Dạo Phố Tàu, New York

THÁI THANH| 04/11/2008 04:04

Khoác balô lên vai, chúng tôi leo lên một chiếc Chinatown Bus- tức “xe buýt Phố Tàu”. Đây là phương tiện vận chuyển khá quen thuộc ở Mỹ, chuyên đón khách và trả khách tại các Phố Tàu- những Chinatown lừng lẫy đã mọc lên ở khắp các tiểu bang của xứ sở này từ rất lâu...

Dạo Phố Tàu, New York

Khoác balô lên vai, chúng tôi leo lên một chiếc Chinatown Bus- tức “xe buýt Phố Tàu”. Đây là phương tiện vận chuyển khá quen thuộc ở Mỹ, chuyên đón khách và trả khách tại các Phố Tàu- những Chinatown lừng lẫy đã mọc lên ở khắp các tiểu bang của xứ sở này từ rất lâu...

Ngỡ ngàng phố Tàu...

Thoạt tiên, chúng tôi đi xe điện ngầm đến Phố Tàu Washington DC. Một cái cổng lộng lẫy lợp ngói men vàng, có nhiều tầng mái cong và những hình chạm công phu dẫn chúng tôi vào khu vực của người Hoa. Đường phố buổi sáng sớm vắng vẻ với những dãy nhà hiền lành, một anh chàng có lẽ say rượu, nằm ngủ trên hè đường, bên ngoài cửa kính một gian hàng.

Cuối phố, một chiếc xe bus đang đậu, cạnh đó là một nhóm người đủ các màu da, có dáng là dân du lịch đang xếp hàng chờ lên xe. Tuy mang tên hãng là Washington Deluxe nhưng xe trông chẳng có vẻ gì là “đờ-luých” cả với cửa kính bám đầy bụi đường và hành khách nào lên sau, phải ngồi gần khu vực toilet thì tha hồ... nghẹt thở!

Ở đâu có người Hoa, ở đó có... chữ Tàu!

Thế nhưng do giá vé rẻ (30USD/khứ hồi) tức non nửa so với giá vé xe bus Greyhound của người Mỹ, hệ thống xe buýt Phố Tàu vẫn ngày càng phát triển, nối liền nhiều tiểu bang giàu có, quan trọng của nước Mỹ ở bờ đông cũng như bờ tây. Trên tuyến đường từ Washington DC đến New York, xe đưa chúng tôi ghé qua Phố Tàu của Philadelphia, một thành phố có nhiều kiến trúc cổ xưa, vốn là nơi khởi đầu cuộc cách mạng giành độc lập của người Mỹ, gắn liền với tên tuổi Benjamin Franklin.

Khởi hành từ sáng sớm nên khi đến New York, chỉ mới xế trưa. Khá bất ngờ là bến đỗ lại ở ngay phía trước một cửa hiệu mang tên: Bánh mì Sài Gòn Bakery. Đứng trước cửa là một người đàn ông trung niên đội nón lưỡi trai quay ngược về phía sau, vui vẻ hỏi tôi bằng thứ tiếng Việt của người Hoa Chợ Lớn: “Ở Việt Nam mới qua hả?”. Chúng tôi mừng rỡ hỏi thăm đường và bắt đầu chuyến “phiêu lưu” của mình.

Khu vực chúng tôi đang đứng ở phía tây Phố Tàu, trên đường Broadway. New York được xem là thành phố tập trung đông đảo người Hoa nhất ở Bắc Mỹ, dù Phố Tàu ở đây chỉ rộng hai dặm vuông, nằm tại phía nam Manhattan, giáp với các con đường Kenmore và Delancey về phía bắc, phía nam là đường East và Worth, đường Allen ở phía đông và Broadway phía tây. Có khoảng 150.000 người Hoa sinh sống tại đây, trong đó nhiều người là con cháu của những người Hoa tiên phuông, đến lập nghiệp tại New York từ giữa thế kỷ XVIII.

Đường phố tràn ngập người, náo nhiệt chẳng khác gì Sài Gòn. Tôi bước vào East Broadway Mall, một thương xá nằm bên dưới cầu Manhattan. Một thang bộ dẫn xuống khu buôn bán dưới tầng hầm, cũng hằm bà lằng đủ loại hàng hóa, tiệm mì... như các khu buôn bán thông thường của người Hoa, nhưng mặt hàng nổi bật nhất ở đây là thuốc bắc. Dược thảo chứa đầy trong những thùng lớn để tràn lan ra tận cửa.

Đặc biệt là có nhiều lương y mặc áo trắng ngồi ngay tại hành lang để bắt mạch và cho thuốc. Thầy thuốc ngồi trên một ghế nhựa - kiểu thường thấy ở các quán ăn bình dân Việt Nam, bệnh nhân cũng bắc một cái ghế nhựa đến ngồi trước mặt... Thuốc được kê toa và mua ngay tại cửa hàng kề bên, thật là tiện lợi!

Đi trên những con đường hẹp, nhà cửa san sát tại khu Phố Tàu này, tôi cảm thấy khá lạ lùng trước hệ thống cầu thang bằng sắt dẫn từ mặt đất lên ban công các tầng lầu của mỗi căn nhà. Những cầu thang này, hoặc nghiêng, hoặc xoắn ốc, nối với các ban công cũng bằng sắt - làm thành một thứ giống như giàn giáo xây dựng ở ngay mặt tiền nhà.

Chúng tôi được giải thích là nhiều tòa nhà ở Phố Tàu hiện nay là những chung cư được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX, diện tích rất hạn chế và người ta luôn tìm cách để cơi nới. Giá thuê nhà tại đây được coi là cao nhất New York, không thua gì những khu sang trọng khác như Upper West Side và khu phố trung tâm.Đầu tư từ Hồng Kông cũng không ngớt đổ vào Phố Tàu, khiến một miếng đất nhỏ xíu nơi đây, chạm vào cũng... phỏng tay!

Thế nhưng trước mặt chúng tôi là những sinh hoạt rất bình thường. Quần áo bay phấp phới trên những ban công cao. Rất nhiều bảng hiệu toàn bằng tiếng Hoa, không buồn quan tâm đến việc người Mỹ có đọc được hay không. Trên hè đường, trái cây, rau củ chất đầy trên những quầy gỗ đơn giản đặt dưới các mái hiên, phía trên treo lủng lẳng một cái cân.

Người mua tha hồ lựa chọn, cân đo. Tôi tìm thấy cả rau muống trên một quầy hàng. Về sự hiện diện của người Việt thì ở đây cũng không ít. Bên kia đường là một bảng hiệu viết bằng tiếng Việt: Nhà hàng Tân Thế Giới: Đặc biệt heo sữa và heo cúng lễ. Ở một góc đường là: Phở Sài Gòn Restaurant- 52 Bowery-1st Floor. Và trên một lối vào chung cư, tôi đọc được dòng chữ: X-cel Dental. Bác sĩ nha khoa Trần Minh...

Nói về việc “chiếm dụng lề đường” thì Phố Tàu New York thật chẳng nhường ai. Dưới những mái che bằng nylon chồm ra hè đường, người ta treo lủng lẳng những túi xách, thắt lưng, mắt kiếng... Họ cũng có thể kê một cái kệ gỗ xấu xí ra hè phố để bán quạt giấy, và ngay cạnh đó là một chậu nước chứa vài con ếch, rùa bằng nhựa đang bơi...

Nếu chịu khó tìm tòi, bạn có thể mua được những món quà lưu niệm với giá rẻ không ngờ: Một xấp 5 cái áo thun có dòng chữ I love NY giá chỉ 10USD. Thế nhưng nếu không biết trả giá, với 10USD, bạn sẽ chỉ mua dược 1 cái áo thun cùng loại!

Những biểu tượng tinh thần

Đi qua những con phố náo nhiệt, chúng tôi dừng chân trước một tượng đồng đặt trước một công viên nhỏ. Tượng một người Hoa cao lớn trong trang phục đời nhà Thanh. Lại gần chân tượng, chúng tôi đọc được tên ông: Lin Zexu (Lâm Tắc Từ - 1765 - 1850), một học giả đồng thời là một anh hùng trong trận chiến tranh chống nha phiến của người Hoa (1839-1842).

Ông còn được xem như một biểu tượng của lòng yêu nước, sự phản kháng của người Hoa trước sự thống trị của phương Tây. Bức tượng ấy sừng sững trên đất Mỹ cho tôi cảm giác khá thú vị. Có vẻ như đây là sự khẳng định của tinh thần người Hoa trước bao nỗi thống khổ, chà đạp, khinh miệt lúc bước chân vào vùng đất này thuở xa xưa.

Bất ngờ hơn, không xa bức tượng Lin Zexu lắm, là một bức tượng đồng khác không kém to lớn. Đó là một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy trong trang phục cổ Trung Hoa, tóc búi cao và râu dài: Khổng Tử. Phía sau lưng tượng Khổng tử là một tòa nhà cao tầng đồ sộ mang tên Khổng Tử Plaza. Tòa nhà này được xây dựng vào năm 1975, cao 132m, gồm 44 tầng với cư dân là những người Mỹ gốc Hoa giàu có, sống khá tách biệt với đám đông lao động dưới phố.

Ngày nay, một số khu người Hoa vẫn đang tiếp tục mọc lên ở những vùng ngoại ô Chinatown, Queens. Dù vậy, những dãy phố ngổn ngang các cầu thang bằng sắt ở mặt tiền Phố Tàu vẫn thu hút rất nhiều khách du lịch và là tổ ấm của đông đảo người Hoa. Đây là lãnh địa của hàng trăm nhà hàng, các chợ trái cây, chợ cá, tiệm buôn, những cửa hàng bán kẹo bánh, đồ trang trí lặt vặt... Họ đã tạo dựng được cả một vùng quê hương trên đất Mỹ xa lạ, trên bao đắng cay và nước mắt... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dạo Phố Tàu, New York
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO