Loa soundbar cho tivi thông minh

ANH VŨ| 30/03/2017 03:04

Trong các hộ gia đình, các smart tivi (tivi thông minh) “siêu mỏng” đã trở thành không thể thiếu trong phòng khách. Thế nhưng, ...

Loa soundbar cho tivi thông minh

Không những tạo ra không gian thẩm mỹ cho phòng khách khi đi cùng với smart tivi (tivi thông minh) "siêu mỏng", các hệ thống loa soundbar (loa thanh) cao cấp còn có tính năng kết nối loa sub không dây, kết nối smartphone qua bluetooth và hỗ trợ thêm các chuẩn âm thanh cao cấp như HDMI và quang optical khi xem tivi.

Đọc E-paper

Trong các hộ gia đình, các smart tivi “siêu mỏng” đã trở thành không thể thiếu trong phòng khách. Thế nhưng, những hệ thống âm thanh gia đình phối hợp với tivi trước đây như 2.1 hoặc 5.1 là không phù hợp, bởi vì khi đặt chúng bên cạnh tivi thì không gian tổng thể của phòng khách sẽ mất đi sự cân đối do chúng chiếm khá nhiều diện tích.

Với bộ loa 5.1 thì việc bố trí các loa vệ tinh xung quanh sẽ mang đến nhiều điểm phức tạp cho gia chủ như: treo loa vệ tinh cần đi dây cho từng góc tường hoặc đặt loa vệ tinh quá gần tivi thì sẽ mất hiệu ứng âm thanh vòm khiến hệ thống âm thanh không phát huy được khả năng tối ưu.  

Bên cạnh đó, những người dùng phổ thông không có nhu cầu khắt khe về phần âm thanh trong khi hệ thống loa 2.1 hoặc 5.1 có cách ghép nối dây khá phiền phức.

Nhận biết được thực tế trên, nên các hãng chuyên về thiết bị nghe nhìn giải trí như: Sony, Samsung, LG... đã và đang chuyển đổi hệ thống âm thanh gia đình từ thiết kế cồng kềnh sang nhỏ gọn để khi ghép với tivi vừa đạt thẩm mỹ vừa có nhiều tiện ích hơn khi sử dụng. Hệ thống âm thanh soundbar (loa thanh) chuyên dùng với tivi ngày càng xuất hiện nhiều hơn, phổ biến và đa dạng hơn so với những hệ thống âm thanh quen thuộc theo tiêu chuẩn 2.1 hoặc 5.1 như trước đây.

Soundbar đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ khoảng năm 2007 với các thương hiệu như Yamaha, Philips... Tuy nhiên giá lúc đó khá cao, từ 15 – 20 triệu đồng/bộ, do thiết kế phức tạp. Chẳng hạn, dòng loa soundbar của Yamaha thiết kế từ năm 2007 bên trong thanh loa có đến 40 củ loa kèm theo 2 loa trầm, mục đích là chia nhỏ âm thanh và tạo nên những hiệu ứng âm thanh vòm để hướng trực diện vào người xem trước màn hình tivi. Còn bây giờ các hệ thống loa thanh đã được đơn giản hóa. Các hãng lớn như Sony, Samsung, LG... đều sử dụng từ 4 - 6 củ loa nén dùng màng loa neodymium giúp chất lượng âm thanh khá sắc xảo và trong trẻo, nhưng vẫn đạt giá rẻ. Thiết kế loa thanh bây giờ đã bắt mắt hơn cộng thêm việc tích hợp các công nghệ mới như: ampli kỹ thuật số hỗ trợ kết nối HDMI, âm thanh quang optical, kết nối với loa sub rời theo chuẩn không dây. Giá đã thấp hơn so với trước đây nên loa thanh ngày càng được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng.

Cụ thể, trên thị trường, hãng Sony đã có những dàn âm thanh soundbar đi kèm tivi như Sony HT- CT80, CT180, CT380. Còn Samsung có HW-J250,K350, K450. LG thì có SH3B, SH5, SH8. Giá bán của các bộ soundbar này từ 2 – 6 triệu đồng/bộ. Để phù hợp với các loại tivi cong, hãng Samsung còn cho ra đời thêm hệ thống loa thanh được uốn cong như Samsung HW-J6001 với giá bán 8 triệu đồng/bộ.
Không ngừng ở đó, hệ thống loa thanh cũng được các thương hiệu Việt Nam và Trung Quốc tham gia cung cấp, tạo ra một bức tranh thị trường khá sinh động và đa dạng về mẫu mã với các tên tuổi như Arirang, Soundmax, Fenda...

Ông Ngô Nguyễn Thế Dương - phụ trách tiếp thị của Soundmax cho biết: “Tivi thông minh ngày càng nhiều người dùng và họ đang chuyển sang xem các kênh giải trí trên Youtube nhiều hơn. Đáp ứng nhu cầu này, chúng tôi cho ra đời mẫu Sounbar SB-217 có hỗ trợ chuẩn kết nối âm thanh quang Optical và hỗ trợ kết nối bluetooth qua điện thoại nên người dùng có thể giải trí với Youtube hoặc nghe nhạc qua điện thoại một cách dễ dàng và thuận tiện hơn”. Tương tự hãng Arirang có mẫu SB36K, 36S và Fenda T100, T780... với giá bán trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/bộ.

Một số lưu ý

Cần lưu lý là các dòng loa thanh không thể thay thế những dàn loa cao cấp của những người chơi âm thanh chuyên nghiệp, nhưng đổi lại thì nó có kích thước nhỏ gọn hơn rất nhiều so với một bộ loa, amply cồng kềnh. Nếu người dùng cảm thấy loa trong của tivi quá nhỏ khi xem các chương trình giải trí trên tivi hoặc xem qua mạng thì loa thanh sẽ là sự lựa chọn tốt.

Loa thanh khi đặt bên dưới tivi cũng có một khuyết điểm là một số mẫu sẽ có bề rộng che luôn phần nhận tín hiệu remote của tivi nên người dùng cần lưu ý cần chừa một khoảng không gian để phần nhận tín hiệu remote không bị che mất.

Các loại loa thanh trên thị trường chia làm 2 nhóm, loại có hỗ trợ sub hơi siêu trầm và loại không có sub hơi. Nên chọn những hệ thống loa thanh có hỗ trợ kết nối HDMI hoặc optical vì khi kết nối với tivi thông minh xem các kênh giải trí thì âm thanh sẽ tốt hơn rất nhiều.

>Loa ngoài Jabra Speaker 810 cho phòng họp rộng

>5 loa bluetooth siêu sao cho người dùng thích "xê dịch"

>Đến loa cũng cong

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Loa soundbar cho tivi thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO