Cái khó của doanh nghiệp blockchain

Mỹ Huyền| 16/08/2021 02:48

Blockchain đã trở thành một từ khóa tìm kiếm phổ biến và người ta thường gắn blockchain với tiền ảo, nhưng tiền ảo chỉ là một trong nhiều ứng dụng của công nghệ này”, ông Trần Hoàng Giang - người sáng lập akaChain trực thuộc FPT Software chia sẻ.

Cái khó của doanh nghiệp blockchain

Ưu điểm của blockchain

Blockchain có nhiều ứng dụng nhưng được nhớ nhiều nhờ tiền ảo. Một số lĩnh vực ở nước ta đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain, trong đó nổi bật là chăm sóc khách hàng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Blockchain liên kết chặt chẽ các nguồn thông tin để cho ra dịch vụ tốt hơn. Theo ông Giang, công nghệ này đảm bảo tính trung thực của dữ liệu và nâng cao mức độ tin tưởng trong chuỗi cung ứng hàng hóa. akaChain áp dụng blockchain vào quy trình, nhóm nghiệp vụ, cụ thể là giải pháp trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng của ngành tài chính - ngân hàng và bất động sản.

Theo ông Phan Phúc Thành - người sáng lập Công ty CP Đầu tư - Tiếp thị Bất động sản Việt Nam,  nhiều công ty trên thế giới đang sử dụng nền tảng blockchain chung với nhau ở quy mô thí điểm. Họ số hóa các loại giấy tờ sở hữu để tránh giấy tờ giả, giúp cho việc kiểm tra và thanh khoản trở nên dễ dàng hơn.  

Tại Công ty Bất động sản Việt Nam, blockchain giúp triển khai các giải pháp trên nền tảng xử lý dữ liệu tập trung (Centralized Data) như Big Data, AI, KYC, IOT cùng với dữ liệu phân tán (Decentralized Data). Nhờ vậy, hệ thống tương tác minh bạch và công khai từ dữ liệu được chia sẻ cho bất cứ ai cần. Bên cạnh đó, công nghệ này giúp công ty “chạm được” đối tượng khách hàng nước ngoài.

Khó khăn của doanh nghiệp blockchain

Theo khảo sát của công ty chuyên về kế toán, kiểm toán Deloitte, 53% doanh nghiệp (DN) trên thế giới nhận định blockchain là công nghệ ưu tiên khi chuyển đổi số. Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng hệ thống blockchain. Ông Giang cho hay, đối với akaChain, khó khăn lớn nhất là đào tạo nhân sự sử dụng thành thạo công nghệ blockchain trong công việc. Còn theo ông Thành thì kỹ sư am hiểu và ứng dụng công nghệ blockchain thuần thục rất khan hiếm. 

Chi phí để viết một ứng dụng công nghệ blockchain thường có giá cao gấp 5-10 lần so với một ứng dụng truyền thống. Trung bình một ứng dụng blockchain có giá từ 15.000-60.000 USD. Mặt khác, một số DN cho rằng luật lệ về việc ứng dụng blockchain ở nước ta vẫn chưa rõ ràng. Theo ông Thành, hầu hết hoạt động trong nền kinh tế hiện nay đều dựa trên mô hình tập trung và cần có trung gian xác thực. Hành lang pháp lý đã được tạo ra để duy trì và bảo vệ sự ổn định của mô hình tập trung. Ngược lại, blockchain lại dựa trên mô hình phi tập trung. Giao dịch trong blockchain không bắt buộc qua trung gian xác nhận của một tổ chức nhà nước, nên DN sẽ phải đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn chưa thật sự tin tưởng vào công nghệ mới mẻ này, do có những kẻ xấu lợi dụng blockchain lừa người dùng để huy động vốn trái phép, thậm chí lừa đảo các nhà đầu tư. Phổ biến hơn, một số kẻ lại dùng blockchain để kinh doanh cờ bạc hay giao dịch ngầm. 

Ông Giang cho biết thêm, vướng mắc về pháp lý xảy ra phổ biến với những công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính hoặc ứng dụng blockchain vào tiền ảo, còn ứng dụng mô hình blockchain cho DN, như akaChain thì ít gặp trở ngại. Để blockchain được ứng dụng sâu rộng và tạo ra nhiều tác động tích cực hơn nữa thì DN blockchain vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trước mắt, các công ty blockchain cần không gian và phạm vi thí điểm ý tưởng ứng dụng blockchain. DN blockchain cần Nhà nước có chính sách và tạo hành lang pháp lý để ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng hàng hóa hay xuất khẩu. Theo ông Phan Phúc Thành, khi chưa được hành lang pháp lý hỗ trợ, DN blockchain phải ra nước ngoài thành lập công ty, vì nếu ở Việt Nam thì họ chỉ triển khai ứng dụng blockchain kiểu nửa vời, chẳng hạn như chỉ sử dụng phần nào an toàn về tính pháp lý, còn phần nào cảm thấy chưa an toàn thì tạm để đó.  

Doanh nghiệp nào cần ứng dụng blockchain?

Theo TechFunnel - một trang web truyền thông công nghệ nổi tiếng, nhiều công ty đang phân vân có nên chọn công nghệ blockchain trong kinh doanh hay không. Nếu blockchain giải quyết được điểm yếu của DN thì hãy triển khai. Một số nền tảng blockchain sẵn có sẽ giúp DN xây dựng công nghệ số, bao gồm Ethereum, Quorum, Stellar và OpenChain... nhưng DN cần tìm hiểu nền tảng nào phù hợp bằng cách xem xét tính chất riêng của từng nền tảng. Các yếu tố phân tích bao gồm cơ sở vật chất của nền tảng công nghệ, chất lượng và mối liên hệ cùng các nền tảng khác. Sau khi DN xây dựng một khối (block) thì sẽ thành lập mạng lưới và hệ sinh thái để kinh doanh cùng các DN khác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cái khó của doanh nghiệp blockchain
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO