Kết nối hạ tầng giữa các địa phương khu vực phía Nam: Điểm nghẽn cần tháo gỡ

Dung Phạm| 27/05/2022 09:07

Trao đổi tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp năm 2022 - chủ đề "Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới', các diễn giả và khách mời nhận định kết nối hạ tầng giữa các địa phương khu vực phía Nam đang là điểm nghẽn khiến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bị hạn chế.

Kết nối hạ tầng giữa các địa phương khu vực phía Nam: Điểm nghẽn cần tháo gỡ

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp năm 2022 do Báo Đầu Tư phối hợp với Công ty BW Industrial tổ chức hôm 24/5 tại TP.HCM.

Kỳ vọng đường Vành đai 3 

Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu nhờ môi trường chính trị, kinh doanh ổn định và việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép của Chính phủ. Nhiều nhà đầu tư lớn đang đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung ứng và dịch chuyển địa điểm đầu tư, kéo theo sự gia tăng nhu cầu đối với cơ sở hạ tầng, trong đó có những ngành rất sôi động như logistics.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Lance Li - Tổng giám đốc Công ty BW Industrial đánh giá: Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều triển vọng đón dòng vốn mới. Kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục sau đại dịch, tình hình giải ngân vốn FDI trong quý 1/2022 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong số đó, có 78% vốn giải ngân dành cho lĩnh vực sản xuất.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng hồi phục dần, với kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5%.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng khởi sắc, vì tổng số lao động trong ngành này có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao, thu thu hút các doanh nghiệp FDI lớn như: LG, Samsung, Nike, LEGO, Pandora… Đáng chú ý, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 7 tháng liên tiếp.

Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng Việt Nam cần có giải pháp tháo gỡ sự tắc nghẽn kết nối hạ tầng giữa các địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Cụ thể, kết nối hạ tầng giao thông trong vùng rất chậm, còn kết nối hạ tầng nội bộ bên trong các địa phương chưa đồng bộ.

Dự báo từ nay đến năm 2025, nhu cầu nhà kho, dịch vụ hỗ trợ cho logistics sẽ tăng 22%, nhất là bất động sản liên quan đến kho bãi, dịch vụ hỗ trợ logistics…

Hiện nguồn cung kho bãi, dịch vụ logistics tại TP.HCM tuy nhiều nhưng đã lấp đầy đến 95% nên khó đáp ứng nhu cầu thực tế. Riêng Đồng Nai và Bà Rịa -Vũng Tàu có nguồn cung kho bãi lớn nhưng chưa khai thác được do việc kết nối hạ tầng với TP.HCM thường xuyên quá tải.

Chính vì thiếu kho bãi, giao thông kết nối hạn chế nên chi phí logistics của Việt Nam cao nhất châu Á, khiến doanh nghiệp (DN) giảm sức cạnh tranh. Vì vậy, DN mong muốn đường Vành đai 3 sớm được triển khai xây dựng để giải quyết nút thắt này.

26-5-22-pic-7.jpg

Ông Lance Li - Tổng giám đốc Công ty BW Industrial đánh giá: Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều triển vọng đón dòng vốn mới

Đề xuất giảm thủ tục cấp phép bất động sản công nghiệp

Thảo luận tại diễn đàn, nhiều nhà đầu tư than phiền về thủ tục hành chính và mong muốn Nhà nước sớm tháo gỡ sự chồng chéo, thiếu đồng nhất trong phân cấp quản lý - cấp phép bất động sản công nghiệp để các dự án bất động sản công nghiệp được thực hiện nhanh hơn. 

Chia sẻ với những lo lắng của các nhà đầu tư, ông Trần Quốc Trung - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi để giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, nhất là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong phần sửa đổi, nhiều “điểm nghẽn” tồn tại lâu nay như quy hoạch, thủ tục hành chính… sẽ được giải quyết. 

Ngoài ra trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 82 cũng có một số quy định khu công nghiệp phải bảo đảm cung cấp dịch vụ giúp người lao động sinh sống ổn định lâu dài tại chỗ.

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

"Hiện nay, cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha và đang tiếp tục được phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế - xã hội và môi trường", ông Trần Duy Đông chia sẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kết nối hạ tầng giữa các địa phương khu vực phía Nam: Điểm nghẽn cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO