Kích cầu giao dịch trực tuyến

DIỆU TIÊN| 29/10/2010 05:53

Thương mại điện tử tại Việt Nam đã manh nha từ cách đây cả chục năm nhưng vẫn “bò” chậm chạp, chứ chưa thể tăng tốc.

Kích cầu giao dịch trực tuyến

Thương mại điện tử tại Việt Nam đã manh nha từ cách đây cả chục năm nhưng vẫn “bò” chậm chạp, chứ chưa thể tăng tốc. Nhưng mới đây, việc một số công ty lớn nhảy vào lĩnh vực này với các chương trình khuyến mãi kèm theo đã làm cho người ta cảm thấy có thể tin tưởng vào sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời gian tới.

Mua nhanh, ưu đãi lớn...

Trong suốt hơn một tháng qua, khách hàng sử dụng thẻ ATM của Vietcombank liên tục nhận được email thông báo nếu thanh toán cước phí thuê bao di động trả sau của MobiFone và ADSL của FPT Telecom qua tài khoản tại ngân hàng này, hoặc thông qua website của MobiFone (www.mobifone.com.vn), thì sẽ được giảm 5% trên tổng giá trị hóa đơn cho đến hết năm 2010.

Thanh toán cước Mobifome qua mạng sẽ được giảm 5%

Đây là lần đầu tiên một nhà mạng đưa ra chính sách kích cầu thanh toán trực tuyến với mức giảm cao đến thế. Cần nhớ rằng, chế độ ưu đãi của MobiFone dành cho khách hàng trả cước sớm và đúng hạn cũng chỉ giảm từ 2 - 3%/tổng giá trị hóa đơn.

Chương trình thúc đẩy này MobiFone áp dụng cho tất cả 22 ngân hàng trên hệ thống Smartlink, vì thế có mức độ phổ dụng khá cao và cũng thực sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Trong khi “người anh em” MobiFone kích cầu thanh toán trực tuyến thì VinaPhone lại đưa ra một dịch vụ khác là bán USB 3G qua mạng. VinaPhone hiện có 5 mẫu USB 3G để truy cập dịch vụ internet Broadband, sẽ nhận đặt hàng qua website: http://www.vinaphone.com.vn.

Khách hàng chỉ việc truy cập và điền các thông tin, sau đó sẽ nhận được một mã số đơn đặt hàng. VinaPhone cam kết giao hàng trong vòng 48 giờ, riêng đối với các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ thì giao hàng ngay trong ngày. So với việc khách hàng phải tự đến cửa hàng để mua thì dịch vụ này giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.

Nối tiếp Vietcombank, ngày 20/10 Kaspersky Việt Nam cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Đông Á.

Theo đó, nếu khách hàng truy cập vào website: www.dongabank.com.vn, hoặc www.kaspersky.vn để mua sản phẩm Kaspersky Internet Security (KIS) 2011 và thanh toán trực tuyến bằng thẻ ATM của ngân hàng này qua cổng V.N.B.C, thì sẽ được hưởng giá ưu đãi: 300.000 đồng cho KIS 1PC (giảm 65.000 đồng) và 500.000 đồng cho KIS 3PC (giảm 190.000 đồng).

Ưu đãi này sẽ được áp dụng cho toàn bộ 5 triệu khách hàng của Ngân hàng Đông Á.

Nhất cử... đa tiện

Giao dịch, thanh toán qua mạng không chỉ “nhất cử lưỡng tiện”, mà là “nhất cử đa tiện” cho các bên. Đối với người tiêu dùng, có thể lên mạng tại nhà hay văn phòng, hoặc bất cứ nơi nào để tìm mẫu hàng cần mua, không mất thời gian di chuyển.

Còn bên bán sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí: tiền thuê mặt bằng bán lẻ, điện, nước, điện thoại, lương nhân viên (bán lẻ cần rất nhiều nhân viên), trong khi chỉ cần huấn luyện tốt đội ngũ tiếp nhận đơn đặt hàng và giao hàng.

Chính vì thế mà cách đây vài tháng, khi chính thức mở hệ thống Dell Store trong cửa hàng và công bố bán hàng qua website, Thế Giới Di Động đã mạnh dạn tuyên bố, khách mua hàng qua mạng sẽ được giảm giá 2 - 3%. Lý do chính là vì nhà bán lẻ tiết kiệm được nhiều khoản chi phí.

Tuy nhiên, còn một mục tiêu khác tuy không được nói ra, nhưng giới quan sát có thể cảm nhận được, đó là Thế Giới Di Động muốn dần lớn mạnh và trở thành thương hiệu bán hàng trực tuyến hàng đầu khi ở Việt Nam chưa có nhà bán lẻ trực tuyến tầm cỡ. Hiện Chợ điện tử là website bán hàng trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam.

Năm 2009, chodientu.vn đã thu được 24 triệu USD doanh số từ các giao dịch nội địa, chiếm khoảng 24% tổng giá trị thị trường thương mại điện tử của Việt Nam (khoảng 100 triệu USD).

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc PeaceSoft, đơn vị chủ quản của chodientu.vn, đến năm 2015, giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 2 tỷ USD.

Vì vậy, nếu website bán hàng trực tuyến của Thế Giới Di Động kịp lớn mạnh, thì đã có thể trở thành một khối tài sản có giá lên đến hàng chục triệu USD khi cần sáp nhập hoặc mua bán lại.

Thương mại điện tử ở Việt Nam hiện mua vẫn nhiều hơn bán. Theo eBay.vn, ở chiều mua hàng từ Mỹ mạng này đã có 22.000 thành viên sau một năm hoạt động tại Việt Nam, và có giá trị hàng hóa đặt mua lên đến 6,8 tỷ USD.

Ở chiều bán sang Mỹ đã có hơn 3.000 sản phẩm với tổng giá trị trên 80.000USD được bán. Sự chênh lệch lớn về giá trị đặt mua và đã bán có lý do là đặt mua hoàn toàn khác đã mua.

Thương mại điện tử tại Việt Nam còn vướng nhiều thứ, song có hai yếu tố thiết thực mà người mua còn e ngại là sự an toàn và uy tín, chất lượng sản phẩm.

Nếu những nhược điểm này được khắc phục, thì thương mại điện tử không chỉ có lợi cho hai bên bán và mua, mà bên thứ ba là chính phủ cũng được hưởng lợi: vừa thu được thuế, vừa giảm được tình trạng thiếu minh bạch trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kích cầu giao dịch trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO