đẩy đối thoại liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ vẫn đang trong trạng thái bất định, góp phần tạo ra tâm lý chờ đợi trong giới đầu tư. Chiến lược gia Daniel Pavilonis từ công ty RJO Futures nhận định với Reuters: “Giá vàng hiện đang dao động quanh vùng trung lập giữa các mức đỉnh và đáy gần đây, trong lúc thị trường chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ các tiến trình thương mại”.
Trong tháng 4, giá vàng từng bứt phá vượt mốc 3.500 USD/oz sau khi Tổng thống Trump công bố các chính sách thuế quan mới. Tuy nhiên, đến tháng 5, giá đã có thời điểm điều chỉnh về dưới 3.100 USD/oz khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày.
Một báo cáo từ ngân hàng ANZ nhận định: “Chúng tôi cho rằng đợt điều chỉnh gần đây của giá vàng sẽ kích thích lực mua quay trở lại, do bối cảnh kinh tế vĩ mô và địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Trong phiên giao dịch ngày 21/5, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ròng 1,7 tấn vàng, giảm lượng nắm giữ xuống còn 919,9 tấn. Trước đó, quỹ này đã mua ròng hai phiên đầu tuần, tuy nhiên xu hướng chính trong hơn một tháng qua vẫn là bán ròng.