Những ai biết Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng giám đốc Công ty FPT, nay là Phó chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, đều thấy ông là người lạc quan, luôn biết tận dụng thế mạnh của mình. Dù ở vị trí nào, ông cũng thể hiện cái tâm với công việc, có lòng với người trẻ và tìm cách khích lệ, truyền lửa cho họ.
Có lẽ ít ai biết Nguyễn Thành Nam là một trong những "công thần" ở FPT, người từng đưa FPT Software (FSoft) trở thành công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam. Ngay cả bây giờ, khi con đường ông đi còn nhiều thách thức và công việc chưa có thành tích gì đáng kể thì Nguyễn Thành Nam vẫn cho thấy mọi thứ ông làm đều có thể mở ra nhiều triển vọng.
Con đường xuất khẩu giáo dục
* Trong trang phục quần jeans áo thun trẻ trung, trông ông thật khác với hình ảnh đĩnh đạc của Nguyễn Thành Nam thời còn làm Tổng giám đốc FPT...
- Tính chất công việc khác nhau nên phải khác chứ. Thời đó, mình làm gì cũng phải theo nguyên tắc, cẩn thận và bạn không dễ gặp tôi như bây giờ. Đơn giản vì lúc đó điều mình nói ra chắc chắn phải đúng, còn bây giờ thì có thể đúng mà cũng có thể không (cười).
* Có vẻ như vị trí Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế ở Đại học FPT thích hợp với ông hơn?
- Kinh doanh hay giáo dục, mỗi lĩnh vực đều có những thách thức và thú vị riêng. Hiện tôi đang phụ trách tổ chức tuyển sinh sinh viên nước ngoài sang Việt Nam du học và mở rộng cơ sở đào tạo của FPT tại nước ngoài. Công việc cũng khá mới mẻ và thú vị.
* Nhiều người nhận định nền giáo dục của ta lạc hậu và giới trẻ Việt Nam hiện có xu hướng ra nước ngoài du học. Vậy hướng xuất khẩu giáo dục của FPT liệu có khả thi?
- Nếu nhìn rộng trên phạm vi thế giới với 200 quốc gia và hàng chục ngàn trường đại học, cũng như nếu xét ở các cấp độ khác nhau thì đại học của Việt Nam vẫn có thể là một phần trong thị trường du học thế giới. Các trường đại học của Việt Nam phải đặt mục tiêu tham gia vào thị trường du học thế giới.
Thực ra, nếu nghĩ giáo dục của Việt Nam yếu kém là mình đã nghĩ sai. Trên đời này không có ai yếu kém toàn diện, có thể yếu điểm này nhưng mạnh điểm khác. Việc của ta là nên tập trung vào điểm mạnh.
* Đại học FPT có điểm mạnh gì để thu hút sự chú ý, thưa ông?
- Đại học FPT xuất phát từ doanh nghiệp và rất gần gũi với thực tế. Chúng tôi biết được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp, cụ thể là các khách hàng của FPT như Masan, Unilever, Hitachi, Microsoft...
Giáo trình ở Đại học FPT do nước ngoài biên soạn, giảng viên giàu kinh nghiệm và tâm huyết..., đó là những lợi thế mà không phải trường đại học nào cũng có.
* Chắc Đại học FPT là đơn vị tiên phong trong xuất khẩu giáo dục?
- Có lẽ vậy. Tôi nghĩ, sở dĩ các trường đại học khác chưa làm là vì họ chưa dám. Lỗi này cũng do báo chí một phần. Chúng ta cứ viết những bài chê bai khiến nhiều trường đại học Việt Nam "mất tinh thần", không tự tin.
Thực ra, cứ mạnh dạn tham gia vào cộng đồng đại học quốc tế thì sẽ thấy, bên cạnh những nơi có chuẩn mực rất cao như Harvard vẫn có vô số trường ngang tầm với mình.
Có phần họ hơn mình nhưng cũng có phần họ kém mình. Ta nên nhìn vào thế mạnh của mình và giới thiệu thế mạnh đó với sinh viên nước ngoài.
* Nhưng không dễ thuyết phục sinh viên nước ngoài sang Việt Nam du học?
- Muốn thu hút sinh viên nước ngoài, chúng tôi phải tới tận nơi để tìm hiểu nhu cầu, mục tiêu của họ, trên cơ sở đó mới xây dựng chương trình tiếp cận và thuyết phục chi tiết. Chúng tôi phải tìm hiểu kinh nghiệm tuyển sinh sinh viên du học của các nước.
Lợi thế của FPT là Công ty đã toàn cầu hóa từ cách đây 10 năm, có vị thế trên thị trường quốc tế, nên chúng tôi có cơ sở để thuyết phục sinh viên đến FPT du học. Một khi mình đã tìm được lợi thế cạnh tranh thì việc thuyết phục sẽ thuận lợi hơn.
* Dù sao đây vẫn là kinh doanh một sản phẩm trừu tượng, không kiểm chứng ngay được?
- Chính vì sản phẩm trừu tượng nên có điểm lợi là mình có thể thiết kế cho phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng. Nhưng xin khẳng định, những cơ sở thuyết phục chỉ là bước đầu. Quyết định lựa chọn của sinh viên vẫn tùy thuộc vào việc cân nhắc nhiều yếu tố khác như giáo trình, giáo viên, cơ sở hạ tầng, chi phí...
* Ông làm công việc này bao lâu rồi?
- Đã được một năm rưỡi. Tháng 9 năm ngoái, FPT khai giảng lớp đầu tiên với gần 50 sinh viên, chủ yếu đến từ châu Phi, Lào, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật... Tuy số lượng chưa nhiều nhưng có thể xem đây là thành công bước đầu, cho thấy Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục.
* Ông kỳ vọng gì ở FPT khi Công ty mở rộng xuất khẩu giáo dục?
- Kéo 500 - 700 sinh viên nước ngoài về học ở FPT là một mục tiêu, nhưng không phải mục tiêu chính. Mục tiêu chính của chúng tôi là muốn tạo ra một môi trường giáo dục mang tính quốc tế.
Khi FPT thu hút được nhiều du học sinh nước ngoài, họ sẽ mang theo nền giáo dục, văn hóa của xứ sở họ, giúp sinh viên ở Đại học FPT dù đang học tại Việt Nam vẫn có điều kiện tiếp cận, hội nhập, giao lưu với sinh viên quốc tế, thụ hưởng những giá trị như khi du học ở nước ngoài.
Từ đó, sinh viên của FPT sẽ tự tin và có tư duy toàn cầu hơn. Đây là những lợi ích mà không một giáo trình nào có thể đem lại và cũng là động lực thúc đẩy tôi theo đuổi công việc này.
Ngày còn giữ vị trí điều hành ở FPT Software hay FPT, tôi vẫn tìm cách tạo điều kiện cho nhân viên được cọ xát ở môi trường nước ngoài. Cứ ra nước ngoài, không nhất thiết phải là Anh, Pháp, Mỹ, chỉ cần đi ra khỏi cái chỗ quen thuộc của mình thì sẽ tiến bộ.
Tư duy toàn cầu sẽ giúp chúng ta thấy nước lớn có cái hay, nước nhỏ cũng có cái hay. Nghĩ như vậy thì khi làm kinh doanh hay làm bất cứ điều gì, chúng ta sẽ tự tin.
* Giả sử Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai hay nhiều công ty lớn khác cũng lấn sân sang làm giáo dục thì liệu có "tréo ngoe"?
- Tôi thấy còn rất lợi thế ấy chứ. Vì họ biết doanh nghiệp cần gì, muốn gì và cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực phù hợp, đạt yêu cầu công việc. Hiện nay, nhiều trường đại học của ta khẳng định họ dạy tốt, nhưng ai là người kiểm chứng?
Các trường đào tạo xong là coi như hết nhiệm vụ, bỏ mặc sinh viên, không quan tâm đến đầu ra, trong khi chất lượng đào tạo nằm ở việc người học có tự tin ứng dụng những điều đã học hay không.
Ở Đại học FPT không như vậy, chúng tôi có cả một bộ phận chỉ chuyên lo mỗi việc giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập và khi đã có việc làm.
* Ông có nghĩ mình sẽ theo đuổi công việc này lâu dài?
- Việc khó nhất là làm sao để nhiều người cùng theo mình. Trong kinh doanh, anh phải thành công thì người ta mới theo. Chưa thể nói chính xác bao giờ FPT thành công trong lĩnh vực xuất khẩu giáo dục, có lẽ phải đợi 5 năm nữa mới thấy kết quả.
* FPT từng tham gia nhiều lĩnh vực, lúc đầu rất rầm rộ nhưng sau im ắng dần. Với mảng giáo dục, liệu tình trạng này có lặp lại?
- Chuyện gì cũng có thể xảy ra và thăng trầm trong kinh doanh là điều rất bình thường, nếu lường trước thì sẽ có thể hạn chế đôi phần. FPT khởi xướng 10 cái, còn trụ lại 2 - 3 cái là cũng giỏi rồi. Riêng với tôi, FPT thử như vậy vẫn còn quá ít và đã nói là thử thì phải có sai.
Nhưng với một công ty đạt đến sự phát triển như FPT, chuyện sai lại khó được chấp nhận, dễ bị chỉ trích. Có lẽ vì thế mà tinh thần khởi nghiệp ở FPT đã không còn được như trước.
Thực ra rất khó để một công ty lớn vừa vẫn giữ được sự ổn định bền vững, vừa vẫn cho phép sáng tạo,"phá, thử". Nếu công ty nào hài hòa được cả hai yếu tố này thì công ty đó rất thành công.
* Khi đặt giáo dục trong mối quan hệ gắn với tiền bạc thì nó có bị méo mó không, thưa ông?
- Chúng ta đang ảo tưởng giáo dục là miễn phí, thực tế không phải vậy. Nếu bạn học tiếng Anh, học võ, học khiêu vũ thì có phải trả tiền không? Chắc chắn là có, học gì cũng tốn tiền.
Nhưng có một số thứ, xã hội muốn bạn phải học như học đọc, học viết, mục đích để bạn có điều kiện sống đàng hoàng, không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Vì thế, như ở cấp tiểu học, việc xây trường, trả lương cho giáo viên, nuôi bộ máy..., Nhà nước đang phải gánh vác bằng tiền dân đóng thuế. Nhưng Nhà nước chi ra bao nhiêu, nhiều ít ra sao, không ai biết.
Là một trong 13 người sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam (sinh năm 1961) tốt nghiệp Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow, Liên Xô cũ, nay thuộc Liên bang Nga, và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán năm 1988 cũng tại trường đại học này. Ông Nam đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc FPT từ 13/4/2009 - 22/2/2011. Trước khi làm Tổng giám đốc FPT, ông là Tổng giám đốc Công ty CP Phần mềm FPT (FSoft) - doanh nghiệp phần mềm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Hiện tại, ông là Phó chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, Viện trưởng Viện Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học FPT. |
Chưa ai ngồi lại tính toán đào tạo một học sinh tiểu học thì Nhà nước tiêu hết bao nhiêu tiền, vì thế mới có tình trạng một trường miền núi chỉ khoảng 50 học sinh nhưng lại xây ngôi trường to tướng, không sử dụng hết công suất.
Tiền đấy lẽ ra nên dùng cho đầu tư giáo trình, chi thêm lương cho giáo viên sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, dưới lớp vỏ miễn phí nên không ai kiểm soát được.
Không tính đến hiệu quả tài chính là điểm dở của giáo dục ở ta hiện nay và cũng chưa thấy báo chí đề cập.
* Vậy có thể kiếm lợi nhuận cao bằng cách mở trường tư không, thưa ông?
- Không lãi nhiều được đâu. Làm gì bạn cũng sẽ bị cạnh tranh, tìm mãi mới ra lợi thế để chen chân thì lấy đâu ra lãi nhiều. Muốn lãi nhiều thì phải làm nhiều, mở thêm nhiều chi nhánh.
Kinh doanh là do hoàn cảnh xô đẩy
* Khi còn là sinh viên, ông có nghĩ mình sẽ theo nghiệp kinh doanh?
- Không bao giờ. Tôi tự thấy mình sinh ra không phải để làm ăn. Tham gia kinh doanh và trở thành doanh nhân là do hoàn cảnh xô đẩy, không phải là lựa chọn ban đầu của tôi.
* Vậy nhưng ông đã đưa FPT Software trở thành công ty xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam?
- Tôi quan niệm đã làm gì là phải làm hết khả năng. Khi chuyển sang môi trường kinh doanh, tôi nhận thấy nhiều cái hay của người làm kinh doanh. Cái hay nhất là khi trở thành doanh nhân, bạn dễ đo được bản thân mình.
Đó là nơi tạo cho bạn những khuôn khổ để thể hiện tham vọng của mình. Thành công hay không thì bạn tự biết và người ngoài cũng biết. Giống như cầu thủ đá banh, đá hay đá dở ra sao, người xem biết hết.
Thứ hai, kinh doanh là môi trường thuận lợi để doanh nhân thể hiện sự tử tế. Chính vì môi trường có tính chất công khai nên bạn dễ là người tử tế hơn. Ở những môi trường không công khai, tiêu chí đánh giá không rõ ràng, tự nhiên người tốt người xấu cứ lẫn lộn.
* Hình như khi đánh giá sự thành công của một doanh nhân, người ta hay nhìn vào con số lợi nhuận kiếm được?
- Có ba yếu tố thể hiện sự thành công của một doanh nhân: thành công trong kinh doanh, thành công về mặt tham vọng và cuối cùng là đạt được giá trị để truyền lại cho con cái, thế hệ sau. Nếu chỉ giỏi kiếm tiền thì chưa đủ.
* Từng lâm vào tình cảnh không nhận được sự ủng hộ, những lúc đó ông đã làm gì?
- Thường khi bắt đầu, đang rất hăng hái nên ít ai nghĩ đến trở ngại. Nhưng 2 - 3 năm sau, khi tiền hết, kết quả không thấy đâu, tương lai mù mịt, lúc đó tìm người ủng hộ mình rất khó.
Nhưng tôi cho rằng, đã là người lãnh đạo thì nên giữ sự lạc quan. Và rất cần xây dựng một đội ngũ gắn bó với mình cả khi khó khăn. Để làm được điều này, đòi hỏi ở người lãnh đạo nhiều tâm sức gầy dựng.
* Có phải ông đã khích lệ tinh thần nhân viên bằng cách nêu những thành tích nhỏ để giấu bớt khó khăn, thất bại?
- Không. Trước thất bại, khó khăn, tôi phải nói đúng tình trạng của mình. Nhân viên có quyền được biết và lựa chọn.
* Giữa lãnh đạo với đào tạo, ông thấy làm cái nào khó hơn?
- Làm gì để đạt đến mức giỏi cũng khó.
* Nhìn lại chặng đường đã đi, ông hoàn toàn hài lòng chứ?
- Không đâu. Tôi là người có nhu cầu vừa phải về tiền bạc nên dễ thỏa mãn. Nhưng như tôi nói, tham vọng của tôi là mong muốn được thấy nhiều người trẻ ra nước ngoài để họ có thể tiếp cận được với thế giới.
Xin nói thêm là ra nước ngoài sinh sống, kiếm tiền chứ không phải đi du lịch. Khi tự kiếm tiền ở nước khác, bạn sẽ học được nhiều điều.
* Ở tuổi không còn trẻ và với những gì đã trải nghiệm, ông có nghĩ đã đến lúc nên dừng lại?
- Tôi vẫn đang đi tìm. Tìm kiếm cái gì không quan trọng. Cứ như trẻ con, tò mò, thấy cái gì lạ, cái gì hay thì khám phá, không cần biết để làm gì. Khi lớn lên, chúng ta mất dần tính cách ấy. Thực ra, tôi vẫn đang tìm kiếm bản thân mình. Không ai sinh ra là biết ngay mình giỏi gì, muốn gì.
Phải thử rồi dần dần mới biết mình như thế nào. Nhưng thường khi khám phá được bản thân thì cũng... sắp chết rồi (cười). Ai may mắn sẽ hiểu được mình sớm hơn.
Khi đó, bạn sẽ thấy cuộc sống đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều, bạn sẽ có được niềm hạnh phúc rất nội tại. Có những người chỉ cần thế thôi, không cần mọi người xung quanh đánh giá.
Tôi đã gặp những người như thế. Nhưng thường sau khi vấp phải những biến cố trong cuộc đời thì họ mới hiểu về bản thân họ.
* Ai tiếp xúc với ông cũng thấy ông dí dỏm, dễ gần. Ông thích được khen như thế không?
- Tôi thích nhất những điều mình chia sẻ có ích cho người nghe. Như vừa rồi, nghe tôi khuyên hãy thử thay đổi bằng cách rẽ vào con đường lạ, một bạn đã làm theo và nhắn tin cho tôi biết bạn ấy phát hiện đi về nhà theo con đường ấy gần hơn so với đi đường cũ. Tôi cảm thấy rất vui.
* Xin cảm ơn ông về những điều đã chia sẻ!
>Hiệu trưởng RMIT VN: Giáo dục đại học phải phù hợp bối cảnh
>Chọn con đường phù hợp để theo đuổi
>Phép cộng giảng đường và thương trường
>Người sáng lập Tomato: Đợi thế giới thay đổi thì rất lâu