Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (đứng) yêu cầu TP.HCM nêu rõ đánh giá tác động phát triển kinh tế - xã hội khi thành lập thành phố Thủ Đức. |
Trên đây là một trong những vấn đề đoàn công tác Trung ương đặt ra trong buổi làm việc ngày 31/10 với UBND TP về góp ý Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 -2021.
Còn 21 quận huyện, 1 thành phố và 312 phường xã
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố hiện có 24 quận, huyện, 322 phường, xã, thị trấn. Sau khi sắp xếp, tổ chức lại còn 21 quận, huyện, 1 thành phố, 312 phường/xã/thị trấn. So với hiện nay thì giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 10 đơn vị hành chính cấp xã.
Ngoài việc sắp xếp 19 phường/xã (giảm 9 còn 10), trọng tâm của đề án nêu trên là thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, với mục tiêu nơi đây trở thành hạt nhân và cực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế.
Cần phải bổ sung thêm thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức mới. |
Góp ý cho đề án của TP, đại diện các bộ Xây dựng, bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đều thống nhất cần làm rõ tiêu chí phân loại đô thị đối với thành phố mới trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Đồng thời bổ sung, làm rõ quy hoạch đô thị của thành phố mới, hiện nội dung này trong đề án còn mờ nhạt.
Về thành phố Thủ Đức, các thành viên đoàn công tác đều thống nhất bổ sung thêm quy định về thẩm quyền của thành phố mới. Thành phố Thủ Đức phải có gì khác so với các quận hiện tại, có khác biệt mới tạo ra đột phá, còn nếu không có gì khác thì rất khó thực hiện được những mục tiêu đã nêu trong đề án.
Ông Ngô Minh Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị TP cần bổ sung giải pháp xử lý tài sản, trụ sở của các đơn vị sau khi sắp xếp để tránh tình trạng lãng phí.
Lên thành phố không còn thấy nhếch nhác
“Cảm nhận của cá nhân tôi sau khi khảo sát thì thấy như thế này. Về hạ tầng, đi trên đường trục chính thì rất tốt, nhưng phía sau là những khu dân cư rất nhếch nhác, lụp xụp lắm. Ngoài ra cần quan tâm vấn đề môi trường, không để người dân nói rằng lên thành phố mới vẫn nhếch nhác như vậy”, ông Dương nói.
Sau khi sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức, theo đề án sẽ dôi dư hơn 300 công chức và sau 5 năm mới sắp xếp xong công tác cán bộ. Đoàn công tác đề nghị TP.HCM đẩy nhanh trong năm 2021 hoặc chậm nhất trong năm 2022 phải sắp xếp xong, giải quyết xong số cán bộ công chức dôi dư.
Thành phố Thủ Đức mới được kỳ vọng sẽ là cực tăng trưởng mới của TP.HCM. |
Cùng với việc sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, nhiều ý kiến góp ý TP. HCM bổ sung vấn đề đào tạo cán bộ công chức, viên chức và phát triển nguồn nhân lực. Vì phát triển một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố trở thành hạt nhân tăng trưởng mới thì nhân lực là quan trọng nhất.
Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành góp ý cho đề án, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn yêu cầu vấn đề nào cần làm rõ, cần hoàn thiện hồ sơ thì TP.HCM phối hợp với Bộ Nội vụ nhanh chóng làm rõ để sớm trình hội đồng thẩm định. Đồng thời thành phố cần bổ sung, nêu rõ đánh giá tác động phát triển kinh tế - xã hội khi thành lập thành phố Thủ Đức.
Ông Trần Anh Tuấn cũng đề nghị trước mắt nên giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp công lập ở 19 phường và 3 quận sáp nhập, sau khi ổn định bộ máy chính quyền ở các đơn vị hành chính cấp quận, phường thì tính đến sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì nhiệm vụ của các đơn vị này là phục vụ các yêu cầu của người dân một cách kịp thời, đáp ứng sự hài lòng của người dân, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục.