Báo cáo của UNCTAD nêu rõ, FDI toàn cầu tăng trưởng chậm lại chủ yếu do các cuộc khủng hoảng đa tầng đang diễn ra trên toàn thế giới, từ cuộc xung đột ở Ukraine đến giá thực phẩm và năng lượng tăng cao và áp lực nợ công. Các hoạt động tài chính dành cho các dự án quốc tế và các hoạt động sáp nhập xuyên biên giới cũng chịu ảnh hưởng do các điều kiện tài chính bị siết chặt, lãi suất tăng và những bất ổn trên các thị trường vốn toàn cầu.
Xu hướng giảm thu hút FDI rõ nét nhất ở các nước phát triển, giảm khoảng 37% xuống còn 378 tỷ USD. FDI tại các quốc gia đang phát triển tăng 4% trong năm 2022 lên 916 tỷ USD và chiếm hơn 70% dòng FDI toàn cầu, đây là tỷ lệ đóng góp cao kỷ lục. Dù vậy, phần tăng tập trung ở một số ít các nền kinh tế mới nổi chính.
Trước đó, FDI toàn cầu từng giảm mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sau đó phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.
Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng, dòng chảy FDI tới các nước nhỏ hơn trong nhóm đang phát triển vẫn trì trệ trong khi dòng chảy tới các nước ít phát triển nhất giảm 16% dù đã ở mức thấp. Trong một dấu hiệu khả quan, số lượng các dự án đầu tư cho lĩnh vực xanh được công bố tăng 15% trong năm 2022, tăng ở hầu hết khu vực và lĩnh vực.
Báo cáo chỉ ra đầu tư quốc tế cho hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời và gió, tăng 8% trong năm 2022, chậm hơn tốc độ tăng 50% của năm 2021. Đáng chú ý, đầu tư cho các dự án sản xuất pin tăng gấp 3 lần lên hơn 100 tỷ USD trong năm 2022.
Các lĩnh vực công nghiệp đều chật vật ứng phó với những thách thức về chuỗi cung ứng, trong đó có ngành điện tử, chất bán dẫn, cơ khí và ô tô nhưng cũng ghi nhận tăng trưởng số lượng dự án. Trong khi đó, đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số có dấu hiệu chậm lại.
Nhóm 10 nền kinh tế thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2022 là Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Brazil, Canada, Ấn Độ, Thụy Điển và Pháp.