“Dám nghĩ nhỏ” giúp tôi thực hiện mục tiêu

Nguyễn Thành Danh| 24/09/2022 08:00

Trong một thế giới đang biến đổi như hiện nay, sự toàn cầu hóa, sự mở rộng của thế giới ảo... buộc những nhà quản lý phải thay đổi để có thể truyền cảm hứng hướng mục tiêu và tầm nhìn cho đội ngũ, khuyến khích sự đổi mới phát triển từ bên trong. Tuy nhiên, thế giới thì đầy cám dỗ, cũng như những thứ gây xao nhãng và nhiều áp lực khác khiến mục tiêu mà chúng ta muốn hướng đến trở nên xa vời hơn.

Trong lúc bị bối rối với những mục tiêu đã đề ra thì tôi đọc được cuốn sách Dám nghĩ nhỏ của Owain Service và Rory Gallagher. Và câu nói “Khi có một mục tiêu dài hạn và có tính thử thách, nếu bạn không thể tìm ra cách giải quyết phù hợp đối với những chi tiết nhỏ trong suốt quá trình theo đuổi mục tiêu thì bạn sẽ không thể nào đạt được mục tiêu đó. Vì thế, để đạt được những mục tiêu to lớn, bạn cần biết nghĩ nhỏ” đã buộc tôi phải nhìn nhận lại những mục tiêu của mình đã đặt ra trong ba năm gần đây và hầu như những mục tiêu đó vẫn chưa được hoàn thành.

Tôi nhận ra rằng, ở phương Tây, nhiều người có thói quen đề ra cho bản thân nhiều mục tiêu phức tạp và gọi đó là danh sách “những điều cần cải thiện trong năm mới”. Có lẽ bạn và tôi cũng có một danh sách như thế, với những mục tiêu như có thân hình cân đối hơn, uống ít bia rượu hơn, tiết kiệm nhiều hơn, hay tìm một công việc mới tuyệt vời hơn và bạn muốn hoàn thành tất cả điều đó ngay lập tức. Tình huống tương tự cũng thường xảy ra trong doanh nghiệp, khi các nhà quản lý đề ra một danh sách dài những mục tiêu cụ thể về thành tích và kỳ vọng đội ngũ của mình sẽ đạt được tất cả mục tiêu đó. Tuy nhiên, việc cố đạt được nhiều mục tiêu tham vọng cùng lúc đã làm suy giảm nỗ lực theo đuổi mục tiêu của chúng ta, vì đầu tư nỗ lực nhận thức để hoàn thành những mục tiêu này có nghĩa là giảm khả năng hoàn thành những mục tiêu còn lại. Và tôi nhận ra là vấn đề của hầu hết chúng ta không phải là không có mục tiêu, mà là có quá nhiều mục tiêu. 

Và tôi cũng tìm thấy một hướng dẫn để xác định mục tiêu đã được tác giả giới thiệu đó là dựa vào 5 yếu tố giúp cải thiện hạnh phúc để đánh giá từng mục tiêu trên thang điểm từ 1-10, sau đó cân nhắc xem mức độ hạnh phúc của bạn có thể được cải thiện như thế nào khi bạn đạt được mục tiêu, bất kể mục tiêu đó là tham gia công tác tình nguyện, thi chạy marathon, tìm việc làm mới, dành thời gian cho con cái, cải thiện thành tích của đội ngũ tại nơi làm việc... Mục đích của việc này buộc chúng ta thay vì chỉ nghĩ về cơ hội hoàn thành mục tiêu, thì nên đánh giá từng mục tiêu trên thang điểm từ 1-10 dựa trên niềm đam mê và sự hứng thú mà bạn dành cho mục tiêu đó. 

Tôi đã áp dụng phương pháp đó để xác định lại mục tiêu của mình và chợt nhận ra điều tôi cần bây giờ là một chương trình học để nâng cao kiến thức và mở rộng những mối quan hệ, cũng như tầm nhìn nếu muốn khởi nghiệp với một doanh nghiệp tư vấn trong tương lai. Quá trình này không mất quá nhiều thời gian như tôi nghĩ và tôi đã chọn được một chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế nhưng học tại Việt Nam, để tôi có thể tiếp tục hoàn thành công việc của mình ở hiện tại nhưng sẽ là một bước chuẩn bị chắc chắn cho tương lai.

Về lâu dài, cách làm này sẽ giúp bạn tập trung vào những điều quan trọng, tạo động lực để bạn kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, ngay cả khi bạn gặp phải khó khăn, thử thách. Điều này cũng giống như đừng đặt mục tiêu là học tiếng Hy Lạp cổ nếu bạn chưa từng cảm thấy hứng thú với các tác phẩm của Homer. 

Và từ hai lăng kính của hạnh phúc và đam mê hy vọng cũng sẽ giúp bạn có những góc nhìn khác về mục tiêu của bản thân. Nếu bạn vẫn chưa thể xác định được mục tiêu cho mình thì chia sẻ danh sách mục tiêu của bạn với người thân cũng là một ý hay. Đôi khi, vợ của bạn mới là người chọn được món ăn hợp khẩu vị với bạn hơn khi hai người dùng bữa ở nhà hàng, vì cô ấy là người hiểu rõ bạn thường thích ăn những món gì. Tương tự, người thân của bạn cũng thường có cái nhìn sáng suốt hơn về những mục tiêu của bạn, đặc biệt là khi mục tiêu đó có liên quan đến những quyết định hệ trọng như thay đổi công việc hay bắt đầu một dự án mới. Và đây cũng là cách mà tôi tìm thêm người đồng hành và cổ vũ để tôi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc cho mục tiêu của mình.

Khi bạn đã chọn được một mục tiêu duy nhất để theo đuổi thì việc tiếp theo cần làm là xác định rõ như thế nào là hoàn thành mục tiêu. Và cứ theo những hướng dẫn từ cuốn sách, tôi đặt cho mình những câu hỏi nhỏ rồi trả lời nó để tìm được giải pháp cho vấn đề của mình. Và lúc này đây, tôi đã hoàn thành chương trình MBA của mình, doanh nghiệp tư vấn của tôi cũng đang trong giai đoạn hình thành. Tôi đã bước qua những vấn đề của mình chỉ bằng một cuốn sách như thế, nhưng quan trọng hơn tất cả, tôi đang thấy mình đã gần với mục tiêu của mình và đang xây dựng thêm mục tiêu của mình cho ba năm tới. 

Đó là lý do vì sao bạn cần đề ra những đích đến rõ ràng để xác định bản thân đã đạt được mục tiêu hay chưa và biết được mình đang ở đâu trên hành trình chinh phục mục tiêu. Đích đến của bạn phải giúp bạn tập trung vào một điều gì đó có tính thử thách, điều mà bạn muốn mình có thể làm tốt hơn và khiến bạn hạnh phúc hơn.  

(*) Giám đốc Công ty Phát Tiến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Dám nghĩ nhỏ” giúp tôi thực hiện mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO