Công nghệ vi mạch: Làm móng, xây nhà

DIỆU TIÊN| 20/05/2008 09:14

Cách đây một, hai năm, công nghệ vi mạch ở VN vẫn còn quá xa lạ. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất trong lĩnh vực này từ đầu năm 2008 đến nay cho thấy tình hình đã khác.

Công nghệ vi mạch: Làm móng, xây nhà

Cách đây một, hai năm, công nghệ vi mạch ở VN vẫn còn quá xa lạ. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất trong lĩnh vực này từ đầu năm 2008 đến nay cho thấy tình hình đã khác.

Tháng 1/2008, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (ICDREC) được ra mắt đồng thời với việc công bố con chip xử lý đầu tiên của VN SigmaK3. Đây là con chip 8-bit RISC, sử dụng cho những ứng dụng nhúng và điều khiển.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Hoàng, Chủ nhiệm dự án chip SigmaK3-cho biết, chip 8-bit còn ứng dụng được thêm vài chục năm nữa trong xã hội. Song vấn đề lớn hơn chuyện ra đời con chip nhỏ bằng móng tay chính là tạo dựng một môi trường đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch với sự hỗ trợ của tập đoàn hàng đầu về thiết kế chip công nghệ 0,25um Synopsys.

Chip xử lý đầu tiên của VN - SigmaK3

Hai tháng sau, Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) có thêm một trung tâm thiết kế vi mạch được thiết lập, thuộc Tập đoàn Vi mạch ứng dụng (AMCC): Trung tâm chuyên thiết kế mạch tổ hợp IC. Ông Vũ Nguyên, Chủ tịch AMCC VN cho biết, trung tâm này sẽ hợp tác với Tập đoàn Mentor Graphics hỗ trợ Đại học Quốc gia TP.HCM trang bị các máy móc thiết bị trong phòng thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Một dự án vi mạch thứ ba đang dần hình thành tại Công viên phần mềm Quang Trung là Công ty cổ phần Công nghệ nano phát sáng. Ông Từ Trung Chấn, Chủ tịch HĐQT Công ty, cho biết, dự án được đầu tư hơn 10 triệu USD để sản xuất chip quang học.

Hàng loạt trung tâm, công ty về vi mạch được khởi động và hình thành trong quý 1/2008 đang đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành vi mạch VN. Ông Trần Phước Thiện, Tổng giám đốc Công ty Viet Micro chuyên sản xuất chip tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho rằng từ SigmaK3, VN sẽ dần đi đến ngành công nghệ vi mạch ở trình độ cao hơn.

Lâu nay, ngành điện tử VN chủ yếu là lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng nên dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng giữa sản phẩm điện tử tiêu dùng (chiếm 80%) và điện tử chuyên dùng (chiếm 20%), trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này là ngược lại. Với kỳ vọng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành công nghiệp quan trọng này được Nhà nước bảo hộ trong suốt gần 30 năm.

Thế nhưng, đến nay, ngành điện tử VN gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận gần như không còn, nên giá trị gia tăng của sản phẩm điện tử chỉ đạt được từ 5 đến 10%. Phần lớn các công ty VN chỉ tập trung lắp ráp, linh kiện và IC đều mua của nước ngoài, chủ yếu là mua tại Trung Quốc. Các thương hiệu điện tử VN sống lay lắt với những mẫu mã gần như không được cải tiến.

Trong khi đó, công nghệ vi mạch là bộ não, quyết định khả năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa... Hiện tại, VN cũng đã có nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Công ty Renesas (Nhật), đứng hàng thứ 7 trên thế giới (2005) đã mở Renesas VN, thực hiện một phần công việc thiết kế vi mạch cho hãng chính tại Nhật; Công ty SDS (Mỹ), thực hiện thiết kế và bán lõi IP về IC nhớ; Công ty Viet Vmicro (Mỹ) xin đầu tư vào khu công nghệ cao TP.HCM và xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại VN.

Đặc biệt, Tập đoàn Intel - tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất vi mạch đã đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP.HCM với hơn 1 tỷ USD để thành lập nhà máy thực hiện các khâu testing và đóng gói vi mạch. Trước nhu cầu nguồn nhân lực cao cấp của ngành thiết kế vi mạch, một số trường đại học, đặc biệt là các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM đã xây dựng các phòng thí nghiệm trực thuộc, cụ thể: Phòng thí nghiệm thiết kế và mô phỏng vi mạch thuộc Khoa Điện-Điện tử, Đại học Bách Khoa TP.HCM; Phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên...

Có thể nói, hạ tầng của ngành công nghiệp vi mạch VN đã được tạo nền tảng rộng và sâu. Đây là thời điểm để có thể bàn về các cơ hội thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử VN vượt qua rào cản trong nhiều thập kỷ qua, tạo dựng nên các trung tâm công nghệ đã thấy ở Malaysia, Trung Quốc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệ vi mạch: Làm móng, xây nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO