Thị trường di động: Nhận diện 2010

THỤY LÂM| 06/02/2010 08:26

Thị trường di động lại "nổi sóng" ngay trong những ngày cuối tháng 1/2010 khi Viettel bất ngờ giảm cước di động ở mức cao nhất lên tới 20%. Giảm cước di động đã trở thành chuyện thường niên.

Thị trường di động: Nhận diện 2010

Thị trường di động lại "nổi sóng" ngay trong những ngày cuối tháng 1/2010 khi Viettel bất ngờ giảm cước di động ở mức cao nhất lên tới 20%. Giảm cước di động đã trở thành chuyện thường niên. Tuy nhiên, giảm ngay từ đầu năm và giảm với mức đáng kể (từ 10 - 20%) là khá bất ngờ không chỉ đối với khách hàng, mà đối với cả các mạng đối thủ như MobiFone, VinaPhone.

Chắc chân “ông lớn”

Cuộc chiến giảm cước chưa dừng lại - Ảnh Quý Hòa

Kết thúc năm 2009, Viettel Mobile (trực thuộc Viettel Telecom) có doanh thu hơn 40.000 tỷ đồng, góp khoảng 2/3 vào tổng doanh thu chung của Tập đoàn Viettel (60.200 tỷ đồng) và dẫn đầu về doanh thu so với các mạng di động khác tại Việt Nam. MobiFone đạt doanh thu cao hơn năm 2008 tới 82% - cán mức 31.000 tỷ đồng. VinaPhone từ doanh thu 14.000 tỷ năm 2008 vọt lên 20.500 tỷ năm 2009.

Nhìn chung, ba mạng di động lớn nhất Việt Nam đều ăn nên làm ra. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của ba mạng này không còn cao như các năm trước, vì nhiều lý do: Cước di động ngày càng giảm; doanh thu/thuê bao/tháng (chỉ số ARPU) đã giảm đáng kể trong vài năm trở lại đây (theo nghiên cứu của Công ty BMI (Anh) công bố vào cuối năm 2009: Năm 2008 chỉ còn 6USD/thuê bao/tháng; năm 2009 dự kiến sẽ giảm 21% so với năm 2008). Các nhà mạng cũng ngày càng chi phí nhiều hơn cho công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu...

Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì lợi nhuận vẫn tăng nhờ vào sự tăng mạnh doanh thu. Đơn cử, Viettel năm 2008 lãi 6.600 tỷ đồng, năm 2009 tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Lợi nhuận của MobiFone chiếm trên 50% tổng lợi nhuận của VNPT (13.500 tỷ đồng). Với doanh thu và nguồn lợi nhuận kếch xù như vậy, các nhà mạng vẫn có thể tiếp tục “rộng tay” trong năm 2010 và những năm tới.

Nguồn lực tài chính vững mạnh chính là nền tảng để ba mạng lớn thúc đẩy cạnh tranh ráo riết. Lẽ tất nhiên, sau công bố của Viettel thì MobiFone và VinaPhone cũng sẽ phải giảm cước theo. Nhưng mỗi lần Viettel hay “hai anh em nhà VNPT” đơn phương giảm cước, nỗi khổ và áp lực không hẳn quá lớn đối với hai đối thủ còn lại trong số ba “đại gia” này, mà bị đè nặng chính là các mạng nhỏ như S-Fone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline. Ngoài một S-Fone đang chờ định đoạt bằng giấy phép liên doanh từ Chính phủ, EVN Telecom vừa rồi cũng đánh tiếng xin được mượn sóng các mạng lớn để chuyển vùng quốc tế...

Mạng nhỏ ngộp thở

Thế mà mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, đã đề xuất trong hội nghị tổng kết ngành thông tin di động là nên quản lý giá cước di động bằng giá sàn để tránh tình trạng đua nhau phá giá nhằm cạnh tranh khiến lợi nhuận ngày càng thấp. Giá sàn được ông Hùng đề xuất áp dụng cho hai năm 2010 và 2011 là 800 đồng/phút.

Thế nhưng các mạng nhỏ lại cho rằng, khi họ thua kém ba “đại gia” từ vùng phủ sóng, lượng thuê bao kết nối đến tiềm lực tài chính, thì giá cước rẻ hơn chính là vũ khí duy nhất để chống chọi. Việc khống chế giá cước sàn sẽ chặn đứng lợi thế của họ và các mạng nhỏ sẽ càng khó khăn hơn trong việc tranh giành thị phần ít ỏi còn sót lại. Một số mạng mới đánh tiếng xin Bộ Truyền thông và Thông tin thực hiện chuyển đổi số linh hoạt giữa các mạng để tạo điều kiện cạnh tranh tốt hơn.

Những đợt sóng nổi lên trên thị trường di động những năm qua thường dữ dội và khốc liệt. Trong năm 2010, sóng di động sẽ càng dữ dội hơn khi thị phần ngày càng hẹp lại, mức độ đầu tư hạ tầng mạng và các dịch vụ tăng lên buộc các nhà mạng phải cạnh tranh gay gắt hơn. Đơn cử, việc ba nhà mạng MobiFone, Viettel, VinaPhone cùng nhảy vào phân phối iPhone cũng đã phát sinh cạnh tranh mạnh mẽ. Năm 2010 còn là năm ba mạng đều khai trương 3G, lại thêm một lĩnh vực dịch vụ mới phải cạnh tranh giành giật từng chút thị phần.

Bên cạnh cuộc đua ở bên trong thị trường Việt Nam giữa các mạng di động với nhau còn một cuộc đua khác từ bên ngoài vào. Đó là thêm nhiều công ty, tập đoàn viễn thông nước ngoài muốn nhảy vào thị trường viễn thông Việt Nam bằng cách mua cổ phần các mạng di động. Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai mới đây, ông Thomas Frisance, Giám đốc điều hành chiến lược và hợp tác tài chính của Công ty Tư vấn Investelecom (Đức), cho biết, rất muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược vào MobiFone.

Investelecom hiện đang tư vấn cho hãng Orascom Telecom Holding (Ai cập) và Etisalat (các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Ở một diễn biến khác, một nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ, hợp đồng SK Telecom nhượng lại phần hùn vốn trong dự án BCC tại S-Fone cho SPT đã được ký kết. Sắp tới, SPT sẽ tính toán mời gọi một số đơn vị tham gia góp vốn liên doanh. Hiện đang có vài ba đơn vị, tổ chức xếp hàng chạy đua vào liên doanh S-Fone trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường di động: Nhận diện 2010
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO