Hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh lợi nhuận

Khánh Phương| 12/06/2020 06:55

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 theo hướng giảm sút so với dự kiến, khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngày càng rõ nét. Xu hướng này có thể chưa dừng lại, khi phía trước vẫn là những thách thức khó lường.

bai-2-doanhnghiep-1-5053-1591847059.jpg

Giảm là tất yếu

Trong bản kế hoạch trình đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 6/6/2020, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di động (HoSE: MWG) đã giảm mục tiêu doanh thu thuần xuống 110.000 tỷ đồng, giảm hơn 10% và lợi nhuận sau thuế khoảng 3.450 tỷ đồng, giảm 28,6% so với kế hoạch ban đầu. Theo lãnh đạo tập đoàn này thì đợt bùng phát dịch bệnh rơi đúng vào giai đoạn cao điểm bán lẻ điện thoại, điện máy và hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không còn nhiều cơ hội cải thiện doanh thu trong nửa cuối năm do các sự kiện thể thao quan trọng đã phải dời sang năm 2021.

Tại Công ty CP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ), sau khi ghi nhận khoản lỗ bất ngờ đến 89 tỷ đồng trong tháng 4 do thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, cũng đã nhanh chóng thay đổi kế hoạch kinh doanh trong năm 2020. Theo đó, PNJ đặt kế hoạch doanh thu thuần là 14.485 tỷ đồng, giảm 15% so năm 2019, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30%, về mức 832 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) công bố điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh, trong đó doanh thu là 14.000 tỷ đồng, giảm 31% và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với kế hoạch ban đầu.

Công ty Vicostone (VCS) dù giữ các chỉ tiêu như kế hoạch công bố trước đó, với doanh thu và lợi nhuận tăng gần 20% so với năm trước, nhưng vẫn thận trọng ước tính doanh thu năm nay chỉ tăng 1,2%, lãi trước thuế tăng gần 1% so với năm 2019.

HĐQT Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HoSE: SAV) ngay từ đầu tháng 5 đã điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 15% và 17% so với kế hoạch ban đầu, xuống còn 777 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Còn hàng loạt DN điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận ngay khi nửa đầu năm còn chưa đi qua, như Công ty CP Vật tư Xăng Dầu giảm hơn 19% so với kế hoạch ban đầu, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn giảm 9%, Công ty CP Địa ốc Đà Lạt giảm 4%, Quốc tế Hoàng Gia giảm 50%, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang thậm chí còn đưa ra kế hoạch lỗ trong năm nay theo kịch bản xấu.

Xu hướng điều chỉnh lợi nhuận liệu đã dừng lại?

Một điểm đáng lưu ý là có khá nhiều DN không đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận, hoặc đưa ra dựa trên nhiều kịch bản, do vẫn chưa thể đánh giá được hết những ảnh hưởng của đại dịch đến kinh doanh, cũng như liệu diễn tiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại hay không. Việt Nam mặc dù đã khống chế dịch thành công cho đến lúc này, nhưng trên thế giới Covid-19 vẫn diến biến phức tạp, đặc biệt là ở các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc.

2321312-7195-1591847059.jpg

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Là một nền kinh tế phụ thuộc khá lớn vào xuất nhập khẩu, nếu giao thương toàn cầu tiếp tục trì trệ, DN trong nước sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Cần lưu ý là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đang "đau đầu" đối phó với tình hình rối ren trong nước. Ngoài dịch bệnh, Mỹ còn phải ứng phó với các cuộc biểu tình, thậm chí có thể dẫn đến bạo động, làm cho thương mại càng bị ảnh hưởng, tác động xấu đến những đối tác kinh doanh.

Trong khi đó, tình hình sản xuất ở nước ta cũng không khá gì hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp.

Đáng lưu ý là chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 5 dù phục hồi ở mức 42,7 điểm, tăng 10 điểm so với mức thấp kỷ lục 9 năm của tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn mức trung tính 50 điểm, cho thấy các điều kiện trong nền kinh tế vẫn trong xu hướng bị thu hẹp. Nhìn vào xu hướng tăng trưởng tín dụng chậm chạp, phần nào thấy được nhu cầu đầu tư, sản xuất của DN vẫn đang khá trì trệ.

Những diễn biến trên đồng nghĩa với việc xu hướng giảm kế hoạch kinh doanh của các công ty có thể sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể còn có lần điều chỉnh thứ hai, thứ ba nếu dịch bệnh trên thế giới chưa khống chế được. Lo ngại này không phải là không có cơ sở, khi nhiều chuyên gia dịch tễ dự báo Covid-19 có thể bùng phát trong giai đoạn cuối năm, khi thời tiết nóng bức của mùa hè qua đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO