1. Từ thị xã Cà Mau, chúng tôi đi tàu đò ra sông Ông Đốc rồi không biết bao nhiêu lần quẹo trái quẹo phải, hết kênh này đến rạch khác, ròng rã 5 tiếng đồng hồ để tấp vào Ba Tiệm, nơi mà theo anh Trần Thanh, đi bộ về Đường Cày gần hơn nhiều lần so với đường thủy.
Chúng tôi băng qua những cánh đồng đang chờ mưa để vào vụ cấy. Bên góc những thửa ruộng khô queo là những đìa đầy ắp nước ngọt, cá quẫy ì ùm. Những căn nhà thưa thớt nép mình dưới vườn dừa xanh ngăn ngắt, ngồn ngộn quả. Con rạch Đường Cày đang lúc nước lớn vỗ sóng vào um tùm dừa nước và lau sậy. Ấp Đường Cày và cả xã Phú Tân của huyện Cái Nước chỉ có đường mòn. Nhìn chung, cảnh quan thiên nhiên của vùng đất này gần như còn nguyên vẹn.
Bữa ăn mà má Hai dọn cho con trai và tôi tối hôm ấy có cơm của một giống lúa có mặt ở Cà Mau từ thuở lập ấp, phải trải qua sáu tháng mới thu hoạch, lại dựa hoàn toàn vào nguồn nước ngọt mùa mưa và mấy loại cá bắt từ con rạch Đường Cày, vừa nấu canh chua vừa chiên. Thấy con trai và tôi dẽ cá từng miếng nhỏ, má Hai biểu: “Hai đứa phải ăn đũa nằm, cá đâu có thiếu mà phải ăn đũa đứng”. Tôi ngơ ngác nhìn anh Trần Thanh hạ khuỷu tay xuống sát bộ ván đước, trở đũa nằm ngang, lấy luôn thịt nửa con cá rô mề bỏ vào chén cho tôi. Thế là tôi hiểu thế nào là “ăn đũa nằm” và bắt chước được ngay.
Cụm từ “ăn đũa nằm” có lẽ xuất phát từ sự phong phú của các loài thủy sản vùng sông nước Cửu Long, thời mà tôm cá nhiều đến mức không dùng cân để định lượng, chỉ tính bằng cần xé, bằng xuồng ba lá và vẫn phổ biến cho mãi đến những năm 1990. Nói là “cho mãi đến những năm 1990” vì từ đầu thập kỷ 2000, nhiều lần xuống huyện Cái Nước, tôi thấy không dễ gì kiếm được con cá, con lươn; cua, rùa, rắn càng hiếm, ngay dưới miệt U Minh Thượng, U Minh Hạ cũng vậy. Dân số địa phương ngày càng phát triển, dân di cư tự do cũng ngày một nhiều nên cảnh quan thiên nhiên Cà Mau mất dần.
2. Nước mặn đã được dẫn vào hầu hết đất ruộng của huyện Cái Nước để nuôi tôm. Ấp Đường Cày và cả xã Phú Tân không còn một thẻo đất để cấy lúa. Dưới sông, dưới rạch, trên đồng, trong đìa, trong ao đều ngập nước mặn. Những vườn dừa, vườn chuối rũ lá, úa vàng, chết dần, đến rau cần nước, rau đắng cũng không còn. Phong trào nuôi tôm như cơn bão Linda tháng 11/1997 (làm chết 3.111 người, phá hủy 200.000 ngôi nhà, chủ yếu là ở Cà Mau) tràn vào tàn phá vùng đất mà ngàn đời nay, ngoài hạt lúa tự làm ra, con người chỉ biết dựa vào nguồn thực phẩm thiên nhiên để sống.
Công bằng mà nói, tháng 10/2000, lãnh đạo tỉnh Cà Mau chủ trương cho huyện Cái Nước chuyển dịch cơ cấu sản xuất bằng cách dành 2/3 đất nông nghiệp để làm một vụ lúa, nuôi một vụ tôm; 1/3 còn lại chuyên nuôi tôm thâm canh là đúng đắn, nhưng do không kiên quyết thực hiện chủ trương này ngay từ đầu nên đã thất bại.
Nông dân Phú Tân thấy những xã ven biển có nhà nuôi tôm trên ruộng lúa trúng lớn nên đã biến toàn bộ đất đai thuộc sở hữu thành ruộng tôm. Ngày 1/1/2001, dân xã Phú Tân tự động kéo ra phá đập Cái Đôi để dẫn nước mặn từ sông Mỹ Bình vào ruộng lúa nuôi tôm. Họ tính, một hecta thả 100.000 con tôm sú giống (khoảng 3,5 triệu đồng), chỉ cần tôm sống 10%, sau ba tháng nuôi sẽ thu hoạch 300 kilôgam tôm thành phẩm. Một kilôgam giá rẻ cũng 100.000 đồng, vị chi được 30 triệu đồng, trừ công cán, chi phí còn lời 20 triệu đồng, gấp 10 lần làm lúa.
Nhưng những nông dân làm lúa theo kinh nghiệm truyền đời không nghĩ đến việc muốn tôm sống và phát triển được 10% thì dù nuôi trong ruộng cũng phải có nguồn nước sạch, đủ độ sâu, độ mặn thích hợp và phải có thuốc kháng sinh chống các bệnh mà tôm thường mắc phải, như đen mang, đỏ thân, đó là chưa nói phải có con giống đạt chuẩn.
Vụ đầu vài chục phần trăm số hộ nuôi tôm ở Cái Nước, nhất là ở xã Phú Tân có thu hoạch khá nhưng vào vụ hai, hầu như mất trắng do nguồn nước lấy từ sông rạch vào là nước nhiễm bẩn rất nặng, chất thải của tôm cùng lượng nước chứa nhiều chất hữu cơ ngâm trên ruộng lâu ngày tạo nên một lớp bùn dày làm tôm chết hàng loạt, con nào sống thì lớn rất chậm do thiếu thức ăn.
Thế là 42 tỷ đồng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho dân xã Phú Tân vay nuôi tôm (trung bình 25 triệu một hộ) không thu được vốn lẫn lãi. Nhưng đâu phải chỉ xã Phú Tân vay tiền ngân hàng, mà nói như dân Cà Mau là “đều trời”, xã nào, huyện nào có nuôi tôm đều nợ ngân hàng, nợ vô thời hạn. Cả xã Phú Tân và gần cả huyện Cái Nước nông dân không có gạo ăn, nhiều nhà, như nhà má Hai của anh Trần Thanh phải đặt lú kiếm từng lạng tôm bán mua gạo và đặt lờ kín đặc các con rạch để kiếm từng con cá nhỏ làm thức ăn.
Những vuông tôm mênh mông đã đẩy lùi cây lúa, khiến những gia đình như nhà má Hai phải đặt lú kiếm từng lạng tôm, bán mua gạo. |
3. Về Cái Nước những năm ấy, đâu đâu cũng nghe dân bàn về việc nuôi tôm, về cái đói nhãn tiền. Cả một vùng ruộng lúa mênh mông bị nhiễm mặn đến từng thớ đất, muốn trở lại cấy lúa thì phải đắp lại đập trữ nước ngọt và chịu mất mùa ít nhất năm ba năm. Năm ba năm ấy, dân lấy gì để sống?
Chỉ còn một cách duy nhất là ngân hàng tiếp tục cho dân vay tiền để đầu tư nuôi tôm, ít nhất cũng phải bằng số tiền đã cho vay. Có tiền dân sẽ mua (hoặc thuê) máy D22 khoan ruộng sâu thêm vài ba tấc rồi hút đắp lên liếp, phải thay nước theo chu kỳ bằng cách bơm nước ra bơm nước vào. Dù nuôi trong ruộng, tôm sú chỉ phát triển tốt ở độ mặn từ 5-15%, do đó phải khoan giếng lấy nước ngọt pha vào nước mặn (phải khoan sâu vài trăm mét mới có nước ngọt với độ sạch tương đối).
Thuốc chữa bệnh, thức ăn cho tôm cũng không thể thiếu. Những biện pháp ấy, nếu có tiền, dân làm được nhưng để ổn định một vùng chuyên canh con tôm sú như huyện Cái Nước, chính quyền các cấp phải vận động và cấm dân thải mọi chất thải xuống kênh rạch để có nguồn nước sạch và xây dựng những cơ sở sản xuất tôm giống đạt tiêu chuẩn. Chính quyền “không can nổi” dân nóng vội nuôi tôm. Việc đã rồi và không thể biến ruộng tôm thành ruộng lúa được nữa nên không có cách nào khác là phải cầm cự sống qua ngày.
Tháng 11/2003, huyện Cái Nước tách làm đôi, thành lập thêm huyện Phú Tân. Tôi lại về ấp Đường Cày (cũng may là chưa bị đổi tên). Cậu em trai của Trần Thanh chèo chiếc ghe nhỏ suốt cả buổi sáng đưa tôi xuống ấp Gò Công - một làng biển làm nhà ngay trên biển, đối diện với Mũi Cà Mau bên kia vịnh mười mấy hải lý, thăm quê vợ của anh, đâu đâu cũng thấy đầm nuôi tôm mà vài năm trước còn là rừng đước nối tiếp rừng đước.
Mạnh ai nấy phá rừng chiếm đất nuôi tôm, hàng trăm ngàn hecta rừng đước U Minh Hạ trong vài chục năm còn vài chục ngàn. Cả một hệ sinh thái rừng ngập mặn bị đảo lộn, mất gần hết nguồn thủy sản tự nhiên, mất bức tường xanh che chắn gió bão, cùng với biến đổi khí hậu, biển tiến càng nhanh. Chính quyền lại một lần nữa bất lực. Nhiều người tự hào sau mấy chục năm từ ngày có phong trào nuôi tôm, đến nay diện tích nuôi tôm trên cả nước khoảng 720.000 hecta, sản lượng đạt khoảng 690.000 tấn, xuất khẩu tôm đứng thứ tư thế giới, sau Ecuador, Thái Lan, Indonesia, trước Ấn Độ, với kim ngạch năm 2018 đạt 3,55 tỷ USD, phấn đấu đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD.
Với nền kinh tế, số tiền ấy lớn thật, nhưng với Cà Mau, Bạc Liêu - hai tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước đã phải đánh đổi cả một hệ sinh thái mà tự nhiên tạo ra gần 10.000 năm trong quá trình lấn biển. May thay, sau bao thất bại, hiện nay đã có một số hộ dân trồng lại đước, nuôi tôm quảng canh, gọi là “tôm sạch”, nhưng đất ruộng lúa Cái Nước, Phú Tân thì đã trở thành đất mặn, mặn như con cá sặc khô, không thể dẽ bằng đũa nằm được nữa!