![]() |
Lee Yun-soo cảm thấy rất hối hận khi cô thay chiếc điện thoại vỏ sò cũ mèm của mình bằng chiếc điện thoại thông minh (smartphone) cách đây 6 tháng.
>> Ngu ngơ trong... smartphone
![]() |
Tỉ lệ người sử dụng thiết bị di động tại Hàn Quốc đã vượt 100%. |
Nữ sinh trường trung học Hàn Quốc này rất thích gửi các hình ảnh ngộ nghĩnh lên mạng, gửi tin nhắn cho bạn bè và chơi game online. Đôi khi cô thức trắng cả đêm lang thang trên Facebook, chát chít với bạn bè. Nhưng cô cho biết chiếc smartphone đang khiến cho cuộc sống của cô bị xáo trộn. “Tôi rất ghét làm việc này nhưng tôi không thể dừng được”, Lee Yun-Soo nói.
Lee thuộc diện cứ 5 học sinh, sinh viên tại Hàn Quốc thì có gần 1 người được Chính phủ Hàn Quốc xếp vào nhóm nghiện sử dụng smartphone. Một người bị coi là nghiện khi họ bỏ ra hơn 7 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại và có các triệu chứng của con nghiện như lo âu, mất ngủ và buồn chán khi họ xa dế yêu của mình.
Hàn Quốc, vốn là đại bản doanh của nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới - Samsung Electronics, luôn tự hào là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực internet tốc độ cao và công nghệ di động tiên tiến. Nhưng mặt trái của niềm tự hào này là chứng nghiện smartphone đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo Chính phủ Hàn Quốc, tỉ lệ người sử dụng thiết bị di động tại đây đã vượt 100%, nghĩa là có một số người sử dụng nhiều hơn 1 thiết bị di động và smartphone chiếm tới 2/3 trong số các thiết bị đó.
So với Hàn Quốc, tỉ lệ người sử dụng smartphone tại Mỹ, một quốc gia phát triển ở phương Tây, thật khiêm tốn, chỉ 50% tính đến tháng 6.2013, theo số liệu của Liên đoàn Viễn thông Quốc tế.
Trong nhiều năm, Hàn Quốc đã phải chật vật đối phó với các vấn đề xã hội liên quan đến chứng nghiện game online của giới teen do sự phổ biến rộng rãi của các dịch vụ internet tốc độ cao. Giờ thì chứng nghiện smartphone trong giới teen và trẻ em đang tăng với tốc độ còn nhanh hơn các nhóm khác. Đây lại là lứa tuổi rất khó cai nghiện.
Theo Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, tỉ lệ sử dụng smartphone ở trẻ có độ tuổi từ 6-19 đã tăng gấp 3 lần lên tới 65% vào năm ngoái (so với năm 2011). Trong đó, tỉ lệ nghiện smartphone ở giới teen Hàn Quốc là 18%, hơn gấp đôi tỉ lệ nghiện ở người lớn (9,1%). Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ có 37% giới teen ở Mỹ là có smartphone (năm 2012).
Không chỉ ở Hàn Quốc, tình trạng này cũng đang diễn ra ở những nơi phát triển mạnh về công nghệ như Nhật và Đài Loan (dù vấn đề không nghiêm trọng như ở Hàn Quốc). Một khảo sát tại Nhật cho thấy, tỉ lệ sử dụng smartphone ở các nữ sinh trung học đã tăng gấp 3 lần vào năm 2012.
Theo giới chuyên gia, chứng nghiện smartphone không chỉ khiến cho học sinh, sinh viên xao nhãng việc học mà còn khiến cho kỹ năng giao tiếp ở những học sinh này trở nên rất tệ. Bà Setsuko Tamura, Giáo sư Tâm lý ứng dụng tại Đại học Tokyo Seitoku ở Nhật, cho biết học sinh ngày nay cực kỳ tệ trong việc đọc những biểu hiện, sắc thái trên gương mặt người đối diện. “Khi dành nhiều thời gian hơn để gửi tin nhắn cho người khác thay vì nói chuyện với họ, bạn sẽ không biết cách đọc ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ cử chỉ”, bà giải thích.
Tại Đài Loan, việc cứ liên tục check mail hay lên các trang mạng xã hội đã tạo ra một hiện tượng mới được gọi là “bộ lạc của những cái đầu cúi xuống”. Một khảo sát của Trung tâm Thông tin mạng Đài Loan cho thấy số người truy cập internet qua laptop, máy tính bảng hay smartphone trong 6 tháng qua đã tăng gấp đôi, đạt tới 5,35 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tình hình ở Hàn Quốc trở nên nghiêm trọng đến nỗi giờ đây giáo viên tại các trường học cứ đến giờ học là tịch thu thiết bị di động của học sinh. Tuy nhiên, việc làm này cũng không có tác dụng gì nhiều. Vì “một số học sinh giấu di động và sử dụng chúng trong suốt giờ giải lao thậm chí lén sử dụng ngay trong giờ học”, Lee Kyoung-shin, một giáo viên trung học tại Incheon (phía Tây thủ đô Seoul), cho biết.
Theo Giáo sư Tamura, Đại học Tokyo Seitoku, đối với giới trẻ, smartphone thường là tài sản quan trọng nhất. “Nó tượng trưng cho mối liên hệ giữa chúng với bạn bè. Không xài smartphone có nghĩa là chúng tách biệt khỏi nhóm bạn của mình. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy mấy đứa trẻ luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn mỗi khi trả lời tin nhắn của bạn bè”, bà nói.
Một vấn nạn phát sinh là học sinh tại các trường học ở Hàn Quốc luôn muốn trội hơn người khác (về smartphone) và đã có nhiều trường hợp học sinh hành xử theo lối côn đồ. Những ai sở hữu chiếc smartphone đời mới nhất được xem là vua còn ai chỉ có những mẫu cũ hơn thì bị xem là nô lệ. Một hệ quả là “tình trạng ăn cắp vặt xảy ra rất thường xuyên”, Kim Hoi-kyung, giám thị một trường học tại Văn phòng Giáo dục thành phố Seoul, cho biết.
Tháng 6 vừa qua, Văn phòng Giáo dục đã quyết định cấp 20 triệu won (17.830 USD) cho mỗi trường học trong năm nay để giúp giáo viên trả cho những chiếc điện thoại bị mất khi họ giữ hộ.
Chính phủ Hàn Quốc cũng xem việc giải quyết chứng nghiện smartphone là chuyện không thể lơ là. Hồi đầu tháng 7.2013, Chính phủ nước này cho biết sẽ tung ra các chương trình tư vấn trên toàn quốc dành cho giới trẻ vào cuối năm nay và huấn luyện giáo viên cách ứng xử với những học sinh bị nghiện smartphone.
Tuy nhiên, có chữa nghiện được hay không phần lớn tùy vào bản thân của người nghiện, tức họ có quyết tâm cai nghiện hay không. Cô nữ sinh trung học Lee Yun-soo đã tìm ra cách để không bị phân tâm trong những lúc học thi: Cô lấy SIM trong điện thoại smartphone ra và gắn vào chiếc điện thoại cũ không kết nối internet. Nhưng không phải ai cũng quyết tâm như cô.