Đầu tư vào giáo dục: Không dễ kiếm lời

GIA LÊ| 10/03/2017 03:36

Các hệ thống giáo dục áp dụng các chuẩn mực quốc tế ra đời đã thu hút một số lượng lớn phụ huynh lựa chọn cho con em mình theo học.

Đầu tư vào giáo dục: Không dễ kiếm lời

Gần đây dư luận xôn xao với mức học phí cao chót vót 200 triệu đồng/năm đối với hệ mầm non của TH School, vốn là hệ thống giáo dục liên thông từ mầm non đến hết trung học phổ thông và chuyển tiếp lên đại học của tập đoàn TH, mà được biết đến với thương hiệu sữa TH True Milk và bà Thái Hương, vốn cũng là bà chủ của Ngân hàng Bắc Á. 

Đọc E-paper

Đủ mặt anh tài

TH không phải là tập đoàn tư nhân đầu tiên nhảy vào lĩnh vực giáo dục, khi trước đó đã có hàng loạt đại gia tên tuổi khác trong nước đi tiên phong, như hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông Vinschool của Tập đoàn Vingroup, Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) đào tạo từ cấp trung học, cao đẳng, đại học cho đến sau đại học của Tập đoàn FPT, Công ty CP Giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu) của Tập đoàn Thành Thành Công đào tạo xuyên suốt từ cấp mầm non, phổ thông đến đại học sau khi tiếp nhận Trường Đại học Yersin Đà Lạt vào tháng 8/2016.

Các trường nước ngoài thì có Đại học RMIT, Đại học Fulbright Việt Nam, Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) và hàng loạt các trường đào tạo quốc tế khác, từ đơn thuần chỉ dạy ngoại ngữ cho đến đào tạo từ cấp tiểu học đến trung học, đại học. Bên cạnh đó là rất nhiều chương trình đào tạo quốc tế liên kết, liên thông, hợp tác với các trường nước ngoài.

Trong bối cảnh giáo dục công còn nhiều hạn chế, giáo trình cũng như phương pháp đào tạo chậm cập nhật, hệ thống giáo dục mầm non liên tiếp gặp nhiều vụ bê bối về hành hạ trẻ em, thì các hệ thống giáo dục áp dụng các chuẩn mực quốc tế ra đời rõ ràng đã thu hút một số lượng lớn phụ huynh lựa chọn cho con em mình theo học.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu vào năm 2005, số lượng trường đại học, cao đẳng ngoài công lập mới chỉ 34 trường, thì 10 năm sau số lượng đã tăng hơn 2,5 lần, lên 88 trường. Song song đó là hàng loạt cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cho đến các trung tâm Anh ngữ ra đời.

Thống kê mới nhất về nguồn vốn nước ngoài cũng cho thấy năm 2016 đã có 70 dự án vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 47 triệu USD. Trong đó, không ít tập đoàn nước ngoài như Forval của Nhật Bản, tập đoàn giáo dục hàng đầu Chungdahm của Hàn Quốc.

Phải cập nhật xu hướng mới

Rõ ràng, được đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế luôn là nhu cầu thích đáng, vì ai cũng muốn con cháu mình được hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất. Vì vậy, hằng năm, lượng ngoại tệ chảy ra nước ngoài theo đường du học sinh là rất lớn chỉ để mong tiếp cận nền giáo dục quốc tế.

Tuy nhiên, nếu học tại Việt Nam mà vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế và trình độ Anh ngữ được nâng cao thì các bậc phụ huynh luôn sẵn lòng, vì rõ ràng không nhiều người muốn phải sống xa con. Và đây chính là đối tượng tiềm năng nhất của các tập đoàn tư nhân đầu tư vào giáo dục với cam kết chất lượng quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam trong những năm qua luôn là quốc gia hàng đầu thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh FDI tăng mạnh, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào Việt Nam, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao là rất lớn trong tương lai, khi mà thời gian qua nhân sự tại Việt Nam chưa đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Cần chú ý một thống kê đáng buồn gần đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy có hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, chứng tỏ chất lượng đào tạo hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trước tình hình này, đầu tư vào giáo dục và các cơ sở dạy nghề tư nhân với chất lượng đảm bảo sẽ còn tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

>>Đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam: Rủi ro và cơ hội

Trước viễn cảnh đó, rõ ràng nhà đầu tư nào có tầm nhìn cũng sẽ muốn rót vốn vào lĩnh vực giáo dục, và những ai đi tiên phong sẽ có được lợi thế của người đi đầu, nhất là trong bối cảnh đầu tư vào giáo dục đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn những hạn chế nhất định theo biểu cam kết với WTO.

Cụ thể, riêng đối với dịch vụ giáo dục phổ thông gồm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục mầm non, Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các cơ sở giáo dục phổ thông do nhà đầu tư nước ngoài mở là dành cho học sinh là người nước ngoài và chỉ một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu theo tỷ lệ luật định. Còn các cơ sở giáo dục mầm non dành cho trẻ em là người nước ngoài và không được phép nhận trẻ em quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua cũng có hàng loạt dự án startup giáo dục theo công nghệ hiện đại, trong khi mảng giáo dục đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến cũng nở rộ như Đại học Funix. Và theo nhiều chuyên gia dự báo, trong tương lai, việc ứng dụng công nghệ cao vào chương trình giảng dạy và đào tạo sẽ lên ngôi, nhất là mảng ứng dụng di động.

Trong khi đó, xu hướng giáo dục tại gia (homeschool) cũng đang manh nha phát triển và được cổ vũ, khi một số quan điểm cho rằng giáo dục tại nhà có thể giúp trẻ em được học đúng trình độ, tiết kiệm thời gian, chi phí và phát huy tiềm năng tốt nhất.

Trong bối cảnh đó, giáo dục truyền thống có thể phải chịu các áp lực cạnh tranh, và những mô hình giáo dục nào không kịp cập nhật, nắm bắt theo xu hướng thời đại và nhu cầu của thị trường, tất yếu sẽ bị đào thải. Và đây cũng chính là rủi ro lớn nhất cho các dự án đầu tư vào giáo dục theo mô hình truyền thống trong tương lai.

>>Cái giá của giáo dục đại học Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư vào giáo dục: Không dễ kiếm lời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO