3G - một câu hỏi

HÀ CÚC| 09/10/2009 08:31

VinaPhone đã chính thức khởi động dịch vụ cao cấp 3G, mở màn một cuộc đua mới, dù chỉ là khẳng định ưu thế của thương hiệu và công nghệ của những nhà mạng lớn

3G - một câu hỏi

VinaPhone đã chính thức khởi động dịch vụ cao cấp 3G, mở màn một cuộc đua mới, dù chỉ là khẳng định ưu thế của thương hiệu và công nghệ của những nhà mạng lớn. Tuy nhiên, thị trường di động hiện tại không hẳn đã thay đổi cục diện vì sự hấp dẫn của 3G chưa thực sự rõ ràng.

Theo đánh giá của các chuyên gia về viễn thông, trong việc triển khai 3G, MobiFone và Viettel chiếm ưu thế bởi kinh nghiệm triển khai 2G thành công, cũng như kinh nghiệm triển khai công nghệ mới nhất cho việc cải tiến chất lượng dịch vụ mà hai mạng di động này đã từng áp dụng trước đây. Tuy nhiên, VinaPhone đã trở thành DN đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G kéo theo một loạt quảng cáo rầm rộ khẳng định ưu thế của nhà mạng này. 3G có thể đem lại cho VinaPhone một hình ảnh nhãn hiệu và vị trí mới mà nhiều năm qua nhà mạng này đã để lọt vào tay các đối thủ.

Theo dự báo của các chuyên gia, cuối năm 2010, VN sẽ có khoảng 5 triệu thuê bao 3G, trong đó ba mạng trên sẽ chiếm số lượng áp đảo. Câu chuyện sóng 3G nuốt sóng 2G cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ngày càng được nhiều người nhắc đến. Cùng với sự xuất hiện của 3G, cơ hội của các mạng di động nhỏ đang ngày càng ít đi. Trong khi đó, các DN lớn lại đang tạo ra chiếc bánh thị trường to hơn để phát triển.

Các mạng Vietnamobile, EVN Telecom và Beeline đang tranh thủ tung ra những đợt khuyến mãi rầm rộ khi các nhà mạng lớn chuẩn bị cho 3G. Nhiều đánh giá trước đây cho rằng, sau khi thành công trong cuộc đua đến giấy phép 3G, các mạng di động lớn sẽ nhường sân cho các mạng di động nhỏ. Tuy nhiên, từ tháng 7/2009, các mạng di động lớn bắt đầu liên tục khuyến mãi lớn và dồn các mạng nhỏ vào thế yếu. Tiếp sau đó, Viettel, MobiFone và VinaPhone tiếp tục dịch vụ nội dung mới như đọc báo mobile, tìm địa điểm dịch vụ... Viettel còn tung ra hơn 25 tỷ đồng tặng khách hàng để kích cầu, gia tăng thời lượng cuộc gọi thông qua chương trình miễn phí cuộc gọi, tri ân khách hàng trên toàn quốc...
Trong khi đó, cuộc đua

3G chưa dừng lại, mặc dù trên lý thuyết, trước mắt đây chỉ là cuộc đua để khẳng định ưu thế và thương hiệu. Viettel cam kết sẽ phủ sóng 3G 86,32% dân số ngay đầu năm 2010. MobiFone sẽ phủ sóng 3G tới 100% đô thị và tiến hành cung cấp dịch vụ đầu tiên trong vòng ba tháng sau khi được cấp phép; sau ba năm, 98% dân cư cả nước sẽ được phủ sóng.

Ông Võ Việt Anh, đại diện của France Telecom, một nhà cung cấp dịch vụ 3G của Pháp, khẳng định việc phát triển từ công nghệ 2G lên 3G có khả năng thành công nhiều hơn và ít tốn kém hơn trường hợp bỏ qua 2G. Việc chuyển đổi này giúp tiết kiệm được 30% chi phí đầu tư vì tận dụng lại được mạng lõi, trạm phủ sóng...

Vấn đề cốt lõi để 3G thành công là: nội dung dịch vụ, chất lượng, chi phí và sự dễ dàng trong sử dụng, phong phú về thiết bị đầu cuối. Nếu đi từ 2G lên 3G, cơ hội phát triển lớn hơn rất nhiều. Marc Daniel Einstein, Trưởng nhóm nghiên cứu mạng viễn thông không dây của Sullivan, cũng nhận định: “Nghiên cứu thị trường VN, tôi thấy khả năng tăng trưởng với 3G rất lớn vì hiện tại mới có 2% người sử dụng băng rộng trên tổng số 40% dân số dùng di động. Tuy nhiên, chuyên gia đến từ Sullivan cũng cảnh báo, theo những phân tích từ kinh nghiệm thế giới, trong hai năm đầu sẽ không có quá 8% người sử dụng chuyển đổi sang 3G. DN cũng sẽ phải đối mặt với khả năng sụt giảm doanh số trung bình trên một thuê bao. Bởi vì không giống như 2G ở hiện tại, các khách hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ 3G đều là những khách hàng cao cấp và đòi hỏi chất lượng dịch vụ ở mức rất cao.

Cơ hội cho dịch vụ 3G gia tăng giá trị còn khá mơ hồ. Theo tính toán chung, doanh thu trung bình hằng tháng trên mỗi thuê bao VN hiện chỉ ở mức khoảng 90.000-100.000 đồng là một khó khăn lớn đối với nhà cung cấp. Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc VinaPhone cho biết, các dịch vụ đặc thù 3G sẽ có cước riêng, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng VN. Dù tính thế nào thì rõ ràng, mức cước 3G phải bảo đảm tương đương giá cước của dịch vụ ADSL mới có thể thu hút được người dùng và cạnh tranh lẫn nhau. Ở băng tần 2G, 90% doanh thu của nhà khai thác đến từ thoại và tin nhắn, nhưng với hạ tầng mới, nội dung mới là yếu tố quyết định.

Theo dự báo của các chuyên gia, để thành công, trong năm năm đầu ra mắt dịch vụ 3G, doanh thu hằng năm từ nội dung phải đạt được ít nhất 30% và trong 10 năm là 50%. Trong khi đó, ước tính doanh thu toàn thị trường VN từ dịch vụ gia tăng nội dung trên di động năm 2009 đạt 1.000 tỷ đồng, chủ yếu từ tin nhắn quảng cáo. Điều đó cho thấy, thị trường nội dung còn mới ở bước khởi đầu. Trong khi đó, để phát triển thị trường nội dung đòi hỏi nhiều yếu tố khác ngoài vai trò của nhà cung cấp hạ tầng: cộng đồng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, thương mại điện tử... Vì vậy, doanh thu để bù đắp cho khoản đầu tư khổng lồ ban đầu cho dịch vụ 3G là một câu hỏi lớn đối với những nhà mạng chạy theo cuộc đua này. Có lẽ vì vậy, mặc dù 3G đã khởi động nhưng thị trường 2G cũng chưa hẳn đã ngã ngũ và kém sôi động trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3G - một câu hỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO