Đà Lạt cà phê, một thời và mãi mãi…
Thử đánh dấu vào vị trí quán cà phê, bản đồ Đà Lạt sẽ xuất hiện dày đặc những chấm nhỏ, từ đông sang tây, từ đồi núi xuống thung lũng. Nếu Buôn Ma Thuột được xem là “thủ phủ cà phê” thì Đà Lạt xứng danh là “thủ phủ quán cà phê” của Việt Nam.
Quán cà phê đủ phong cách, đủ kiểu bài trí, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thị dân Đà Lạt là chuyện đương nhiên. Trong không khí lành lạnh của những buổi sáng mờ hơi sương, trong làn gió lành lạnh lúc chiều tà, ngồi nhâm nhi cà phê nóng quánh đã trở thành một thú vui và thói quen khó cưỡng. Không cứ già hay trẻ. Một mình hay với tình nhân, với bạn bè. Chuyện trò hay im lặng. Suy tư hay không nghĩ ngợi gì. Cứ thế, người Đà Lạt hay du khách yêu Đà Lạt ngồi quán cà phê để thời gian trôi lãng đãng trên những ngọn thông, trong những khóm hoa nở bên kia sườn núi, cảm nhận cuộc sống chậm rãi, tâm hồn thư thái. Ngày qua ngày, cà phê Đà Lạt đã trở thành một “đặc sản văn hóa” của phố núi.
Thoáng chốc thoi đưa
Sử sách ghi lại, các nhà truyền giáo Pháp đã đưa giống cà phê Arabica vào Việt Nam đầu tiên vào năm 1857, trồng thử nghiệm tại khuôn viên các nhà thờ Công giáo ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, rồi lan vào Quảng Bình và Quảng Trị. Sau đó, người ta mới phát hiện ra Tây Nguyên là nơi thích hợp nhất để trồng cà phê. Tại Đà Lạt, cà phê được người Pháp trồng thử nghiệm tại trạm thực nghiệm Đăng Kia - Suối Vàng từ năm 1898, nhưng phải đến những năm 1930 mới mở rộng đến Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung.
Cà phê Đà Lạt “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều nơi khác. Người Pháp mang “Văn hóa cà phê” từ châu Âu đến Việt Nam với sự kiện khai trương quán cà phê đầu tiên tại Sài Gòn năm 1864, mang tên Lyonnais và Café de Paris, trở thành không gian cộng đồng của giới trí thức, văn nghệ sĩ và tầng lớp trung lưu. Vào những thập niên 1930-1940, dân cư Đà Lạt còn thưa thớt, ngoài cư dân bản địa, chủ yếu gồm di dân từ miền Bắc và miền Trung đến lập nghiệp, khai phá đất hoang làm vườn, một số xuất thân từ phu cầu đường hay công nhân các đồn điền. Thời gian đó, cà phê chỉ như một loại thức uống hảo hạng dành cho giới có nhiều tiền, khách nghỉ dưỡng tại những khách sạn hạng sang như Langbian Palace, Hotel Du Parc, Hotel Du Lac. Đến thập niên 1950, một số quán cà phê xuất hiện cùng với cơ sở chế biến trà và cà phê rang xay Lễ Ký (thành lập vào năm 1954).
Sau đó, quán cà phê ngày càng nhiều ở Đà Lạt. Có thể kể đến một số tiệm ăn kết hợp bán cà phê như La Rotonde, Le Mékong, LilaDena, La Dauphinoise hay Chic Shanghai. Thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970, cà phê trở thành loại thức uống phổ biến. Công chức, văn nghệ sĩ, trí thức có Cà phê Tùng, Lục Huyền Cầm, Thủy Tạ. Giới làm ăn, lính tráng thích đến Maxim’s, Night Club nơi ca sĩ Khánh Ly còn mang tên Nguyễn Thị Lệ Mai hát hằng đêm trước khi gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay Kivini nổi tiếng nhờ giọng ca Kim Vui. Không gian gần gủi, ấm cúng và cởi mở của các quán Vui, Văn, Tao Đàn, Hạnh Tâm, T2 thu hút phần lớn công chức trẻ và sinh viên. Quán Bà Năm, Long, Đôminô, Mây, Huyền Chi, Kim Sáng ở phố Phan Bội Châu và quanh bến xe Tùng Nghĩa thì dành cho giới bình dân hay khách lữ hành.
Cà phê Tùng là một trong những quán cà phê đầu tiên của Đà Lạt, gần như trở thành một biểu tượng của văn hóa cà phê của thành phố này. Quán có từ năm 1956, do vợ chồng ông Trần Đình Tùng và bà Lê Thị Giác, người Hà Nội di cư vào Đà Lạt vào thập niên 1940 sáng lập. Ông Tùng vốn là công chức của Nha Địa dư Đông Dương, từ bỏ đời công chức, tự học cách pha chế cà phê. Quán mở ở địa điểm đầu tiên là ki-ốt số 5 đường Thành Thái, trước khi chuyển tới dãy nhà bên hông chợ cũ Đà Lạt, nay là số 6 khu Hòa Bình, đến tận bây giờ.
Sự hấp dẫn của cà phê Tùng không chỉ là không gian ấm áp, bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể nửa ấn tượng treo trên tường, phong cách phục vụ lịch lãm và từ tốn của ông chủ và nhân viên, nhạc Pháp dặt dìu qua tiếng hát của những danh ca Dalida, Edith Piaf, Yves Montand, mà còn là hoạt động thường ngày của người dân phố núi hiện ra mờ ảo bên ngoài khung cửa kính mờ hơi sương. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên... đã từng đến đây. Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cặp đôi nghệ sĩ Lê Uyên và Phương cũng từng chọn nới đây làm điểm gặp gỡ. Mặc dòng thời gian thoi đưa, mặc ông bà Tùng đã mất hơn hai thập niên và người con cả của ông là Trần Đình Thông tiếp nối quản lý, cà phê Tùng vẫn giữ nét lịch lãm và đầy hoài niệm, như một chứng nhân hiếm hoi cùng buồn vui với những thăng trầm của thành phố ngàn hoa qua hai phần ba thế kỷ.
Năm 1972, giới trí thức, văn nghệ sĩ có thêm một nơi để đến, chuyện trò về thời thế và nghệ thuật, đó là quán Lục Huyền Cầm tại số 22 Võ Tánh của cặp vợ chồng tài hoa nổi tiếng Lê Uyên - Phương. Tao nhân mặc khách không thể quên những đêm cuối tuần ngồi nhâm nhi ly cà phê giữa không gian mờ ảo khói thuốc, nghe tiếng hát của Lê Uyên và Phương đan quyện, quấn quýt một cách ma mị, cùng tiếng đàn guitar gỗ bập bùng, giữa làn gió lạnh của cao nguyên thổi tung tóc rối.
Đà Lạt còn có rất nhiều quán cà phê có tên hay không tên rải rác từ phố chợ đến những con hẽm, đó là dòng cà phê bình dân lặng lẽ ghi dấu ấn cùng năm tháng, mà quán cà phê Bà Năm ở phố Phan Bội Châu xứng đáng là một biểu tượng. Chỉ với dăm ba bộ bàn ghế gỗ đơn sơ nhuốm màu thời gian nơi góc phố, quán Bà Năm đã chứng kiến biết bao sự thay đổi của Đà Lạt suốt sáu thập niên qua. Đây là điểm tụ họp quen thuộc của bao thế hệ người dân địa phương mỗi khi trời tờ mờ sáng, ngồi nhâm nhi ly cà phê pha vợt với chút bánh quy nhà làm thơm lựng mùi bơ. Bà Năm rồi đến Bà Sáu lần lượt ra đi ở tuổi chín mươi, để lại hình ảnh những người Đà Lạt hiền từ, phóng khoáng, thân thiện kết nối xuyên thế hệ.
Còn đó cà phê…
Sau khi đất nước thống nhất, Đà Lạt cũng như các địa phương khác đã trải qua một thời kỳ “co mình lại” trong khó khăn. Cà phê Tùng vẫn còn, nhưng nhiều quán cà phê nổi tiếng khác như Lục Huyền Cầm thì đóng cửa, khép lại một thời làm mê hoặc lòng người. Cà phê vợt bình dân không bị lãng quên. Bên cạnh quán Bà Năm, cà phê vợt Ông Tường xuất hiện, góp thêm một nét mộc mạc, giản dị và thân thiện đúng với con người Đà Lạt. Nhà Thủy Tạ được chỉnh trang trở thành nhà hàng cà phê - giải khát do Công ty Du lịch Lâm Đồng quản lý, trở thành nơi chốn dừng chân ưa thích. Khởi nguyên là những túp lều nhỏ được đặt để du khách nghỉ chân, sau đó chuyển đổi kiến trúc thành câu lạc bộ thể thao dưới nước, Thủy Tạ trở thành một trong những quán cà phê “quốc doanh”, nhìn từ xa giống như một chiếc du thuyền màu trắng đang thả neo, nổi bật trên nền xanh mặt nước hồ thu.
Phải đến nhiều năm sau, khi du khách đến Đà Lạt đông hơn, quán cà phê với nhiều phong cách khác nhau mới bằt đầu xuất hiện. Khi dòng nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh “rón rén” trở lại sau năm 1975, quán cà phê Cung Tơ Chiều trở thành một hiện tượng “độc” và “lạ” của Đà Lạt. Nằm chơ vơ một mình trên đồi thông hoang vắng gần Dinh 3 - biệt điện Bảo Đại, quán chỉ hoạt động ba tiếng đồng hồ vào buổi tối. Ánh đèn vàng hiu hắt từ quán, bao quanh là màn đêm tối sẫm, bầu không khí âm u cũng không ngăn được du khách tìm đến đây, có thể vì tình yêu âm nhạc, cũng có thể vì hiếu kỳ. Hình ảnh bà chủ quán tóc xù với phong cách “điên” như người ta thường nói, uống rượu luyện thanh, rít thuốc liên tục, ôm cây guita và say đắm trong âm nhạc đã là thứ “đặc sản” làm điên đảo du khách đổ về hằng đêm.
Dù thay đổi đến mấy, có một điều dễ nhận ra là thưởng thức cà phê trên thành phố ngàn hoa này vẫn mang nét rất riêng. Không gian nghệ thuật mới cho thành phố, trong đó có những quán cà phê do người trẻ kiến tạo vẫn đậm ký ức xưa. Và khi nói đến cà phê Đà Lạt, người ta vẫn liên tưởng đến không gian thanh cảnh, yên tĩnh, những con người từ tốn, lịch sự, không bon chen.
Những năm gần đây, quán cà phê ở Đà Lạt phát triển bùng nổ cùng với du lịch mở rộng. Không chỉ góp mặt ở khu vực trung tâm, con đường nội ô, hay tiền sảnh sang trọng của khách sạn mới, nhiều chủ quán cà phê đã tìm tới những khu vực xa hơn, khá hẻo lánh để tận dụng tầm nhìn thoáng đãng ra đồi thông, nông trại rau hay sườn hoa dốc đứng. Phong cách thiết kế và bài trí được sáng tạo tối đa, đủ màu, đủ kiểu. Từ không gian Đà Lạt xưa với ngôi nhà gỗ giản dị như quán Home, đến góc nhìn lộng gió như cà phê Mê Linh. Từ ngập tràn sắc hoa như Vườn Sen đến không gian yên tĩnh như Stop and Go. Có những quán cheo leo trên sườn núi như Dalat Mountain View hay Phía Tây Mặt Trời. Để phục vụ du khách trẻ, thức uống cũng đa dạng hẵn, không chỉ có cà phê.
Đà Lạt bê tông hóa nhiều hơn, giảm đồi thông, ít lạnh hơn trước. Nhưng vẫn còn đó cà phê Đà Lạt, một thời và mãi mãi…