Cuộc đua chip trong "thế giới thực tế ảo"

QUANG KHẢI| 27/05/2016 06:51

Công nghệ kính thực tế ảo đang trở thành một xu hướng mới trong ngành giải trí kỹ thuật số.

Cuộc đua chip trong

Sau máy tính và điện thoại di động, các nhà sản xuất chip đang đối mặt với sự trỗi dậy của các thiết bị thực tế ảo. Công nghệ kính thực tế ảo đang trở thành một xu hướng mới trong ngành giải trí kỹ thuật số.

Đọc E-paper

Hàng triệu người sẽ mua thiết bị đeo thực tế ảo (VR headset) trong những năm tới để chơi game và xem nội dung 3D, điều này có thể châm ngòi một cuộc "chiến tranh" cung cấp chip cho thiết bị thực tế ảo giữa các nhà sản xuất chip.

Gartner dự báo, lô hàng VR headset sẽ đạt 1,4 triệu chiếc trong năm 2016, tăng từ 140.000 chiếc trong năm 2015. Đà tăng trưởng sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng và đạt đến 6,3 triệu chiếc vào năm 2017.

Cùng với đó, các game thủ cũng đặt nhiều kỳ vọng khi VR có nhiều yếu tố làm nên cuộc cách mạng về trải nghiệm trò chơi. Nhưng một vấn đề mới bắt đầu nảy sinh khi yêu cầu về phần cứng đã bị đẩy cao hơn rất nhiều để đạt được đúng trải nghiệm kỹ thuật.

Một số VR headset được công bố tại Hội nghị Các nhà phát triển game tại San Francisco, Mỹ là bản chạy trên máy tính, và người dùng cần phải được kết nối với máy tính có card đồ họa mạnh, tương tự như Oculus Rift.

Các thiết bị thực tế ảo được thiết kế để chơi game, bước vào thế giới 3D, là một điển hình cho công nghệ đồ họa của các nhà sản xuất chip như AMD và Qualcomm, bên cạnh Intel, Nvidia. Không như trước đây, cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất chip thường chỉ là sức mạnh CPU, chip cho các thiết bị thực tế ảo phải khác vì nó nhấn mạnh hiệu năng đồ họa GPU nhiều hơn, rất quan trọng cho việc render video 4K và các nội dung 3D.

Headset Sulon Q được giới thiệu gần đây là một máy tính thực thụ chứa trong một thiết bị đeo và nó chạy trên chip có tên mã là Carrizo của AMD. Headset này tương tự như HoloLens của Microsoft, nó cho phép người dùng tương tác với các đối tượng 3D thể hiện ở dạng hình ảnh nổi. Thiết bị có một màn hình OLED 2.560 x 1.440 và một bộ xử lý đồ họa có thể chạy các trò chơi cao cấp.

Nhưng với các thành phần máy tính gán ghép vào headset thì câu hỏi đặt ra là liệu nó có nóng lên và gây khó chịu khi sử dụng không? Chip Carrizo bao gồm một phiên bản rút gọn của dòng GPU Radeon hiệu năng cao được sử dụng trong máy tính để bàn kết nối với thiết bị đeo Oculus Rift VR. AMD tin rằng VR headset sẽ cần bộ xử lý đồ họa tích hợp mạnh mẽ để cho hình ảnh sống động như thật và tốc độ khung hình cao.

So sánh với HoloLens của Microsoft, kính được tích hợp chip Cherry Trail điện năng thấp của Intel vốn được thiết kế cho máy tính bảng. GPU của Cherry Trail không mạnh như GPU AMD trong Sulon Q, nhưng đem lại cho HoloLens thời lượng pin dài hơn. HoloLens tập trung nhiều vào thế giới thực tại ảo hơn là vào chơi game cao cấp.

Chip Snapdragon 820 của Qualcomm sử dụng trên các smartphone cao cấp mới ra mắt gần đây cũng đã hiện diện trên các VR headset. Một VR headset đến từ Trung Quốc, Goertek, là một trong những thiết bị VR đầu tiên dùng chip Snapdragron 820, có khả năng trình chiếu video 4K và video tương tác 360 độ.

"Một số thiết bị VR khác sử dụng Snapdragon 820 sẽ được công bố vào cuối năm nay", Tim Leland, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Qualcomm, tiết lộ.

"Hiện tại, hầu hết các chip cho VR headset được chuyển thể từ chip di động hoặc máy tính. Nhưng nếu VR headset đạt số lượng sản xuất hàng chục triệu đơn vị, Intel, AMD và Qualcomm có thể sẽ phát triển các phiên bản chip chuyên dụng riêng cho VR", Nathan Brookwood, nhà phân tích của Insight 64 cho biết.

Ấn tượng đầu tiên về Samsung Gear VR là kiểu dáng đẹp mắt và hiện đại. Đặc biệt, việc điều khiển rất thuận tiện nhờ tích hợp sẵn touchpad cảm ứng, nút điều chỉnh âm lượng, Gear VR có thêm cổng micro USB để kết nối với smartphone, tự động kích hoạt phần mềm tối ưu cho trải nghiệm thực tế ảo.

Ngoài chơi game và xem phim, Gear VR còn có tính năng passthrough, cho phép nhìn xuyên qua kính bằng camera của điện thoại được kết nối, cảm giác rất giống với chiếc kính HoloLens hay Google Glass. Trong tương lai, những game tăng cường thực tế ảo chắc chắn sẽ tận dụng tối đa tính năng này để người dùng có thể biến căn phòng của mình thành một môi trường tương tác trong thế giới ảo.

Tuy nhiên, Gear VR mới giới hạn nội dung trong Oculus store. Người dùng sẽ không thể sử dụng các ứng dụng ngoài kho ứng dụng này, kể cả ứng dụng tải về từ Google Play.

Sau nhiều phiên bản thử nghiệm, cuối cùng, HTC cũng chính thức bán ra chiếc kính thực tế ảo Vive. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa hãng điện thoại Đài Loan với Valve có trụ sở tại Mỹ. Máy được phát triển dựa trên công nghệ Steam VR của Valve, tập trung trải nghiệm thực tế ảo cho các games thủ.

Khác với những bản thử nghiệm trước đây trên phiên bản thương mại, HTC Vive đã hoàn thiện và chắc chắn hơn rất nhiều. Kích thước của sản phẩm cũng nhỏ và gọn nhẹ hơn trước. Mặt trước của kính ngoài các cảm biến còn được HTC trang bị thêm một camera với chức năng ghi nhận hình ảnh của môi trường xung quanh cần cho việc di chuyển khi chơi game.

Trong bộ sản phẩm HTC Vive, ngoài kính thực tế ảo còn kèm thêm hai tay cầm điều khiển dùng để tương tác cùng nội dung trong không gian thực tế ảo và hai cảm biến ghi nhận cử động của người dùng. Hiện tại, chưa có thông tin HTC sẽ phân phối sản phẩm này tại thị trường Việt Nam, giá bán sản phẩm tại nước ngoài là 800USD, tương đương khoảng 17,8 triệu đồng.

>Kính thực tế ảo Gear VR của Samsung

>Kỳ vọng tại Google I/O 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đua chip trong "thế giới thực tế ảo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO