Cầm cự

THỤY LÂM| 11/12/2009 08:44

Chưa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế thì chênh lệch tỷ giá lại gây sức ép lớn cho thị trường công nghệ cuối năm. Không chỉ các nhà bán lẻ lo lắng mà nhiều nhà phân phối lớn cũng trong tình cảnh cầm cự...

Cầm cự

Chưa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế thì chênh lệch tỷ giá lại gây sức ép lớn cho thị trường công nghệ cuối năm. Không chỉ các nhà bán lẻ lo lắng mà nhiều nhà phân phối lớn cũng trong tình cảnh cầm cự...

Linh kiện máy tính, hầu hết được nhập khẩu bằng đồng USD, là một trong số các loại mặt hàng nhập khẩu “tiên phong” tăng giá. Giá màn hình LCD, RAM... tăng từ 20% trở lên, thậm chí giá RAM tăng gần gấp đôi. Hàng điện thoại di động xách tay cao cấp như BlackBerry, HTC, iPhone... tăng từ 5 - 20%. Máy ảnh số, máy tính xách tay cũng nhích nhẹ.

Các nhà phân phối và bán lẻ đang cố giữ giá để duy trì sức mua dịp cuối năm. Ảnh chụp tại của hàng Phong Vũ, Q.3, TP.HCM - Ảnh Quý Hòa

Tuy nhiên, các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ lớn ở nhiều ngành hàng vẫn đang cố gắng cầm cự với tỷ giá để giữ thị trường. Về nguyên tắc, doanh nghiệp có toàn quyền định đoạt giá bán hàng nhưng theo giám đốc một doanh nghiệp: “Hàng hóa sau khi tăng giá có bán được như trước đó hay không mới là quan trọng. Vì thế, việc định giá bán sản phẩm ngày nay hoàn toàn phải tham chiếu từ mặt bằng giá của thị trường. Như vậy thực ra doanh nghiệp không có quyền tự định đoạt giá”.

Thông thường vào tháng 12, các sản phẩm công nghệ thông tin - viễn thông, đặc biệt là điện thoại di động, lượng bán ra thường tăng khoảng 30% so với tháng 11; tháng 1 tăng khoảng 20% so với tháng 12. Nhưng năm nay, tình hình không giống như mọi năm, vào cuối tháng 11 đã bắt đầu có sự đình trệ. Cùng với khủng hoảng kinh tế, thị trường hàng công nghệ đang thể hiện rất rõ hai mặt trong bối cảnh đợt tăng giá của đồng USD. Mặt không vui là nhiều mặt hàng đã tăng giá... Mặt tích cực đang được một số doanh nghiệp lớn vận dụng chính là chính sách kìm giữ giá, lấy nguồn kinh phí khác bù vào.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, khi tỷ giá USD - VND tăng như hiện nay, các doanh nghiệp không tăng giá các mặt hàng điện tử thì tất yếu phải hy sinh một phần lợi nhuận đạt được. “Thị trường hàng điện tử mới bắt đầu có dấu hiệu tăng, muốn giữ được quán tính tiêu dùng hiện nay của người tiêu dùng chúng tôi phải giữ giá”, ông Đạo nói. Triết lý này cũng đang được những nhà bán lẻ điện thoại di động như Viễn Thông A, Thế Giới Di Động vận dụng. Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh của Thế Giới Di Động, cho biết: “Tỷ giá USD - VND đang chênh lệch khoảng từ 5 - 7% thì các nhà phân phối vẫn còn chịu được, và họ còn có thể hỗ trợ cho nhà bán lẻ.

Thị trường điện thoại di động từ cuối tháng 10 tới nay có dấu hiệu sụt giảm từ 20 - 30%, nếu lại tăng giá bán, e rằng thị trường sẽ sụt giảm nặng nề hơn”. Áp lực lớn nhất của đợt tăng tỷ giá cuối cùng là đè lên sức mua của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp đang kìm giữ giá bán là nhằm khoan sức mua. Giữ yên được tâm lý người tiêu dùng thì mới mong tạo ra được sự tăng trưởng, muốn vậy phải ổn định thị trường là nhiệm vụ lớn nhất lúc này.

Xét trên bình diện chung, ngành hàng công nghệ cao cũng chỉ là một phần của thị trường. Thị trường nói chung muốn ổn định cần có sự góp sức của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành. Ở cấp độ vĩ mô, nhà nước đã có những biện pháp nhằm giảm bớt độ nóng của thị trường ngoại hối, nhằm tăng nguồn cung ngoại tệ. Song mỗi doanh nghiệp có sức chịu đựng khác nhau, do đó sẽ có những phương án xử lý giá sản phẩm khác nhau. Ông Đinh Anh Huân cho biết: “Nếu tỷ giá USD - VND tăng mạnh từ 10% trở lên thì ngay cả có sự hỗ trợ mạnh của nhà phân phối chúng tôi cũng khó có thể không tăng giá bán”.

Thực tế này luôn là nỗi lo thường trực và cũng là bài toán thường xuyên được các doanh nghiệp quan tâm tìm lời giải. Doanh nghiệp đã suy đi thì người tiêu dùng cũng tính lại. Dịp cuối năm đang đến, theo tính mùa vụ, đây là thời điểm người tiêu dùng mở hầu bao rộng hơn. Nhưng nếu hàng hóa tăng giá mạnh, người tiêu dùng không thể vẫn vung tay được như khi thị trường ổn định. Thế cuộc cầm cự với giá, đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, chả khác gì một cuộc chiến. Chỉ khác là cuộc chiến này không có đối thủ, mà chỉ có nạn nhân. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng là nạn nhân của tình trạng tỷ giá tăng nóng, mà hậu quả có thể là lạm phát gia tăng ngăn trở tiêu dùng, ảnh hưởng đến nền thương mại và sản xuất.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Huệ, Giám đốc Marketing của Công ty Phân phối CMC cho rằng, nhà phân phối không thể giảm giá khi tỷ giá USD biến động. Bởi vì hãng chỉ hỗ trợ nhà phân phối khi mua USD khó khăn hoặc tỷ giá tăng cao thông qua hình thức đẩy lùi thời gian tín dụng một vài tuần chứ không giảm giá bán. Như vậy, nếu nhà phân phối giảm giá cho nhà bán lẻ, nhà phân phối sẽ bị lỗ. Trung bình mỗi năm CMC nhập khoảng 90 triệu sản phẩm liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo đánh giá chung, tại thời điểm này, nhà phân phối thời gian gần đây rơi vào tình huống “lấy công làm lời” vì phần trăm lợi nhuận nhà phân phối thu được khi phân phối sản phẩm đã tiệm cận với phần trăm chênh lệch giữa tỷ giá USD cũ và tỷ giá USD mới. Nhiều nhà phân phối lớn phải nhập khẩu cầm chừng để nghe ngóng thị trường, dự kiến lượng sản phẩm nhập khẩu cho mùa mua sắm cuối năm cũng không tăng so với những tháng trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cầm cự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO