Việc tham gia CPTPP, bên cạnh nhiều thuận lợi về giao thương, một trong những thách thức đối với Việt Nam được đặt ra là việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách.
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đánh giá, có CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. CPTPP có thể tạo thêm 20.000 - 26.000 việc làm/năm. Mức tăng thêm nhập khẩu chủ yếu do tốc độ tăng xuất khẩu tới các nước trong nội khối CPTPP.
Việt Nam sẽ cắt giảm 10.000 dòng thuế quan về 0%, theo lộ trình, cam kết đấu thầu công khai đối với mua sắm công, cam kết bình đẳng trong đối xử với các doanh nghiệp. Đồng thời CPTPP cho phép thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo hiệp định này, các nước buộc phải mở cửa thị trường cho các công ty và nhà đầu tư của các nước thành viên khác. Cụ thể hơn, các công ty của các nước thành viên có thể thâu tóm và nắm quyền kiểm soát kinh doanh một số doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nội địa.
Do đó, rất có thể sẽ có một làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể đưa chính quyền nước sở tại ra một tòa án quốc tế do làm mất lợi nhuận hay giảm giá trị tài sản của họ.
Việt Nam tham gia CPTPP cùng 10 nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Một thị trường chung bao gồm gần 500 triệu người, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. Theo tính toán, để đạt được mục tiêu vào năm 2035, khi mỗi người dân có thu nhập trung bình 7.000 USD, Việt Nam phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ít nhất khoảng 6 - 7/năm.
Khi là thành viên của Hiệp định CPTPP, các công ty nước ngoài phải được đối xử bình đẳng trong việc mua sắm chính phủ nước sở tại. Nói chi tiết hơn, chính phủ các nước không được ưu đãi các công ty địa phương trong cấp dự án và mua sắm nguyên liệu và dịch vụ để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế. Không còn sự hỗ trợ của phía chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực hạn chế càng khó khăn hơn khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Đặc biệt, CPTPP cam kết minh bạch về môi trường kinh doanh, thương mại điện tử. Theo hiệp định, các nhà cung cấp nước ngoài không cần phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Như vậy, những tranh cãi và tồn tại trong hệ thống luật hiện tại có thể sẽ được giải quyết trong khi thực hiện CPTPP.
Trong một phiên thảo luận trước Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc lo lắng cơ hội CPTPP có thể không trở thành hiện thực. Ông dẫn bài học từ việc thực hiện 10 FTA đang cho thấy rất rõ điều này. Đại diện VCCI phân tích, việc biến cơ hội thành lợi thế là vấn đề hoàn toàn khác so với nhận diện cơ hội ấy.
Ông đánh giá, với các FTA khác, trung bình Việt Nam mới tận dụng được chưa đầy 40% về thuế quan. Ông hối thúc nhanh chóng cải cách về thể chế, tạo điều kiện thật thuận lợi cho môi trường sản xuất, kinh doanh, từ đó mới nâng cao được nội lực và tận dụng được cơ hội mà CPTPP mang đến.
Hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu được coi là một trong những điểm mấu chốt của Việt Nam trong thời gian tới, khi mà Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm nước thu nhập trung bình cao. Để tăng trưởng cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh đến việc Việt Nam phải tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và hiệu quả, hội nhập sâu rộng với thế giới. Nghĩa là Việt Nam phải tạo ra động lực mới cho tăng trưởng GDP, thay vì phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, vốn đầu tư của Nhà nước như trước kia.
Có vẻ như cơ hội lớn nhất đối với Việt Nam khi tham gia CPTPP là không phải chỉ mở cửa thị trường mà còn là động lực thúc đẩy cải cách thể chế tương xứng với tốc độ phát triển và hội nhập toàn cầu.