Đâu là "bảo bối" để Bến Tre thực sự giàu mạnh?

TS. Toán học Nguyễn Ngọc Chu| 24/07/2020 01:00

Giữ vai trò động lực trong sự lớn mạnh của kinh tế Bến Tre chính là kinh tế tư nhân. Phải nhìn thấy vai trò trụ cột về năng suất và hiệu quả của kinh tế tư nhân để dành cho doanh nghiệp tư nhân những khoảng không gian đủ lớn. Về dài lâu, kinh tế tư nhân mới là nhân tố số một trong tăng trưởng kinh tế Bến Tre.

Đâu là

Bến Tre đang xây dựng "Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bến Tre đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Mục tiêu của chương trình này là đến năm 2030, Bến Tre phải trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nội dung số. Vậy đâu là "bảo bối" để Bến Tre thực sự trở nên giàu mạnh?

Thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) là yêu cầu của thời đại. Không có thị trường TMĐT thì sẽ bị tổn thất lớn về kinh tế và bị tụt hậu. Bởi thế, Bến Tre phải thiết lập được thị trường TMĐT cho mọi sản phẩm. Không thị trường TMĐT, người dân Bến Tre bị thua thiệt trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đó là chưa nói đến việc tiết kiệm thời gian, hiệu quả công việc, nâng cao hiểu biết và làm giàu tri thức.

Mục tiêu của Bến Tre đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 mới chuyển đổi số xong là quá chậm. Một mục tiêu "tham lam" nhưng khả thi cho Bến Tre là thiết lập thị trường TMĐT trong hai năm. Mục tiêu "Bến Tre phải trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nội dung số" là một mục tiêu không khả thi. 

Lãnh đạo các tỉnh ở Việt Nam hiện nay, chẳng hạn trong kêu gọi đầu tư nước ngoài, luôn đặt mục tiêu là tỉnh có thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất. Mặt trái của mục tiêu này là đua nhau "hạ giá" bằng cách miễn, giảm thuế, tăng thời hạn thuê đất, miễn giá trị thuê đất. Formosa Hà Tĩnh là một điển hình ê chề. 

Mục tiêu quan trọng mà Bến Tre cần đặt ra là tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của Bến Tre đang quá thấp, chỉ đạt khoảng 33 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 58/63 tỉnh - thành. Đừng nghĩ đến đứng đầu. Đưa thu nhập bình quân đầu người của Bến Tre lên mức 30/63 tỉnh-thành trong giai đoạn 2021-2025 đã là thành tích vượt trội. Lãnh đạo Bến Tre cũng đừng lo tỷ lệ người dùng smartphone 54,14% là thấp. Cứ thành lập thị trường TMĐT đầy đủ, tức khắc người dân sẽ tự thích nghi, số người dùng điện thoại thông minh sẽ tăng cao.

Một báo động cần thiết nữa là kế hoạch phủ 42.000 vệ tinh toàn cầu của tỷ phú Elon Musk đang được thử nghiệm. Hiện Elon Musk đã phóng 540 vệ tinh và chương trình Starlink đang phát thử nghiệm cho Mỹ. Người dùng trên toàn cầu chỉ cần cắm một anten hướng vào chùm sao vệ tinh là nối mạng. TMĐT sẽ lan rộng và phát triển khắp thế giới. Do đó, không thể đợi đến năm 2030 mà trong một vài năm, Bến Tre phải có thị trường TMĐT đủ lớn, nếu không muốn bị thua thiệt.

Quản lý điện tử và chống lãng phí đầu tư

Quản lý điện tử là lĩnh vực thứ hai mà Bến Tre nên thực hiện. Nhưng đây cũng là lĩnh vực có nhiều lực cản; chẳng hạn không mấy ai hào hứng áp dụng quản lý điện tử trong phạt vi phạm giao thông. Quản lý điện tử đưa đến minh bạch. Minh bạch thì khó "kiếm chác", khó tham nhũng nên sinh ra lực cản chống lại quản lý điện tử. 

Quản lý điện tử đưa đến tinh gọn, rút ngắn thời gian, giảm được nhân sự, chống được nhũng nhiễu. Lợi của quản lý điện tử vô cùng to lớn. Thời hạn quyết liệt cho hoàn tất quản lý điện tử trên địa bàn tỉnh là một năm. 

Muốn Bến Tre giàu mạnh thì không thể không triệt để chống lãng phí đầu tư. Phải cắt bỏ những đầu tư công không cần thiết, trong đó có tượng đài, cổng chào, lễ hội… Phải cắt bỏ các dự án không hiệu quả. Phải chống nâng giá trong đầu tư công. Sự nâng giá lên đến cả nghìn phần trăm là hố đen khổng lồ tiêu tán nền kinh tế.

Chống ngập mặn, hạn hán và cơ cấu lại nền kinh tế

Ngập mặn và hạn hán là hai vấn đề cấp thiết hàng đầu của Bến Tre hiện nay. Nước ngọt là nhu cầu thiết yếu từng giây phút của con người và cây trồng nên phải giải quyết tức thì. Giải bài toán chống ngập mặn và hạn hán kéo theo bài toán thay đổi cơ cấu kinh tế. Vấn đề cực kỳ quan trọng và phức tạp này cần có một diễn đàn chứ không thể chỉ nêu vài dòng ở đây. Tự thân Bến Tre phải tìm cách chống thiên tai và cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh, không đợi chờ lãnh đạo quốc gia.

Phát triển nông nghiệp và chế biến nông sản

Nông sản là thế mạnh đầu tiên của Bến Tre. Thành lập thị trường TMĐT cũng là vì phục vụ cho nông sản, chứ không thể biến Bến Tre thành trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại hay thung lũng Silicon. Bỏ nông sản để mơ ước trở thành thung lũng Silicon là sai lầm.

Link bài viết

Bởi thế, Bến Tre phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm có hiệu quả kinh tế lớn. Diện tích canh tác lúa của Bến Tre (năm 2018 là 15.639ha vụ Thu - Đông và 8.048ha vụ mùa) khó mở rộng nhưng năng suất phải tăng. Diện tích cây dừa (khoảng 72.000ha) và sản lượng dừa (khoảng 58.160 tấn) cũng phải có sự tăng tiến. Tương tự là ngô, mía, rau màu các loại và cây ăn quả (ước tính khoảng 28.600ha, 19.230 tấn), cũng phải được tăng năng suất. Điều này đòi hỏi cần có giống mới năng suất cao, đòi hỏi áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong trồng trọt, chăm sóc. 

Chăn nuôi là ngành không thể không chú trọng trong kinh tế Bến Tre. Môi trường Bến Tre phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hai dòng gia súc chính là heo (583.730 con) và bò (khoảng 209.650 con) của Bến Tre còn khiêm tốn. Chăn nuôi là nhân tố tốt giúp tăng thu nhập và cải thiện mức sống của người dân, nên cần có quyết sách đúng đắn.

Song song là phát triển công nghiệp chế biến nông sản để đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng, nhất là phục vụ xuất khẩu. Công nghiệp thực phẩm phải là một trong những định hướng phát triển chiến lược của Bến Tre.

Phát triển thủy sản và chế biến thủy sản

Thủy sản và chế biến thủy sản phải là một trụ cột quan trọng nữa của kinh tế Bến Tre. Giá trị nuôi trồng thủy sản của Bến Tre hiện nay còn thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh chỉ đạt 253.968 tấn, trong đó cá tra 166.907 tấn, tôm sú 4.288 tấn. Tổng sản lượng thủy sản đánh bắt xa bờ cũng chỉ đạt 172.522 tấn trong 10 tháng đầu năm 2018. 

Thủy sản xuất khẩu phải là định hướng chiến lược của Bến Tre. Đây chính là nguồn thu nhập góp phần tăng nhanh mức sống của người dân. Bởi thế Bến Tre cần tập trung vào ba thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ và Nhật Bản. Cùng với đó là đổi mới công nghệ nuôi trồng, đánh bắt, công nghệ chế biến để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ngành thủy sản Bến Tre thay đổi về chất.

Tăng trưởng xuất khẩu là mục tiêu chiến lược

Tăng trưởng gấp 5-10 lần giá trị xuất khẩu phải là mục tiêu chiến lược của Bến Tre trong giai đoạn 2021-2025. Đây không phải là một mục tiêu cao, vì giá trị xuất khẩu của Bến Tre hiện còn quá bé, chỉ vào khoảng hơn 1,16 tỷ USD. 

Phát triển công nghiệp

Công nghiệp Bến Tre phải định hướng chính vào công nghiệp nhẹ. Chủ đạo là công nghiệp chế biến thực phẩm, cùng với các ngành hoá dược, dệt may, giày da, lâm nghiệp, cơ khí, điện máy phục vụ cho nhu cầu sản xuất, thương mại, tiêu dùng và xuất khẩu. 

Một ngành công nghiệp khác mà Bến Tre có thể phát triển tốt chính là năng lượng. Địa hình và điều kiện tự nhiên cho phép Bến Tre phát triển các nguồn năng lượng sạch là điện mặt trời, điện gió và điện thuỷ triều. Còn những ngành công nghiệp tiềm năng khác nữa, có thể xuất hiện theo sự phát triển, mà người lãnh đạo không được bỏ lỡ.

Phát triển giao thông, vận tải và du lịch

Gần TP.HCM là một thuận lợi lớn của Bến Tre trong việc thiết lập hệ thống giao thông - vận tải thông thương với thế giới. Trên địa bàn Bến Tre có 4 con sông lớn là sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên và kênh rạch chằng chịt là lợi thế để phát triển giao thông thủy. Hơn nữa, như là một nhu cầu của đời sống khá giả, khi một số gia đình sở hữu ca nô, tàu thủy riêng, không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là du thuyền.

dua-7290-1595496591.jpg

Du lịch nếu biết phát triển sẽ là một thế mạnh của Bến Tre. Bãi biển, sông ngòi, vườn tược, thực phẩm và con người Bến Tre quả thực là một thế giới kỳ thú cho du khách trong và ngoài nước đến khám phá. Nếu biết xây dựng và tổ chức, ngành du lịch, Bến Tre sẽ có những khoản thu lớn cho nền kinh tế tỉnh và cho thu nhập của người dân.

Nâng cao giáo dục, khoa học, y tế và an sinh xã hội

Là lĩnh vực vô cùng quan trọng mà bất cứ người nào ở vị trí lãnh đạo Bến Tre đều phải hao tâm tổn lực. Có một vấn đề cần lưu ý, là dân số Bến Tre trong vòng 25 năm qua không đổi: năm 1995 là 1.281.800 người, đến năm 2019 cũng chỉ có 1.288.463 người.

Trong 25 năm chỉ tăng có 6.663 người, mà đáng ra phải là không dưới 250.000 người. Không lẽ di dân cơ học (đến nơi khác) của Bến Tre nhiều đến như vậy? Còn những nguyên nhân khác? Làm quan đứng đầu tỉnh không thể không trăn trở!

Thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân

Giữ vai trò động lực trong sự lớn mạnh của kinh tế Bến Tre chính là kinh tế tư nhân. Phải nhìn thấy vai trò trụ cột về năng suất và hiệu quả của kinh tế tư nhân để dành cho doanh nghiệp tư nhân những khoảng không gian đủ lớn. Về dài lâu, kinh tế tư nhân mới là nhân tố số một trong tăng trưởng kinh tế Bến Tre. Làm được những điều trên sẽ giúp cho Bến Tre trở nên giàu mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đâu là "bảo bối" để Bến Tre thực sự giàu mạnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO