Được thăng hay bị giáng?

THỤY LÂM| 21/05/2010 07:02

Sự bất đồng về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn tiếp diễn ra sau khi Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp công bố báo cáo vi phạm toàn cầu vào ngày 11/5 vừa qua.

Được thăng hay bị giáng?

Sự bất đồng về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) tại Việt Nam vẫn tiếp diễn ra sau khi Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) công bố báo cáo vi phạm toàn cầu vào ngày 11/5 vừa qua. Tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam được BSA công bố là 85%, không thay đổi gì trong suốt ba năm liền.

Đầu tư tăng, vi phạm không giảm

Năm 2009, tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam vẫn được BSA công bố là 85%, không tăng thêm và cũng không giảm đi so với hai năm 2008 và 2007. Tuy nhiên, về giá trị đầu tư vào BQPM của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thì tăng lên rõ rệt: Năm 2009 đạt 62 triệu USD, trong khi năm 2008 là 45 triệu USD. Như vậy, xét về giá trị đầu tư năm 2009 đã tăng hơn năm trước đó không hề ít, đạt 17 triệu USD, tương đương 37,7%. Một tín hiệu cải thiện rõ rệt và khả quan.

Có hơn 30 trong số 111 quốc gia được BSA và IDC điều tra thể hiện qua báo cáo vẫn giậm chân tại chỗ về tỷ lệ vi phạm như Việt Nam, bên cạnh 49 quốc gia giảm và 18 quốc gia tăng. Tỷ lệ vi phạm BQPM trên toàn cầu tăng lên 43% trong năm 2009, nghĩa là cao hơn 2% so với năm trước đó, tương ứng với giá trị tổng thiệt hại lên đến 51,4 tỷ USD.

Vấn đề đặt ra từ phía không đồng tình với số liệu công bố của BSA là: Với sự gia tăng mạnh về giá trị đầu tư vào BQPM như vậy tại sao lại vẫn không cải thiện được tỷ lệ vi phạm BQPM? Từ đó, phía này cho rằng cuộc điều tra của BSA và IDC không khách quan, tính toán có nhiều chỗ đáng ngờ...

Phía BSA lý giải rằng, dù tăng về giá trị đầu tư vào bản quyền, nhưng giá trị thiệt hại từ tình trạng vi phạm BQPM tại Việt Nam cũng tăng đáng kể, năm 2009 lên đến 353 triệu USD so với 257 triệu USD năm 2008, cũng tăng đến 37,3%, đứng thứ 24 trong số 30 quốc gia có giá trị vi phạm BQPM cao nhất, và đứng thứ 11 về tốc độ tăng giá trị vi phạm. Cần biết rằng, nếu tính về giá trị vi phạm BQPM tại Việt Nam theo báo cáo của BSA, thì tốc độ tăng của năm 2009 so với năm 2008 còn cao hơn mức tăng của năm 2008 so với 2007 (30%).

Thất vọng vì quá kỳ vọng?

Mặc dù công bố Việt Nam không cải thiện về tỷ lệ vi phạm, nhưng nhận định từ đại diện BSA cho rằng: “Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chống vi phạm BQPM trong khối doanh nghiệp, chính phủ cũng như trong so sánh với các nền kinh tế khác”. Nhận định này, theo một số ý kiến, còn ngầm ý xoa dịu sau khi dư luận trong nước không đồng tình, thậm chí bất bình với tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam do BSA đưa ra. BSA là một tổ chức quốc tế, đại diện cho quyền lợi của các nhà sản xuất phần mềm trên thế giới. Từ khi BSA đặt chân đến Việt Nam và đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ ngành, cơ quan tăng cường điều tra, phát hiện, xử lý nhằm chống vi phạm BQPM, tỷ lệ vi phạm đã giảm xuống từ mức trên 90% cách đây nhiều năm.

Mỗi cuộc khảo sát, điều tra đều dựa trên một phương pháp luận nhất định, và có cách thu thập thông tin, số liệu không hoàn toàn trùng lắp với các cuộc điều tra khác, của những tổ chức khác. Nhưng không vì thế, những kết quả điều tra đó kém tính tin cậy. Song, cũng không có nghĩa, khi số liệu từ báo cáo điều tra công bố cũng giống như một sự phán xử bất di bất dịch về tình trạng vi phạm BQPM. Cũng có những cuộc khảo sát cách thu thập thông tin, dữ liệu và phương pháp tính toán có phiến diện, dẫn đến kết quả lệch lạc, sai biệt quá lớn...

Tuy nhiên, ngay cả luồng ý kiến phản bác con số BSA và IDC đưa ra, cũng chưa có những phân tích thật sự thấu đáo và thuyết phục để bác bỏ. Chưa làm nghiên cứu điều tra về lĩnh vực này, thì cũng khó mà tìm ra vấn đề hay nguyên nhân một cách chân tơ kẽ tóc! Có một điều, con số 95% trước đây hay 85% năm 2009 do BSA công bố, gây nên sự không đồng tình, cho thấy có hai góc độ đáng suy ngẫm: Thứ nhất là có tâm lý quá câu nệ, phụ thuộc vào tỷ lệ vi phạm để nhìn nhận sự tuân thủ BQPM tại Việt Nam, do đó dễ nảy sinh tâm lý khó chịu, bực bội khi thấy tỷ lệ vi phạm tại Việt Nam được BSA cho biết vẫn ở mức cao của toàn cầu.

Thứ hai, có không ít người đã đặt sự kỳ vọng quá lớn vào mức độ cải thiện về vi phạm BQPM, vì thế sau khi BSA công bố con số vẫn không thay đổi, thì hóa ra thất vọng, và quay ra cho rằng kết quả của BSA và IDC là đáng ngờ. Trên thực tế, hoàn toàn xảy ra trường hợp, giá trị đầu tư vào BQPM tăng lên rất nhiều lần nhưng tỷ lệ vẫn không thay đổi, giá giá trị vi phạm cũng tăng lên tương ứng hoặc hơn.

Nhưng từ sự tranh cãi này có một luồng dư luận lớn ngờ vực việc điều tra, thống kê và công bố số liệu của BSA và IDC, cho rằng hai bên này cùng “bắt tay” với nhau kìm con số tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam lại để qua đó thúc đẩy phía Việt Nam phải kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm ráo riết hơn. Một khi đã có sự nghi ngờ như thế là không tin nhau rồi. Vậy thiết nghĩ, phía Việt Nam có thể nghiên cứu để tìm ra các điểm mấu chốt bất hợp lý của BSA và IDC để phản bác, yêu cầu chỉnh sửa. Hoặc nếu không, hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc điều tra nghiên cứu riêng, hình thành một chỉ số đo đếm riêng. Bởi vì, nếu cứ tranh cãi như hiện nay, chưa chắc đã đi tới đâu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Được thăng hay bị giáng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO