Ráo riết đường đua công nghệ 5G

HOÀNG HÀ| 31/03/2016 06:29

Một thế hệ công nghệ không dây mới mang tên 5G đã hình thành và hứa hẹn tạo nên sự thay đổi lớn trong việc kết nối toàn bộ thế giới.

Ráo riết đường đua công nghệ 5G

Một thế hệ công nghệ không dây mới mang tên 5G đã hình thành và hứa hẹn tạo nên sự thay đổi lớn trong việc kết nối toàn bộ thế giới.

Đọc E-paper

Theo tầm nhìn của Intel, 5G không chỉ đơn giản là tăng tốc độ và dung lượng mà còn là trí thông minh nhân tạo trong toàn bộ mạng lưới, cho phép các thiết bị và hệ thống mạng liên lạc với nhau hiệu quả hơn, truyền dữ liệu và các thông tin âm thanh, hình ảnh nhanh hơn và có thể chia sẻ tài nguyên điện toán. Nghĩa là "mạng 5G không những kết nối người với người, người với vật mà còn là môi trường liên kết giữa các vật thể”. Lời tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh những thiết bị không người lái đang phát triển và hứa hẹn sẽ bùng nổ trong tương lai gần.

Đây không phải viễn cảnh xa xôi mà là tầm nhìn thực tế về một thế hệ công nghệ không dây mới. Mặc dù 4G vẫn đang được triển khai tại nhiều quốc gia nhưng ngành công nghiệp viễn thông đã bắt đầu nhiều bước đi vững chắc cho thế hệ 5G. Hai nhà mạng di động AT&T và Verizon bắt đầu thử nghiệm 5G trong nhà. Hàn Quốc đặt ra mục tiêu triển khai 5G khi nước này tổ chức Thế vận hội mùa Đông năm 2018; Nhật Bản cũng tung ra dịch vụ 5G phục vụ cho Thế vận hội mùa Hè năm 2020. Tại Mobile World Congress tại Barcelona mới diễn ra, các nội dung 5G đứng đầu chương trình nghị sự.

Viễn thông di động đã có chặng đường tiến hóa dài kể từ khi Martin Cooper của Motorola phát minh ra "điện thoại di động" DynaTAC vào năm 1973. Đến nay, sự ra đời của 5G mang đến một cuộc cách mạng mới về kết nối: kết nối không dây, từ những chiếc xe tự lái và máy bay không người lái với các cảm biến, máy móc và đồ dùng gia đình lại với nhau tạo thành "Internet vạn vật" (IoT).

Công nghệ 5G cho tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện tại, cụ thể như có thể đạt tốc độ đỉnh 10Gbps, giúp việc tải một bộ phim HD 8GB gần như tức thì; trong khi với công nghệ 3G phải mất khoảng 1 tiếng, công nghệ 4G sẽ mất 7 phút, còn 5G chỉ tốn khoảng 6 giây.

Ngoài ra, 5G còn cho phép các công nghệ tương tác thực tế và thực tế ảo và giúp giảm thiểu đáng kể độ trễ trong lĩnh vực truyền dữ liệu trực tuyến. Sự tăng trưởng nhanh chóng trong lưu lượng dữ liệu sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Theo ước tính, các đường truyền cần phải sẵn sàng cho một sự gia tăng 1.000 lần dữ liệu trong nửa đầu những năm 2020. 4G, mà chủ yếu là ngồi dưới 3 GHz, quá công suất.

Không nhìn ở góc độ cách mạng, giới kinh doanh thấy thị trường thiết bị mạng, viễn thông đã lên đến đỉnh điểm và bão hòa. Vì vậy, họ cần một thế hệ sản phẩm mới để lôi kéo khách hàng chi tiêu nhiều hơn. Do đó, đang diễn ra  cạnh tranh khốc liệt giữa châu Âu và châu Á trong cuộc đua phát triển 5G. Lợi thế tiên phong sẽ cho phép quyền thiết lập các tiêu chuẩn và gặt hái những lợi ích kinh tế, chủ yếu là chi phí từ việc cấp phép bằng sáng chế.

Ủy ban Châu Âu đã can thiệp để giúp các công ty như Nokia và Ericsson có vị trí tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ 5G. Ủy ban Châu Âu vừa đưa ra đề nghị chuyển băng tần 700 MHZ đang sử dụng cho truyền hình hiện nay sang phục vụ cho việc triển khai 5G vào năm 2020. Hiện nay, băng tần UHF 700 MHZ được sử dụng chủ yếu để phát sóng truyền hình mặt đất nhưng sắp tới sẽ được dùng cho dịch vụ di động tốc độ cao, hỗ trợ Internet of Things (IoT). Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, các nước châu Á có ưu thế với tham vọng của Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực 5G. Ngoài ra, cũng phải kể đến các công ty của Trung Quốc như Huawei và ZTE, cũng đang rốt ráo tham gia vào lĩnh vực này.

Nhưng con đường đến "thiên đường 5G" sẽ không bằng phẳng khi phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ: người sử dụng smartphone đang sử dụng Wi-Fi chủ yếu cho các cuộc gọi và trao đổi văn bản cũng như dữ liệu. Điều đó có nghĩa là họ có ít nhu cầu kết nối điện thoại di động nên 5G có thể bị "chầu rìa".

Tuy nhiên, những công ty công nghệ khổng lồ như Apple, IBM và Samsung có một sự quan tâm khác với 5G, không chỉ để tạo ra động lực mới trong lực cầu smartphone và các thiết bị di động khác, mà còn tạo ra một thị trường mới của IoT. Google trong năm 2014 đã mua công ty công nghệ 5G Alpental Technologies để tích hợp những giải pháp của công ty này cho dịch vụ Google Fiber - một dịch vụ mạng cung cấp đường truyền internet và dịch vụ truyền hình với tốc độ cao.

>4G chưa qua, 5G đã tới

>EU và Hàn Quốc phối hợp phát triển mạng 5G

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ráo riết đường đua công nghệ 5G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO