Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - ông Shim Won Hwan |
Theo vị tổng giám đốc, không phải những đóng góp to lớn, chính những điều giản dị về tình yêu, sự tận tâm cống hiến của nhân viên với Samsung khiến ông tự hào về họ. Ông Shim Won Hwan chia sẻ rằng văn hóa doanh nghiệp của hãng đã nuôi dưỡng ông từ một chàng trai xuất thân từ vùng quê nghèo khó, trở thành lãnh đạo một công ty có hàng chục nghìn nhân viên như ngày hôm nay. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng tuổi thơ cơ cực và con đường đưa ông tới Việt Nam.
* Ông sinh năm 1959, chỉ 6 năm sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tuổi thơ của ông chắc có nhiều điều đáng nhớ?
- Thời điểm đó, Hàn Quốc rất nghèo, đến mức người dân không đủ lương thực. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn. Từ bé, tôi đã vừa đi học vừa phụ giúp bố mẹ làm nông. Khi lên thành phố học, tôi làm thêm để trang trải chi phí ăn ở, học hành. Năm 2010, lần đầu tiên tôi đặt chân tới Việt Nam. Hình ảnh nông dân Việt Nam gặt lúa gợi nhắc về tuổi thơ khó khăn của tôi.
* Động lực nào khiến một chàng trai xuất thân từ vùng quê nghèo khó trở thành người đứng đầu căn cứ sản xuất Samsung toàn cầu như ông hiện nay?
- Tính đến tháng 12/2018, tôi chính thức làm việc tại Tập đoàn Samsung được 34 năm. Trong suốt sự nghiệp của mình, nhiều tiền bối truyền đạt những kinh nghiệm quý báu để tôi học hỏi. Văn hóa doanh nghiệp của chính Samsung đã nuôi dưỡng tôi trở thành người lãnh đạo như ngày hôm nay. Samsung không có sự phân biệt về bằng cấp, học vị, xuất thân hay giới tính, chỉ cần bạn có năng lực, nỗ lực chăm chỉ sẽ nhận được những đãi ngộ tương xứng với công sức của mình. Bản thân tôi cũng như nhiều nhân viên của mình có điểm tương đồng như xuất thân từ vùng quê nghèo khó. Tôi rất trân quý họ.
Link bài viết
* Sự kiện Olympic mùa hè 1988 được cho là bước ngoặt trong việc thay đổi hình ảnh của Hàn Quốc đối với thế giới bên ngoài. Chắc hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm về sự kiện thể thao đó?
- Giống như nhiều người dân Hàn Quốc, tôi coi đây là niềm tự hào lớn lao, tin tưởng vào sự lớn mạnh của đất nước. Lúc ấy, ngành công nghiệp điện thoại di động bắt đầu nhen nhúm phát triển ở Hàn Quốc. Samsung cho ra mắt chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thị trường trước kỳ thế vận hội khoảng 1 tuần. Đây là cột mốc rất đáng nhớ. Là một nhân viên trong bộ phận nhân sự của Samsung, tôi cùng nhiều người khác đã làm việc bất kể ngày đêm, để kịp ra mắt chiếc điện thoại đúng thời điểm trọng đại đó. CEO Samsung Việt Nam trải lòng về nguồn nhân lực Việt Ông Shim Won Han chia sẻ rằng luôn tự hào về sự tận tâm cống hiến, tình yêu của các nhân viên Việt Nam với công ty Samsung.
* Ông được biết tới là người có công xây dựng Samsung Việt Nam, cơ duyên nào đưa ông tới đất nước của chúng tôi?
- Là người có nhiều kinh nghiệm xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại di động, tôi được tập đoàn tin tưởng cử sang Việt Nam đặt những nền móng đầu tiên vào năm 2007. Sau một thời gian gắn bó, tôi nhận ra rằng mình có tình yêu rất lớn với mảnh đất này. Chính vì vậy, sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, tôi tiếp tục quay trở lại Việt Nam để làm việc.
* Những ngày đầu của Samsung ra sao?
- Đó là những ngày tháng khó khăn. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi xây dựng công ty, chúng tôi bắt tay ngay vào sản xuất quy mô lớn. Tuyển dụng là thách thức lớn nhất. Nguồn nhân lực trẻ Việt Nam gần như không có nhiều kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp lớn như Samsung. Do vậy, chúng tôi gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng số lượng lớn, đào tạo và sắp xếp nhân sự làm việc trong các nhà máy. Thời điểm đó, tôi trực tiếp đi tới nhiều địa phương như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An để tuyển dụng nhân viên. Xuất thân từ nhiều vùng miền, các nhân viên của chúng tôi khác biệt nhau về văn hóa, lối sống… Thậm chí, nhiều bạn muốn trở về quê chỉ sau vài ngày làm việc.
* Bây giờ thì sao? Khi giới thiệu về tổ hợp Samsung ở Việt Nam, ông tâm đắc nhất điều gì?
- Tôi luôn tự hào về đội ngũ nhân viên của Samsung. Họ thông minh, cần mẫn và tràn đầy niềm hy vọng, kế hoạch về tương lai của chính mình. Tôi tin rằng các bạn ấy tự hào khi làm việc tại Samsung, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tất nhiên, chúng tôi tự hào từ những điều giản dị nhất, về tình yêu, sự tận tâm cống hiến của các nhân viên với công ty.
* Ông từng chia sẻ rằng rất quý mến công nhân Việt Nam. Một cách thẳng thắn, ông thấy họ có những điểm mạnh, điểm yếu gì?
- Nhân viên của tôi nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung rất kính trọng người lớn, thực hiện nghiêm túc chính sách của công ty. Họ thông minh, khéo tay, chăm chỉ và sẵn sàng học hỏi điều mới mẻ. Tôi nhận thấy nguồn nhân lực Việt Nam làm việc tại Samsung còn thiếu kỹ năng, tác phong nghề nghiệp. Điều đó có thể bắt nguồn từ hệ thống đào tạo, giáo dục tại các trường đại học, cao đẳng. Song, đó là những bất tiện thôi, chứ không phải nhược điểm gì quá lớn.
Link bài viết
* Vậy còn tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp của lao động Việt Nam thì sao, thưa ông?
- Nhân viên mới, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, thường nghỉ làm không lý do, di chuyển lộn xộn, làm việc thiếu trật tự. Chỉ sau vài tháng được đào tạo, các bạn đã thay đổi và trở thành những nhân viên rất chuyên nghiệp. Tôi nhận thấy hệ thống giáo dục đào tạo tại Việt Nam ảnh hưởng không chỉ tới đội ngũ nhân viên sản xuất làm việc ở nhà máy, mà còn các nhân viên kỹ thuật ở trung tâm nghiên cứu. Khi thi tuyển vào trung tâm phát triển của Samsung, các ứng viên phải thực hiện bài test về lập trình hoặc thiết kế phần mềm. Họ có năng lực tốt song kết quả lại không như mong đợi. Điều đó cho thấy các bạn chưa có đủ kinh nghiệm, kiến thức được đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu làm việc trong môi trường doanh nghiệp.
Trong hệ thống đào tạo giáo dục Việt Nam, rất ít các trường đào tạo tay nghề kỹ thuật cho sinh viên. Đối với một doanh nghiệp toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như Samsung, tìm kiếm nguồn nhân lực thực sự là bài toán nan giải. Người Việt Nam quan niệm rằng lựa chọn trường đại học tốt hơn trường nghề. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc chú trọng đào tạo nhân lực kỹ thuật, có tay nghề là yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.
* Là người chuyên về nhân sự, theo ông, trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ sinh viên mới ra trường, có những gì cần thay đổi để thích nghi với công ty công nghệ như Samsung?
- Tôi luôn nhấn mạnh với nhân viên rằng các bạn nên luôn tưởng tượng hình ảnh của mình sau 20-30 năm nữa, cuộc sống xung quanh thay đổi ra sao. Tự khắc các bạn sẽ xây dựng được tầm nhìn, hành trang cho bản thân, dễ dàng thích nghi với những điều mới mẻ. Ví dụ, 30 năm trước, điện thoại thông minh không hề tồn tại, song không ai dám chắc vận mệnh của nó sau 30 tới. Tôi quan niệm phần thắng sẽ thuộc về cá nhân tưởng tượng tốt nhất và chuẩn bị kỹ càng nhất.
* Ở phạm vi rộng hơn, để Việt Nam bắt kịp vào cách mạng công nghệ 4.0, chính phủ Việt Nam nên làm gì để phát triển nguồn nhân lực của đất nước?
- Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thâm nhập vào mọi ngóc ngách ở nhà máy Samsung. Tôi biết Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực, phối hợp với các bộ ngành như Bộ Khoa học Đầu tư, Bộ Công thương để bắt kịp cuộc cách mạng này. Về mặt vĩ mô, Chính phủ phải là đầu tàu chỉ đạo mọi quyết sách. Song, để thực hiện được, tôi cho rằng Chính phủ thu hút được nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, tự động hóa.
Việt Nam có nhiều du học sinh học tập và làm việc tại nhiều quốc gia tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Vấn đề đặt ra là cần các chính sách thu hút, đãi ngộ với nguồn nhân tài này. Đó chính yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực, thích ứng với ảnh hưởng nền công nghiệp 4.0, giúp Việt Nam sáng tạo ra các ngành công nghiệp tương lai. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ thay đổi lối sống, sinh hoạt của chúng ta. Sự kết nối giữa con người - con người, con người - vạn vật cũng thay đổi. Đó là thời đại của 5G ảnh hưởng tới mọi ngóc ngách của đời sống. Tự động hóa trong các nhà máy sản xuất chỉ là giai đoạn đầu trong nền cách mạng công nghiệp 4.0, giai đoạn tiếp theo chính là một xã hội siêu kết nối.
* Một số doanh nghiệp có chính sách thu hút người trẻ và tìm cách đẩy người già ra khỏi hệ thống để không phải chi trả mức lương, phúc lợi cao. Ông có chính sách gì để những người ngoài 30, 40 tuổi yên tâm làm việc ở Samsung?
- Samsung không có chính sách dành riêng cho từng nhóm nhân viên cụ thể. Với lứa nhân viên ngoài 30 tuổi, chúng tôi có chế độ làm việc riêng để họ có thể gắn bó với công ty, nhưng nghỉ việc phụ thuộc vào quyết định của mỗi cá nhân. Để nhân viên, đặc biệt nhân viên đã kết hôn, làm việc lâu dài, chúng tôi sẽ có những chính sách phúc lợi xã hội, hỗ trợ cho họ.
Với cán bộ cấp quản lý làm việc lâu năm, Samsung xây dựng lộ trình thăng tiến trong công ty, có các chương trình đào tạo thường xuyên, hỗ trợ họ bắt kịp sự thay đổi của thời đại. Hiện nay, nhà máy SEV (Samsung Electronics Vietnam) và SEVT (Samsung Electronics Vietnam Thai Nguyen) có khoảng 500 nhân sự cấp quản lý. Trong tương lại, họ không chỉ đóng góp vào sự phát triển của Samsung mà còn mang kinh nghiệm, bí quyết để chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam.
* Thời gian gắn bó trung bình của công nhân Việt Nam tại Samsung là bao nhiêu năm, thưa ông?
- Tỷ lệ nhân viên làm trên 3 năm là 45%, trên 2 năm là 60%. Chúng tôi đi vào sản xuất cũng mới 10 năm trở lại đây. Tôi thừa nhận thời gian làm việc bình quân ở Samsung chưa dài, chủ yếu ở lực lượng nhân viên sản xuất. Sau một thời gian, họ thường về quê lấy chồng và muốn ổn định ở quê nhà. Mỗi năm, tỷ lệ nghỉ việc ở Samsung khoảng 20-25%. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhân viên muốn gắn bó lâu dài với Samsung, thậm chí họ còn muốn con mình sau này cũng làm ở Samsung.
* Nhiều công nhân lo ngại điều kiện làm việc có từ trường, phóng xạ có thể ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Ông giải thích nào với những tin đồn này?
- Tôi cũng nghe về tin đồn này, thời gian gần đây, tin đồn này ít đi. Trên thực tế, khi được kiểm tra, nhân viên Samsung không có vấn đề sức khỏe bất thường nào. Tại các xưởng sản xuất, tiêu chuẩn làm việc của Samsung luôn tốt hơn nhiều so với tiêu chuẩn được đề ra từ cơ quan chức năng Việt Nam.
Link bài viết
* Samsung đã đầu tư xây dựng các nhà máy ở Thái Nguyên, Bắc Ninh… Liệu sắp tới, tập đoàn có dự định đầu tư ở địa phương khác không, thưa ông?
- Hầu hết người Việt Nam chỉ biết đến Samsung hoạt động trong lĩnh vực di động, cụ thể là 2 nhà máy ở Thái Nguyên, Bắc Ninh. Song, chúng tôi còn một nhà máy khá lớn, sản xuất thiết bị gia dụng ở TP.HCM. Samsung có nhiều công ty con, nhà cung ứng linh kiện phụ tùng ở các địa phương tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam dù ở quy mô nhỏ như xây dựng phát triển nhà máy điện, công nghệ xử lý rác thải… Trong lĩnh vực giáo dục, y tế hay quản lý dữ liệu chúng tôi đều sẵn sàng đầu tư, dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng nếu Việt Nam cần, chúng tôi luôn sẵn sàng rót vốn.
* Ông nhấn mạnh nhân viên của mình nên tưởng tượng hình ảnh của họ cho hành trình tương lai. Còn với Samsung, trong 10 năm tới, Samsung tại Việt Nam sẽ mang hình hài như thế nào, thưa ông?
- (Cười) Chúng tôi hiện mới chỉ tưởng tượng trong đầu, có lẽ thật khó để chia sẻ bằng lời. Samsung rất trăn trở tương lai của sản phẩm điện thoại thông minh. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho quá trình đó.
* Các hãng điện thoại Trung Quốc đang ngày một lớn mạnh, ông có coi họ là đối thủ? Samsung có chiến lược gì để cạnh tranh và chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu?
- Chúng tôi không coi bất cứ công ty hay quốc gia nào là đối thủ cụ thể của Samsung. Bởi hiện nay, hàng trăm công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Tất cả họ là đối thủ của Samsung. Nhiệm vụ, chiến lược của chúng tôi là đi trước để phát triển, tạo ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của khách hàng.
* Là một đất nước từng bị chia cắt, chúng tôi cầu mong sự thống nhất trong hòa bình của hai miền Triều Tiên. Song, tại Việt Nam, nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ phải tăng sức cạnh tranh để có thể hút đầu tư từ Hàn Quốc với một đối thủ tiềm tàng là CHDCND Triều Tiên. Ông nghĩ sao về điều này?
- Khá nhiều người quan tâm đến tình hình chính trị của bán đảo Triều Tiên, tôi không phải là chuyên gia chính trị nên rất khó đưa ra câu trả lời chính xác. Trong tương lai, nếu cục diện thay đổi, chúng tôi hay bất cứ doanh nghiệp nào sẽ có thể đầu tư vào Triều Tiên làm ăn. Tôi nghĩ đó là câu chuyện của tương lai. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi Samsung đã bỏ hàng chục tỷ đôla vào Việt Nam, biến nơi đây thành căn cứ sản xuất toàn cầu thì chúng tôi sẽ không chuyển căn cứ ấy từ Việt Nam tới Triều Tiên, ít nhất là trong trung hạn. Hiện giờ chúng tôi đang và sẽ tập trung xây dựng nhà máy ở Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh để ngày càng lớn mạnh.
* Ông nói Samsung đang và sẽ gắn bó lâu dài tại Việt Nam, vậy doanh nghiệp của ông có chiến lược thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung?
- Chiến lược nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và chuỗi cung ứng cùng các doanh nghiệp toàn cầu là trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam. Về phía Samsung, mỗi năm chúng tôi tổ chức 2 triển lãm nhằm tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện, phụ kiện bên ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tư vấn quản trị, sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm cho chính các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi cử các chuyên gia về cải tiến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm từ công ty mẹ sang Việt Nam, trực tiếp làm việc, truyền tải các quy trình, kinh nghiệm quản lý cho các doanh nghiệp nội địa.
Chúng tôi không coi bất cứ công ty hay quốc gia nào là đối thủ cụ thể của Samsung. Bởi hiện nay, hàng trăm công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Tất cả họ là đối thủ của Samsung. Nhiệm vụ, chiến lược của chúng tôi là đi trước để phát triển, tạo ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của khách hàng.
Trong 3 năm qua, hiện đã có 32 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chương trình này, mức độ cải tiến năng suất tăng từ 30 đến 90%. Dự kiến đến cuối năm 2018, sẽ có 38 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình tư vấn này. Để gia tăng hiệu quả, chúng tôi phối hợp với Bộ Công Thương trực tiếp đào tạo các tư vấn viên người Việt Nam. Có thể coi đây là một trong những chương trình tiêu biểu của Samsung đang đóng góp cho nâng cao sự vững mạnh của nền tảng kinh tế Việt Nam.
* Samsung là nhà xuất khẩu lớn hàng đầu, đang đóng góp rất lớn vào tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu lo ngại: “Too big to fail” (Quá lớn để thất bại). Việt Nam phụ thuộc vào Samsung quá lớn và khi Samsung thay đổi cơ cấu đầu tư, vùng đầu tư. Ý kiến của ông như thế nào?
- Thực ra tôi nhận được nhiều câu hỏi này từ các lãnh đạo, chuyên gia Việt Nam. Họ đều lo lắng rằng Samsung đang tạo ra lợi nhuận khổng lồ trong khoảng thời gian ngắn, ảnh hưởng cho sự phát triển bền vững trong tương lai của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cùng cân nhắc nên giảm tỷ trọng đóng góp của Samsung hay cân bằng tỷ trọng bằng cách phát triển các doanh nghiệp khác. Rõ ràng, câu trả lời là: Một phần vẫn tiếp tục để Samsung tăng trưởng và một phần nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ để họ có thể trưởng thành và gia tăng tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế.
Tôi cho rằng còn một số người chưa hiểu rõ vấn đề khi cho rằng Samsung hưởng quá nhiều ưu đãi và đáng ra phải đóng thuế nhiều hơn. Tôi cần nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nội địa hay nước ngoài sẽ không đầu tư vào những lĩnh vực có lợi nhuận thấp. Khoảng năm 2007, rất nhiều doanh nghiệp toàn cầu muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Cuối cùng, hầu như chỉ có Samsung đầu tư thành công một cách rõ rệt. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Samsung hiện phục vụ xuất khẩu, kiếm lợi nhuận từ nhiều thị trường khác. Chính vì vậy, nhà chức trách nên có chế độ đãi ngộ phù hợp dành cho những doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài tăng trưởng mạnh, là bàn đạp hỗ trợ cho chính doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,7%. Nếu cứ duy trì tốc độ tăng trưởng, quy mô nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm chỉ lớn hơn so với hiện nay 1,9 lần. Song, nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 10% thì sau 10 năm, quy mô nền kinh tế lớn hơn bây giờ khoảng 2,6 lần. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta nên nuôi dưỡng, cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài.
(Theo Zing - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)