Theo các chuyên gia, việc nuôi cấy phôi là quá trình quan trọng quyết định thành công của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm. Trứng sau khi thụ tinh và phát triển thành phôi được nuôi trong tủ nuôi cấy cho tới giai đoạn đông phôi hoặc chuyển phôi.
Đến nay, sự phát triển về công nghệ của các tủ cấy phôi đã trải qua ba giai đoạn cơ bản, từ tủ nuôi cấy lớn một cửa đến tủ nuôi cấy nhiều ngăn và cải tiến gần nhất là tủ nuôi cấy nhiều ngăn tích hợp hệ thống kính hiển vi soi ngược và camera (công nghệ Time-lapse).
Theo nghiên cứu của Pribenszky C và cộng sự năm 2017, nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse cải thiện kết cục lâm sàng (tỷ lệ có thai, sẩy thai sớm, tử sản và tỷ lệ sinh sống) so với nuôi cấy thông thường. Công nghệ nuôi cấy phôi trong tủ Time-lapse có tỷ lệ thai lâm sàng hơn so với nuôi cấy thông thường, giảm đáng kể tỷ lệ sẩy thai sớm.
Theo ThS. Susanna Brandi - Chuyên gia Khoa học Y sinh, đại diện của Merck KGaA, hệ thống tủ cấy phôi công nghệ Time-lapse là những ứng dụng công nghệ tiến bộ trong điều trị vô sinh hiếm muộn đang được sử dụng tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước phát triển.
Tủ nuôi cấy công nghệ Time-lapse còn giúp bác sỹ dễ dàng có được các dữ liệu hình ảnh, video, kết quả đánh giá phôi được truyền trực tiếp từ phòng lab đến máy tính phòng tư vấn, từ đó bác sỹ có thể tư vấn cho bệnh nhân với các thông tin rõ ràng và cụ thể. Công nghệ này cũng giúp bệnh nhân có thể xem những thước phim đầu đời của bé do camera tại mỗi buồng nuôi cấy phôi ghi nhận liên tục từ khi hình thành mầm sống cho đến quá trình phát triển của phôi.
Tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, từ sau khi lắp đặt hệ thống tủ nuôi cấy công nghệ Time-lapse, Bệnh viện đã áp dụng cho 40 ca thụ tinh trong ống nghiệm và tỷ lệ có thai khi chọn phôi chuyển kết hợp hình thái và động học phôi là 56,25%.