“Dây” không được xa “cột”

THỤY LÂM| 16/04/2010 09:51

Cuộc chiến dây - cột” đã có một hướng mở khi Thủ tướng vừa có Chỉ thị 422 CT-TTg về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông.

“Dây” không được xa “cột”

“Cuộc chiến dây - cột” đã có một hướng mở ra khi Thủ tướng vừa có Chỉ thị 422 CT-TTg về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải phối hợp với các doanh nghiệp (DN) viễn thông bàn phương án sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật điện lực, đặc biệt là hệ thống cột điện với giá thuê trên cơ sở giá thành, hợp tác cùng phát triển vì lợi ích cộng đồng.

Phải dùng chung hạ tầng

Để có được chỉ thị này, “cuộc chiến dây - cột” đã trải qua ba năm tranh cãi gay gắt không ai chịu ai, mà trong đó chủ lực của hai bên là EVN và VNPT - tập đoàn lớn nhất trong số các DN viễn thông Việt Nam hiện nay. EVN cứ khăng khăng đòi giá cao, còn phía các DN viễn thông thì bất bình vì cho là đang bị EVN áp mức giá “cắt cổ”.

Dùng chung hạ tầng là hướng dư luận ủng hộ. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến về vấn đề này. Cái lợi thì đã quá rõ: Thứ nhất là chỉ đầu tư một lần, ít tốn kém, tránh được lãng phí. Thứ hai là tránh được tình trạng nhà nhà trồng cột với kích thước từ 8m-12m cao tua tủa chĩa lên trời gây mất mỹ quan và choán không gian. Thứ ba, một khi nhà nhà trồng cột thì theo các chuẩn khác nhau thiếu đồng nhất. Nhưng chung quy lại, nếu mạnh ai nấy trồng cột thì lợi ích quốc gia bị xem nhẹ, nhường chỗ cho những lợi ích cục bộ của từng tập đoàn, DN. Dùng hạ tầng chung không chỉ tiết kiệm cho quốc gia, mà còn góp phần tạo bộ mặt đô thị gọn gàng, chỉnh chu.

Mức giá thuê cột điện giữa EVN đưa ra và VNPT đề xuất có sự chênh lệch lớn. VNPT đề xuất: Cột cao dưới 8,5m giá sàn thuê 4.845 đồng/cột/tháng, tăng 38% so với giá trước đó nhưng chỉ bằng 24% so với mức giá EVN đòi hỏi.

Cột cao từ 8,5 - 10,5m giá sàn thuê 6.576 đồng/cột/tháng và tỷ lệ tăng giá tương ứng là 13% và 23%. Cột cao từ 10,5 - 12,5m VNPT đề nghị mức giá thuê 9.856 đồng/cột/tháng, tương ứng tỷ lệ tăng 64% và 20%.

Cột cao trên 12,5m VNPT đề xuất như giá cũ (27.500 đồng) trong khi mức giá tăng của EVN là 109.327 đồng/cột/tháng.

Một khi Thủ tướng đã quyết, buộc các bên phải ngồi lại với nhau, cùng với sự tham gia của các bộ ngành liên quan, sẽ tạo ra sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, không chỉ trong vấn đề “dây-cột” mà còn có thể áp dụng cho các vấn đề, lĩnh vực khác sau này. Các tập đoàn là những “anh cả đỏ” nắm giữ nhiều lĩnh vực, ngành xương sống của nền kinh tế. Nhưng nếu mỗi “anh” một hướng và thiếu hợp tác, thì không chỉ lợi ích quốc gia bị chia sẻ, mà cũng khó xây dựng được một nền kinh tế mạnh và tập trung.

Vẫn còn gian nan...

Chỉ thị của Thủ tướng đề cập khá rộng và giao nhiệm vụ khá rõ ràng cho các bộ ngành. Cụ thể, Bộ Tài chính chịu tránh nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ ngành ban hành cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và quản lý giá thuê hạ tầng kỹ thuật công cộng. Đây chính là vấn đề mấu chốt trong “cuộc chiến dây-cột”giữa EVN và các DN viễn thông. Chắc chắn trong quá trình bàn thảo về khung giá, sẽ còn xảy ra tình trạng “cò kè bớt một thêm hai” không bên nào chịu bên nào.

Một mức giá hợp lý để khai thác hạ tầng chung lâu dài là hướng đi đúng đắn nhất cho cả các bên. EVN và VNPT cùng nhiều DN viễn thông khác, đều là DN nhà nước và xuất thân từ DN nhà nước, đồng vốn, tài sản nhà nước giao cho để kinh doanh cũng là tiền của dân, nhưng rất ít khi nghe nhắc đến, song cứ hễ đụng chuyện thì lại đưa ra lập luận là đồng vốn, tài sản “của mình”, “của chúng tôi” và quên đi lợi ích của người dân. Bởi nếu giá cho thuê cột điện ở mức “cắt cổ”, thì các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ “chặt” lại trong mức giá dịch vụ cung cấp cho người dân. Điều này các bộ ngành chắc chắn đã thấy rõ, để cầm cương một cách khách quan và kiên định, không để cho các lợi ích cục bộ tác động làm thiên lệch.

Với chỉ thị dùng chung hạ tầng, hơn 191.000 cột điện trên toàn quốc mà hầu hết là của EVN sẽ được dùng chung, nhưng không thể bị biến thành “của chung không ai khóc”. Một cơ chế khai thác, sử dụng và bảo quản hạ tầng dùng chung như thế nào, cụ thể là cột điện, cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.

Thủ tướng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ ngành ban hành hướng dẫn quy hoạch, thiết kế, thi công hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đưa vào chuẩn mực để không chỉ an toàn mà còn phải tinh tươm đẹp mắt. Cột điện dùng chung cũng phải được các bên khai thác chung tay giữ gìn, tôn tạo. Một vấn đề nữa không kém quan trọng, đó là cần có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi khai thác, sử dụng hạ tầng kỹ thuật dùng chung một cách bừa bãi, không tuân thủ các qui định về an toàn và thẩm mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Dây” không được xa “cột”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO