Cung ngoại tệ, tỷ giá và câu chuyện dự trữ ngoại hối tăng vọt

Anh Khoa| 14/01/2020 06:00

Thị trường ngoại hối khép lại một năm khá thành công với tỷ giá được giữ theo đúng mục tiêu đề ra, trong khi dự trữ ngoại hối tăng vọt với lượng ngoại tệ mua vào lớn nhất trong nhiều năm qua. Cơ sở nào giúp nhà điều hành đạt được thành quả trên? Liệu tương lai sẽ ra sao?

Cung ngoại tệ, tỷ giá và câu chuyện dự trữ ngoại hối tăng vọt

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2019 đã mua ròng ngoại tệ lên tới 20 tỷ USD, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên mức 80 tỷ USD.

Mua ròng ngoại tệ để chặn đà tăng giá của tiền đồng

Tỷ giá trung tâm USD/VND so với đầu năm nay chỉ tăng 1,45%, cách khá xa so với mục tiêu 2%. Dù chịu tác động không nhỏ từ thị trường quốc tế trước diễn biến đi lên trở lại của đồng USD và động thái phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ, nhưng có thể nói thị trường ngoại hối đã có một năm khá thành công khi tiền đồng trở thành một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Đáng kể là giá giao dịch USD tại các ngân hàng và trên thị trường tự do thậm chí còn đi xuống so với thời điểm đầu năm nay. Cụ thể, giá mua vào và bán ra tại Vietcombank giảm tương ứng 0,15% và 0,06% so với đầu năm, trong khi trên thị trường tự do giảm lần lượt gần 0,3% và 0,4%, tức tiền đồng thậm chí còn tăng giá nhẹ so với USD.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2019 đã mua ròng ngoại tệ lên tới 20 tỷ USD, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên mức 80 tỷ USD, tương đương với 3,8 tháng nhập khẩu và khoảng 6% GDP (theo cách tính mới). Dự trữ ngoại hối gia tăng sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực tài chính, đảm bảo số tuần nhập khẩu theo ngưỡng an toàn của IMF. 

Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam mới đây bị Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm, cũng như trước thời điểm 1 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ phát hành vào năm 2010 sắp đến hạn trong tháng 1 này. Dù vậy, so với các nước trong khu vực, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức thấp, do vậy động thái bổ sung của Việt Nam là hợp lý và có thể giúp Việt Nam giải trình cho việc Mỹ đánh giá là thao túng tiền tệ.

Link bài viết

Đáng lưu ý, việc rút một lượng cung ngoại tệ lớn ra khỏi thị trường mà tỷ giá vẫn không chịu sức ép là một diễn biến khá bất ngờ so với những năm trước đây. Đây được xem là hệ quả của nguồn cung ngoại tệ trên thị trường trong năm quá mạnh mẽ. Theo giới phân tích, việc mua ròng mạnh ngoại tệ không chỉ nhằm tăng dự trữ ngoại hối mà còn để hạn chế khả năng tăng giá của tiền đồng, gây bất lợi cho xuất khẩu.

Nhìn lại cung ngoại tệ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục 38 tỷ USD trong năm 2019, tăng 7,2% so với năm 2018. Trong đó, riêng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục leo lên mức kỷ lục mới ở 15,5 tỷ USD, tăng vọt 56,4% so với năm 2018. Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân năm 2019 cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay ở 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước.

Các thương vụ bán vốn của những ngân hàng như BIDV, Vietcombank cho nhà đầu tư chiến lược; các giao dịch bán thỏa thuận cho nhà đầu tư nước ngoài tại những tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup hay Masan; việc cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thu hút dòng vốn của khối ngoại... tất cả đều giúp thu hút nguồn ngoại tệ về cho quốc gia. Chẳng những vậy, các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng liên tiếp tăng vốn điều lệ, có thể kể đến như các công ty chứng khoán Hàn Quốc, càng giúp nguồn ngoại tệ đổ vào trong nước thêm dồi dào.

Ở hoạt động thương mại, quy mô kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 517 tỷ USD, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ, giúp xuất siêu cũng chạm mức kỷ lục mới gần 10 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 4 thặng dư thương mại liên tiếp. Dù chiến tranh thương mại với các hàng rào thuế quan dựng lên đang gây áp lực lên nhiều nền kinh tế, nhưng Việt Nam đã tận dụng khá tốt thời cơ để tăng thị phần xuất khẩu vào những nền kinh tế lớn như Mỹ.

Lượng kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2019, tăng nhẹ 4,6% so với năm trước, theo dự báo của WB, giúp Việt Nam có năm thứ ba liên tiếp nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Nhìn về tương lai, tỷ giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ ổn định, theo dự báo của một số tổ chức sẽ chỉ tăng từ 1-2%, bất chấp nhiều nền kinh tế vẫn đang chủ động làm suy yếu đồng tiền của mình. Trong khi đó, NHNN có thể tiếp tục nâng dự trữ ngoại hối, theo công ty chứng khoán KBSV có thể lên tới 92 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Những dự báo này đều dựa trên cơ sở dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam giữa căng thẳng của các nền kinh tế hiện nay, từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Liên minh châu Âu, quan hệ suy yếu giữa Hàn - Nhật... Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục tận dụng các căng thẳng thương mại để giành lấy thị phần bị bỏ lại, cũng như sẽ có thêm các thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. 

Đáng lưu ý, việc rút một lượng cung ngoại tệ lớn ra khỏi thị trường mà tỷ giá vẫn không chịu sức ép là một diễn biến khá bất ngờ so với những năm trước đây. Đây được xem là hệ quả của nguồn cung ngoại tệ trên thị trường trong năm quá mạnh mẽ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cung ngoại tệ, tỷ giá và câu chuyện dự trữ ngoại hối tăng vọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO