![]() |
Nếu tính cả Viettel dự kiến chính thức cung cấp dịch vụ 3G trong tháng 12 này thì có ba mạng di động lớn nhất Việt Nam phủ sóng 3G. Trong thị trường thông tin di động mà ba đại gia MobiFone, Viettel, VinaPhone chiếm đến 90% thị phần, phủ sóng 3G làm cho thị trường dịch vụ này cuộn sóng...
Vấn đề không chỉ là yếu tố nội tại về 3G, như các mạng di động trên cung cấp bao nhiêu dịch vụ, vùng phủ sóng thế nào, tiện ích ra sao…, bởi đây là câu chuyện đã rất rõ rằng sẽ đi theo hướng “cái gì đến sẽ đến”, rồi dần sẽ phủ sóng rộng và đa dịch vụ. Tất cả các yếu tố nội tại hầu như các nhà mạng đều có thể lên kế hoạch trước và tính toán được. Nhưng những yếu tố tác động đến bên ngoài của sóng 3G cũng là vấn đề đang bắt đầu được bàn đến nhiều.
![]() |
Mobi Fone mời tham gia thị trường 3G |
Đến thời điểm này, hầu hết các mạng tại Việt Nam đều đã cung cấp dịch vụ Mobile Internet (MI). Riêng MobiFone, Viettel và VinaPhone khi đã chính thức cung cấp 3G thì cũng đồng nghĩa dịch vụ MI đã bước sang thời kỳ mới, với tốc độ cao hơn, đạt dung lượng tối đa tải về đến 7,2Mbps. Tại Việt Nam hiện đã có hơn 22 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn 25% dân số.
Trả lời báo chí, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Yahoo! Việt Nam cho rằng, trước khi có 3G, số người sử dụng MI đã là 1 triệu người, với khoảng 200.000 thuê bao vào đầu năm 2009. Sau khi Việt Nam có 3G, chắc chắn số người sử dụng MI còn phát triển nhanh hơn. “3G sẽ thúc đẩy MI phát triển mạnh tại Việt Nam”, ông Trí nhận định.
Nhưng cũng cần phân biệt rạch ròi khái niệm số người sử dụng MI với số thuê bao. Số thuê bao luôn ít hơn, vì có rất nhiều người thuê bao điện thoại di động thỉnh thoảng mới sử dụng MI, chứ không phải thuê bao MI thuần túy. 3G thúc đẩy MI phát triển vì băng thông của nó đáp ứng được tốc độ truyền tải nhiều dịch vụ nội dung mà thế hệ 2G hay 2,75G chịu chết.
Nhưng ở góc độ những nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, sự ra đời của 3G đang trở thành trợ lực mạnh mẽ cho các hãng sản xuất điện thoại di động mà họ không hề tốn một đồng phí nào. Vào thời điểm tháng 11, ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone, cho biết, mạng này đã có 500.000 thuê bao sử dụng dịch vụ 3G.
Vừa mới khai trương dịch vụ này vào ngày 15/12, MobiFone cũng cho biết, khoảng 15% thuê bao mạng này sẵn sàng chuyển sang sử dụng 3G. Mạng MobiFone có đối tượng khách hàng là thuê bao trả sau nhiều hơn các mạng khác, thu nhập cao và ổn định của họ sẽ giúp mạng này có lợi thế phát triển thuê bao 3G hơn các mạng khác. 3G cuộn sóng kéo theo ngành thiết bị đầu cuối, nhưng cũng phải thấy rằng, sử dụng smart phone đang trở thành trào lưu ngày càng lan rộng, đặc biệt là trong giới trẻ, giới nhân viên văn phòng...
Theo số liệu của GfK, thị phần smart phone tại Việt Nam hiện nay là 13,4%, mức tăng trưởng năm 2009 tăng 142% so với năm 2008. Và đặc biệt, 3G xuất hiện kích thích nhu cầu sử dụng các dịch vụ chat, email, nghe nhạc, xem phim, lướt web... trên điện thoại di động sẽ làm gia tăng nhanh hơn số người sử dụng smart phone. Bởi chỉ có smart phone mới đủ các tính năng đáp ứng các nhu cầu trên. Có hãng như HTC còn đưa ra con số tăng trưởng phát “choáng” là 500% trong năm 2009, chiếm 15% thị phần smart phone tại Việt Nam hiện nay.
Trong làn sóng của 3G cũng có nhiều vấn đề cần đề phòng và ngăn chặn trước. Một trong những vấn đề đã trở thành hiện thực và cũng rất điển hình chính là bảo mật. Một cán bộ tiếp thị của NTS Security, đại diện của Kaspersky Lap tại Việt Nam, cho biết, theo khảo sát tại một số trung tâm bảo hành điện thoại di động, điện thoại mang đến sửa chữa bị lỗi phần mềm phần lớn do virus gây ra mà người sử dụng không hề hay biết, cứ đổ thừa do phần cứng, do lỗi của nhà sản xuất...
Cuối cùng, cài lại hệ điều hành là điện thoại lại hoạt động tốt. Sau khi 3G chào đời, người dùng MI gia tăng, người dùng smart phone để sử dụng các dịch vụ 3G tăng theo, thì nguy cơ bảo mật đối với điện thoại di động cũng tăng. Điện thoại xịn, bị hư hỏng do virus thì tổn thất có thể nhiều hơn. Thế nhưng, phần mềm bảo vệ dành cho điện thoại di động tại Việt Nam lại chưa có nhiều, chính thức phát hành mới chỉ có NTS Security với KMS 8.0.
Tuy nhiên, người dùng phần mềm này chưa nhiều. Nguyên nhân một mặt là do nhận thức, mặt khác do tương quan giá trị chiếc điện thoại di động với giá bản KMS 8.0 (200.000 đồng/năm). Song, với những người sử dụng smart phone thì việc dùng KMS 8.0 là hoàn toàn cần thiết vì tính ra giá bản quyền phần mềm này so với giá trị chiếc điện thoại là không đáng kể.
Trong lúc Việt Nam đang phấn khởi chào đón 3G, thì mạng 4G đầu tiên của thế giới đã được chính thức đưa vào sử dụng tại Oslo (Na Uy) và Stockholm (Thụy Điển), với tốc độ truy cập lên đến 100Mbps. Công nghệ không dừng lại, nhưng song hành cùng nó là các thách thức và ẩn họa.