Thời sự

Đằng sau con số tăng trưởng GDP

(Ý Nhi ghi) 10/5/2024 14:30

GDP quý I/2024 tăng 5,66 % so với cùng kỳ năm trước, được xem là mức tăng GDP cao nhất trong 4 năm qua, từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý, những rủi ro cho nền kinh tế đang dần tích tụ. Vậy, con số 5,66% có phải là con số tăng trưởng bền vững? Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.

* Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá con số tăng trưởng GDP quý I/2024vừa qua như thế nào?

vnf-nguyen-dinh-cung.jpg
TS. Nguyễn Đình Cung

- Dù tăng trưởng GDP quý I/2024 là con số lạc quan nhưng nền kinh tế đang ở ranh giới suy giảm, đầu tư toàn xã hội thấp, đầu tư tư nhân chững lại, đầu tư công có vẻ hụt hơi.

Thị trường tài chính tiền tệ hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn rủi ro do nợ xấu tăng, nợ xấu cuối năm 2022 là 2,03 % năm 2023 là 4,55 % tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng I/2024 là 4,79 %.

Như vậy, thị trường chưa được khai thông mà nợ xấu tăng lên rõ ràng tiềm ẩn rủi ro trong nền kinh tế rất lớn. Lo ngại hơn nữa đó là đầu tư toàn xã hội rất thấp trong đó, đầu tư tư nhân vốn chiếm tới gần 60 % trong tổng đầu tư toàn xã hội đang chững lại, hiện tượng này đã xuất hiện trong mấy năm gần đây và cho đến nay vẫn không nhìn thấy động lực nào để tăng lên trong thời gian tới. Thường, đầu tư tư nhân luôn có tốc độ tăng hơn 10-15 % nhưng năm 2023 chỉ tăng 2,4 % và quý I/2024 tăng 4,2 %. Đầu tư nước ngoài có cải thiện nhưng quy mô dự án đang nhỏ đi, số doanh nghiệp phá sản đóng cửa vẫn tăng lên trong quý I năm 2024. 36.200 doanh nghiệp ra đời nhưng gần 74.000 doanh nghiệp rời thị trường tăng 22,8 % so với quý I/2023. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam có tình trạng số doanh nghiệp rời thị trường là lớn hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường như bây giờ.

* Tăng trưởng kinh tế chủ yếu do đầu tư công tăng mạnh, vậy vai trò đầu tư công hiện nay ra sao? Theo chỉ số xuất siêu thì khu vực doanh nghiệp FDI tăng, có thể đóng góp lạc quan cho tăng trưởng kinh tế không, thưa ông?

- Đầu tư công hiện nay không phát huy vai trò dẫn dắt đầu tư tư nhân, chưa mang tính lan tỏa như kỳ vọng. Bên cạnh đó, tuy xuất siêu có lạc quan nhưng chủ yếu do khu vực FDI và do nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu. Từ những yếu tố đó, có vẻ như khu vực FDI đang lấn lướt khu vực kinh tế trong nước. Tuy nhiên, hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng và xuất siêu như thế chưa phải là tín hiệu tốt của nền kinh tế.

324234.jpg

* Vậy theo ông, cần có những giải pháp đột phá mạnh mẽ thế nào cho tổng cầu để chúng ta có thể phấn đấu đạt mục tiêu chiến lược?

- Trong bản báo cáo thường niên về tình hình kinh tế Việt Nam do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố hôm 17/4 cũng đưa ra nhận định đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu. Với cả ba thành phần này đều suy yếu cho thấy sự sụt giảm mạnh tổng cầu của nền kinh tế. Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy giảm, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp chưa phục hồi ổn định, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân.

Vì thế, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu từ đó phục hồi tổng cầu tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đặt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024 sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách tổng cầu. Do vậy, các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu đầu tư tiêu dùng xuất khẩu cần được hồi phục nhanh chóng và để mạnh hơn nữa báo cáo nêu.

* Trước mối lo ngại nền kinh tế suy giảm, ông có khuyến nghị gì về chính sách?

- Phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phải có thông điệp rõ ràng về môi trường đầu tư kinh doanh an toàn và củng cố niềm tin để đầu tư tư nhân trở lại. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục, những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ nên tiếp tục để mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đối phó với những vấn đề của suy giảm tăng trưởng. Chính phủ nên tiếp tục giảm một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu tiêu dùng cuối cùng đóng vai trò lớn nhất trong tổng cầu vì thế cần có chính sách kích cầu tiêu dùng.

* Để đạt được mục tiêu của năm 2024, Chính phủ cần ưu tiên làm gì trước, thưa ông?

- Năm 2024, Chính phủ nhấn mạnh và ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhưng không xem nhẹ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điểm khác trước. Trong nhiều năm qua, Chính phủ rút ra bài học là luôn ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Vì thế, để đạt mục tiêu tăng trưởng phải làm tốt hơn việc ổn định vĩ mô, tức ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng ổn định vĩ mô.

Và để đạt mục tiêu phải thực hiện thật mạnh mẽ cải cách ở trong nước, trong đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, tận dụng các thuận lợi bên ngoài, thí dụ tận dụng được thị trường Mỹ và công nghệ của Mỹ. Đây là 2 yếu tố nước nào tận dụng được sẽ phát triển được. Đồng thời, phải xóa bỏ được tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm đang là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay.

Năm nay với việc ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã phát đi thông điệp: chọn cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Theo đó cải thiện môi trường kinh doanh sẽ mạnh mẽ hơn năm trước, sẽ giúp môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể.

Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất, lại là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất và ít tốn kém nhất lại khích lệ đầu tư tư nhân. Nếu môi trường kinh doanh cải thiện nhanh, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ yên tâm đầu tư mở rộng, đầu tư mới để khi kinh tế thế giới thuận lợi hơn, họ sẽ tận dụng ngay được cơ hội mà bứt phá.

* Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đằng sau con số tăng trưởng GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO