Năm mới giải quyết chuyện cũ…

THỤY LÂM| 15/01/2010 09:46

Ngày cuối năm 2009 đã xảy ra cảnh chen chúc, hỗn loạn tại các điểm giao dịch của MobiFone, Viettel và VinaPhone...

Năm mới giải quyết chuyện cũ…

Cuối năm 2009, các cuộc bình chọn 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông nổi bật trong năm hầu hết đều đưa vụ tranh cãi giá cho thuê cột điện (được dân tình gọi nôm na là “cuộc chiến dây - cột”) giữa Công ty Viễn thông Điện lực (EVN) với các công ty viễn thông khác và việc quản lý thuê bao di động trả trước (trong đó có quy định bắt buộc hoàn tất đăng ký thông tin cá nhân trước ngày 1/1/2010) vào top 10.

Vừa bước qua đầu năm 2010, cả hai sự kiện này lại một lần nữa khiến giới truyền thông tốn thêm giấy mực. Chuyện của năm cũ lại phải tiếp tục giải quyết ngay từ đầu năm mới...

“Thượng đế” lại... lơ là

Ngày cuối năm 2009 đã xảy ra cảnh chen chúc, hỗn loạn tại các điểm giao dịch của MobiFone, Viettel và VinaPhone. Nguyên nhân là các “thượng đế” sử dụng thuê bao di động trả trước (TBDĐTT) cùng đổ về đăng ký thông tin cá nhân vào thời điểm G, khiến các nhà mạng không kịp trở tay dù đã bố trí cả trăm ngàn điểm tiếp nhận đăng ký. Cụ thể, Viettel huy động đến 100.000 điểm tiếp nhận đăng ký thông tin trong những tháng qua, MobiFone tăng cường thêm gần 15.000 điểm trong cả nước... Tất nhiên, sự quá tải không xảy ra ở khắp các điểm, mà chỉ tập trung tại những điểm ở các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM...

Ngày 31/12/2009 náo loạn, còn hàng triệu thuê bao không kịp đăng ký thông tin có nguy cơ bị cắt dịch vụ theo quy định. Chiều ngày 5/1/2010, Bộ Thông tin - Truyền thông đã họp với các nhà mạng và mở lối ra, kéo dài thời hạn đăng ký đến hết ngày 31/1/2010. Vừa có được ngày rộng giờ dài, các “thượng đế” lại chứng nào tật nấy, lơ là việc đăng ký. Các điểm giao dịch của MobiFone, Viettel, VinaPhone trước đó tập trung rất đông khách đến ngột ngạt, thì từ ngày 5/1 lại vắng người. Theo công bố của các nhà mạng, còn khoảng 3,5 triệu TBDĐTT chưa hoàn tất việc đăng ký thông tin, trong đó ba đại gia MobiFone, Viettel và VinaPhone chiếm đến 3 triệu thuê bao.

Quy định đăng ký thông tin cá nhân đối với các TBDĐTT kích hoạt trước ngày 1/1/2008 đã được ban hành từ hơn hai năm qua, nhưng các “thượng đế” chủ quan, lơ là nên để “nước tới chân mới nhảy”, dẫn đến tình trạng chen lấn, hỗn loạn tại các điểm đăng ký ngày cuối năm 2009. Giờ, căn bệnh phổ biến này của “thượng đế” lại tái phát, họ lại chây ỳ chờ cho đến cận ngày 31/1/2010 mới lại đi đăng ký. Có thể áp lực đăng ký cũng giảm phần nào, nhưng cần biết rằng, còn hàng triệu trường hợp thuê bao bị trùng tên cần được giải quyết, khi đó phải có sự tham gia của “thượng đế” với các nhà mạng.

Dây vẫn còn... xa cột

Cho dù Bộ Công Thương đã đưa ra thời điểm 5/1 là thời hạn cuối cùng để EVN và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thỏa thuận giá thuê cột điện để treo cáp viễn thông, thế nhưng đã quá thời điểm này rồi mà đàm phán giữa hai bên vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Phía VNPT dường như có chủ ý đẩy vấn đề này lên bàn của Bộ Công Thương để nhờ bàn tay mạnh hơn của bộ, ngành chức năng tham gia giải quyết.

VNPT dự kiến đề xuất mức giá trong cuộc đàm phán “bán kết” gồm nhiều hơn hai bên này sẽ giảm so với mức giá EVN đòi hỏi từ 70 - 80%. Cụ thể: Cột cao dưới 8,5m: giá sàn thuê 4.845 đồng/cột/tháng, tăng 38% so với giá cũ trước đây nhưng chỉ bằng 24% so với mức giá phi mã EVN nâng lên trong năm 2009. Theo VNPT, với mức giá đề xuất, Tập đoàn này phải tốn đến 300 tỷ đồng tiền thuê cột điện hằng năm, trong khi các dịch vụ dùng đến cột điện của VNPT, trong đó có điện thoại cố định, đang ngày càng bão hòa, hiệu quả kinh doanh thấp.

Cũng theo VNPT tính toán, đầu tư trồng một cột điện cao 8,5m chỉ mất khoảng 3,6 triệu đồng, thế nhưng EVN từng cho rằng, chi phí đầu tư sẽ là 4,5 triệu đồng. Theo EVN, nếu cộng cả lãi suất ngân hàng 10%/năm vào vốn vay để trồng cột, EVN sẽ mất thêm 450.000 đồng/năm, chia ra khoảng 37.500 đồng/tháng/cột, đó là chưa kể các chi phí mặt bằng, duy tu, bảo dưỡng... Như vậy, dù có tăng giá lên gấp 5, 7 lần so với trước đây, tức 20.114 đồng/cột/tháng, thì doanh nghiệp viễn thông vẫn còn lợi hơn là tự đầu tư cột (?).

Bên này có lý, bên kia có lẽ. Có lẽ thấy được tình hình đàm phán hai bên khó có được tiếng nói chung, nên VNPT muốn đẩy vấn đề lên bàn của Bộ Công Thương. Chỉ có điều, các tính toán trên đều theo lập luận của mỗi bên, còn căn cứ như thế nào, có hợp lý hay không, chuẩn xác đến mức độ nào, thì chẳng có đơn vị độc lập nào đứng ra đánh giá khách quan và công tâm... Nếu không có những căn cứ xác thực, Bộ Công Thương đành dùng quyền và lệnh hành chính để quyết ép hai bên phải nhân nhượng nhau thì hai bên cũng sẽ không “tâm phục khẩu phục”, và thỏa thuận cuối cùng chưa chắc duy trì thực hiện được lâu dài.

Cả EVN và VNPT đều là hai tập đoàn nhà nước. Nhiều thứ ngày nay biến thành vốn, thành tài sản để họ đưa vào kinh doanh cũng là do Nhà nước giao cho họ quản lý, đều là của dân. Tăng giá vô tội vạ thì cuối cùng chỉ người tiêu dùng phải gánh chịu chứ không ai khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm mới giải quyết chuyện cũ…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO