Cuộc đua thương hiệu thông qua các giải chạy marathon
Bỏ qua mục đích chính là hoạt động thể thao tăng cường sức khỏe cộng đồng, nguồn lợi mà các đơn vị tổ chức giải chạy marathon cũng như đối tác liên kết thu lại được còn là nguồn thu từ giải chạy, thương hiệu và câu chuyện phát triển mạng lưới kinh doanh.
Liên tiếp nhiều giải chạy đã diễn ra như giải VPBank VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight 2024, giải Marathon Thành phố Hồ Chí Minh (HCMC Marathon) lần thứ 11, giải Techcombank Marathon, giải Run For Life 2024,... Ông Bady Phạm - Giám đốc Pulse Active - đơn vị tổ chức giải chạy HCMC Marathon nhìn nhận, phong trào chạy bộ ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng thu hút người dân khắp nơi, đặc biệt là những năm gần đây thu hút nhiều khách quốc tế quan tâm.
Nếu đây là giải chạy bạn ao ước, bạn sẵn sàng chi trả bất kỳ số tiền nào, dù là mức thấp của giai đoạn đăng ký sớm (early bird) hay mức cao “ngất” của giai đoạn đăng ký muộn (late). Đây có lẽ là tâm lý thông thường của nhiều “runner” tham gia vào các giải chạy có “tiếng tăm” tổ chức thời gian qua. Mức chi trả này vào khoảng 1 - 3 triệu đồng cho chi phí mua vé tham dự (để được BTC hỗ trợ về chọn lựa cung đường chạy, an toàn, tiếp nước, y tế, an ninh trật tự), chưa kể các khoản phí khác như lưu trú, ăn uống, di chuyển,... nếu người tham dự từ xa đến.
Tuy nhiên, các đơn vị tổ chức cho rằng, chi phí đăng ký chỉ là một phần nguồn thu để tổ chức giải chạy, thậm chí nhiều khi còn không đủ để sắp xếp cho khâu tổ chức. Nguồn kinh phí lớn khác đến từ các khoản tài trợ từ các đơn vị đồng hành. Số lượng nhà tài trợ có thể thay đổi tùy thuộc vào quy mô và uy tín của sự kiện, cũng như các yếu tố khác như thị trường quảng cáo và tiếp thị tại từng thời điểm. Nhưng trung bình một đơn vị, doanh nghiệp tổ chức giải chạy tại TP.HCM thường có đến vài chục, thậm chí là hơn một trăm nhà đồng tài trợ. Một nhà tổ chức chuyên nghiệp gắn với các giải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ chia sẻ: “Một nhà tài trợ kim cương sẽ rót từ 3 - 4 tỷ đồng cho một giải chạy với BTC uy tín, có “tầm vóc” về thương hiệu. Ngoài ra có thể có tài trợ vàng, bạc, thu ít nhất từ 1 tỷ đồng/ nhà tài trợ. Nếu làm truyền thông tốt, thu hút được nhiều nhà tài trợ thì nguồn lợi nhuận đến từ hoạt động này càng lớn”.
Cuộc “chạy marathon” giành lợi ích thương hiệu
Tổ chức giải chạy marathon trở thành cuộc chơi mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, ngoài việc ghi điểm là một doanh nghiệp có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng trong mắt công chúng, khách hàng và đối tác. Việc tài trợ cho các giải chạy uy tín tại Thành phố, đặc biệt là trong những trường hợp độc quyền tài trợ, là một cách thức quan trọng để đơn vị tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, nhất là cơ hội đi trước “một nước" so với đối thủ có tiềm lực tài chính lớn hơn.
Một doanh nghiệp tổ chức, hàng trăm doanh nghiệp cùng hưởng lợi từ “làn sóng” truyền thông nhân văn và vô cùng hiệu quả. Các doanh nghiệp kinh doanh là đối tác trang phục thi đấu, sức khoẻ, vận chuyển, thực phẩm và đồ uống, truyền thông,... tạo thành mạng lưới vô cùng rộng lớn thông qua mỗi giải chạy. Đây không chỉ đơn giản là cuộc chạy đua về đích của các vận động viên, mà còn là cuộc tranh quán quân marathon cự ly “lợi ích thương hiệu”.
Bà Trinh Nguyễn - Giám đốc Quan hệ khách hàng Công ty Truyền thông Vero Asean đánh giá rằng sự kết hợp yếu tố thể thao trong việc làm truyền thông thương hiệu không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Thể thao, cũng như âm nhạc, mang tính kết nối cộng đồng rất cao, do đó đây sẽ luôn là một cách tiếp cận thú vị cho các nhãn hàng. "Các doanh nghiệp tổ chức và tài trợ cho giải chạy marathon hưởng lợi từ chiến dịch thể thao đầy tính nhân văn này. Ngoài việc giúp khách hàng tăng "tình cảm" với thương hiệu, đây còn là cách tốt nhất để họ tương tác trực tiếp với sản phẩm và dịch vụ của bạn. Ở Việt Nam, với dân số trẻ, thế hệ năng động như GenZ, chắc chắn những sự kiện thể thao như giải chạy Marathon sẽ là một cửa ngõ đầy tính triển vọng để kết nối với thế hệ người tiêu dùng hiện đại", bà Trinh nói.