Điều gì giúp dự trữ ngoại hối lên tầm cao mới?

Gia Lê| 12/11/2019 07:00

Thông tin cập nhật gần đây cho thấy dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chạm mốc 73 tỷ USD vào cuối tháng 10, sau 4 tháng liên tục mua vào với tổng giá trị lên đến 6,65 tỷ USD.

Điều gì giúp dự trữ ngoại hối lên tầm cao mới?

Tuy nhiên, con số vừa nêu vẫn thấp hơn mức 8,35 tỷ USD đã mua vào trong 4 tháng đầu năm nay. Con số 73 tỷ USD cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, trong 10 tháng năm nay dự trữ ngoại hối đã tăng thêm đến 15 tỷ USD, đánh dấu tốc độ mua cao nhất trong nhiều năm qua. Nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước quá dồi dào cùng với thị trường ngoại hối ổn định được xem là nguyên nhân chính giúp nhà điều hành có điều kiện mua được một lượng lớn ngoại tệ như trên.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giúp cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 7 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,3 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 28,3 tỷ USD.

Về hoạt động đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 16,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng còn có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,8 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Link bài viết

Trước ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn đầu tư quốc tế chuyển dịch mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết gần đây cũng giúp thúc đẩy vốn đầu tư đổ vào Việt Nam để tận dụng những điều khoản ưu đãi dành cho các thành viên.

Ngoài ra, thị trường còn chứng kiến hàng loạt thương vụ thâu tóm và sáp nhập lớn diễn ra trong thời gian qua. Đầu năm nay, ngân hàng Vietcombank bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài thu về gần 6.200 tỷ đồng (xấp xỉ 270 triệu USD); tập đoàn Vingroup gần đây cũng bán thành công 15% cổ phần cho tập đoàn SK Hàn Quốc thu về 1 tỷ USD; thương vụ bán 15% cổ phần của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho ngân hàng Keb Hana Bank (Hàn Quốc) thu về 885 triệu USD cũng đã hoàn thành; sắp tới sẽ là thương vụ bán 7,5% cổ phần của ngân hàng Quân đội cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, tỷ giá ổn định cũng giúp nhà điều hành mua được ngoại tệ với mức giá phù hợp. Với 3 đợt giảm lãi suất liên tiếp gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đồng USD trên thị trường quốc tế liên tiếp đi xuống trong thời gian qua, giúp NHNN có thêm cơ sở hỗ trợ để điều hành thị trường ngoại hối. Tỷ giá trung tâm tính đến ngày 11/11/2019 đang nằm tại 23.130 đồng, tiếp tục giảm 15 đồng so với đầu tháng, sau khi đã giảm 16 đồng trong tháng 10.

Với lượng dự trữ ngoại hối  kỷ lục lên mức 73 tỷ USD, tương đương 14 tuần nhập khẩu, đây là tín hiệu đáng mừng giúp nhà điều hành có thêm nguồn lực để điều hành thị trường ngoại hối hiệu quả hơn, có thể can thiệp khi cần thiết để điều tiết tỷ giá theo mục tiêu đề ra.

Về các tháng cuối năm, thông thường tỷ giá có thể chịu áp lực khi nhu cầu nhập khẩu gia tăng, nhưng dự trữ ngoại hối vẫn có khả năng tăng thêm nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng NHNN cũng cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, sau khi Việt Nam trở thành một trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý 3, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng. Hiện, Việt Nam cũng đang nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Bộ tài chính Mỹ từ báo cáo tháng 5 đầu năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điều gì giúp dự trữ ngoại hối lên tầm cao mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO