Thời sự

Đầu tư hơn 32 nghìn tỷ đồng mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Nguyễn An 04/10/2024 - 10:34

Ban quản lý dự án 7 vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo Ban quản lý dự án 7, đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đề nghị UBND TP.HCM xem xét, sớm có ý kiến thống nhất về một số nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ là đơn vị quyết định chủ trương đầu tư. Còn nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty CP Tasco.

Phạm vi nghiên cứu chính là toàn tuyến cao tốc dài 91km từ TP.HCM đến Mỹ Thuận, các nút giao (liên thông và trực thông), các công trình trên tuyến (cầu, cống...), hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí và các nội dung theo ý kiến của TP.HCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, Cục Đường bộ Việt Nam.

img-bgt-2021-vanh-dai-3-1663119001-width700height393-1663746322201699214680.jpg
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi đầu tư, liên danh nhà đầu tư căn cứ vào cơ sở pháp lý của Dự án, đã tính toán, xây dựng các kịch bản đầu tư các đoạn tuyến TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận để từ đó lựa chọn phương án đầu tư tối ưu (đầu tư từng đoạn độc lập, ghép 2 đoạn thành dự án, đầu tư theo phương thức đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP).

Qua kết quả nghiên cứu, nhà đầu tư kiến nghị phương án tối ưu là đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91km trong giai đoạn năm 2024-2028 theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT, không có vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án.

Về quy mô, dự án sẽ có điểm đầu là nút giao Chợ Đệm (tại Km9+325), thuộc địa phận TP.HCM; điểm cuối là nút giao An Thái Trung (tại Km101+126), thuộc tỉnh Tiền Giang.

Trong đó, đoạn từ TP.HCM (bao gồm nút giao Chợ Đệm) đến Trung Lương có quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh, 2 làn dừng khẩn cấp (trong đó có khoảng 1,2km đi qua địa phận TP.HCM); đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (nút giao An Thái Trung) có quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, 2 làn dừng khẩn cấp.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án này là khoảng 32.270 tỷ đồng và thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 17 năm 4 tháng; thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến năm 2028.

Tuy nhiên, theo Luật PPP và Luật Đường bộ, dự án thực hiện đầu tư mở rộng hai tuyến nổi nêu trên theo phương thức PPP là không phù hợp theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nghiên cứu đầu tư những hạng mục công trình trong phạm vi dự án để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của phương thức đầu tư và phương án tài chính.

Do đó, Ban quản lý dự án 7 đề nghị UBND TP.HCM và Sở Giao thông Vận tải TP.HCM xem xét, sớm có ý kiến thống nhất là TP.HCM sẽ thực hiện đầu tư hoàn thiện 2 tuyến đường Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm với quy mô 8 làn xe bằng phương thức đầu tư phù hợp, hoàn thành đồng bộ thời gian thực hiện dự án để phát huy hiệu quả đầu tư.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương khai thác từ năm 2010 với chiều dài khoảng 40km. Trong giai đoạn 1, tuyến này có quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 13 năm hoạt động, lưu lượng phương tiện trên tuyến đạt 50.000 lượt xe/ngày đêm, thường xuyên ùn tắc và tai nạn. Tốc độ lưu thông chỉ đạt 60-70km/h, so với thiết kế 100-120km/h.

Trong khi đó, cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, quy mô 4 làn xe, đi vào hoạt động tháng 4/2022 với mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, tốc độ 80km/h. Tuy nhiên, đoạn này chỉ có các làn dừng khẩn cấp không liên tục nên khi xảy ra tai nạn sẽ gây ùn tắc kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư hơn 32 nghìn tỷ đồng mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO