Khi mà đánh phấn thoa son cũng cần trí tuệ nhân tạo

17/08/2017 07:20

Một khách hàng sẽ được thử các mỹ phẩm trên một gương mặt ảo, được tạo nên bởi trí tuệ nhân tạo.

Khi mà đánh phấn thoa son cũng cần trí tuệ nhân tạo

Các công ty hóa mỹ phẩm của Hàn Quốc đang kết hợp các sản phẩm làm đẹp với công nghệ để cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Thị trường mỹ phẩm ở Hàn Quốc tựa như một khu rừng. Với vô vàn các nhãn hàng hóa mỹ phẩm ở mọi mức giá và những thay đổi chóng mặt trong xu hướng tiêu thụ, ngành này hiện đang là một trong những ngành cạnh tranh nhất ở xứ sở Kim Chi.

Nhưng chính sự sốt sắng muốn liên tục tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn hơn lại có thể khiến cho khách hàng dễ bị choáng ngợp và khó quyết định nên mua sản phẩm nào.

Để tiện cho khách hàng và giúp họ tìm được những sản phẩm tốt nhất, các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc đã tìm nhiều cách để áp dụng công nghệ vào trải nghiệm mua sắm mỹ phẩm.

Trước hết, công nghệ pha trộn đã xuất hiện tại các cửa hàng, cho phép người tiêu dùng tạo ra các sản phẩm phù hợp cho làn da của mình ngay tại chỗ.

Các công ty hóa mỹ phẩm lớn như Amorepacific và LG Household & Health Care là những đối tượng đầu tiên giới thiệu kiểu mỹ phẩm “tùy biến” này. Khách hàng của Amorepacific có thể yêu cầu tư vấn để tạo ra các sản phẩm chăm sóc môi và kem giữ ẩm phù hợp với màu da và loại da của mình.

LG Household & Health Care đã giới thiệu một thương hiệu mới tên là Remede, thuộc công ty con CnP, cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên sâu để tạo ra loại dung dịch cô đặc cho làn da của mỗi khách hàng.

Dựa trên phân tích về loại da gồm lỗ chân lông, nếp nhăn và độ đàn hồi, một hệ thống ảo sẽ xác định các loại nguyên liệu để trộn với nhau nhằm tạo ra sản phẩm lý tưởng.

Một nhân viên ở CnP cho biết: “Chúng tôi hoạt động theo dựa trên các đơn đặt chỗ, và thường thì lúc nào cũng kín lịch, kể cả cuối tuần và những ngày trong tuần.”

Công nghệ cũng được sử dụng trong các cửa hàng của hãng để cung cấp thêm thông tin cho khách hàng về sản phẩm họ sẽ mua. Amorepacific đã trang bị cho hệ thống cửa hàng Aritaum của mình một sản phẩm gọi là “Beauty Mirrors” (gương sắc đẹp), có khả năng tự động quét gương mặt của một người và cho phép người đó thử các sản phẩm trên gương mặt ảo đã được tạo ra.

Công cụ lựa chọn nước hoa giống như máy bán hàng tự động mời khách hàng trả lời các bản khảo sát về lối sống của họ nhằm chọn ra một loại hương thích hợp với tính cách của khách hàng.

Hệ thống của hàng Nature Collection của LG Household & Health Care ở khu Gangnam đã biến thành một cửa hàng thông minh. Với ứng dụng “My Makeup Today” trên smartphone, khách hàng có thể chụp ảnh gương mặt mình để đưa vào bộ phận phân tích có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Người máy AI sẽ đánh giá phần trang điểm của khách hàng dựa trên làn da, mắt, đường viền khuôn mặt, môi và lông mày, đưa ra gợi ý để chỉnh sửa và đề xuất một số sản phẩm phù hợp. Ứng dụng này được tạo ra từ sự phối hợp giữa đội nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Seoul và Big Data Center.

Công nghệ cũng được sử dụng để kết hợp trải nghiệm của mua sắm trực tiếp tại cửa hàng với sự tiện lợi của mua sắm trên mạng.

Dịch vụ Beauty Delivery của Amorepacific ship hàng bạn đã mua ở cửa hàng về tận nhà chứ không cần tự tay mang về, và Beauty Takeout cho phép bạn nhận các sản phẩm đã mua online tại bất kỳ cửa hàng nào đã đăng ký.

“Khách hàng đang tìm kiếm những trải nghiệm cá nhân nhưng chưa thể mô phỏng được ở các cửa hàng trên mạng,” một quan chức của Remede cho biết. “Nhờ cung cấp thông tin tốt hơn về các sản phẩm và dịch vụ tư vấn trực tiếp, chúng tôi có thể phục vụ khách hàng tốt hơn và khiến cho họ không còn cảm thấy khó khăn khi phải hoa mắt tìm kiếm trong một rừng sản phẩm trên mạng.”

>>Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi mà đánh phấn thoa son cũng cần trí tuệ nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO