![]() |
Triển vọng của dự án này là thương mại hóa kết quả nghiên cứu thiết kế vi mạch, nhằm chế tạo các thiết bị đọc RFID ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.
Với tổng kinh phí 145,756 tỉ đồng, dự án khoa học - công nghệ “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” là một dự án công nghệ được đầu tư lớn ngang ngửa các dự án về hạ tầng và năng lượng, vốn là các ngành được xếp vào hàng “cơ bản, không thể không phát triển”. Dự án do Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thực hiện. Tham gia dự án còn có Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn và một số đại học và học viện.
Dự án công nghệ được đầu tư lớn nhất từ trước đến nay
![]() |
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Mục đích chính của Dự án là thiết kế, sản xuất thử một loạt sản phẩm, từ chip cho đến thiết bị (đầu đọc, thẻ) và hệ thống công nghệ RFID - nhận dạng bằng sóng vô tuyến. Chip sẽ được gắn lên thẻ và thẻ dán lên hàng hóa; chip sẽ phát ra sóng vô tuyến. Công nghệ này cho phép đọc thông tin từ xa, đầu đọc và thẻ không cần phải tiếp xúc với nhau; thẻ RFID cũng có thể lưu trữ thêm thông tin. RFID cho phép một thiết bị đọc thông tin được chứa trong một chip ở khoảng cách xa. Nó hiện diện trong chìa khóa xe hơi, thẻ trả phí cầu đường và có thể thay thế cho việc đánh nhãn bằng mã số kẻ vạch trên hàng hóa.
Dự án sẽ tập trung nghiên cứu 2 loại chip 32 bit (dựa trên chip VN1632 do ICDREC thiết kế trước đây); một với tần số thấp HF gắn vào các loại thẻ thanh toán, một với tần số cao UHF gắn lên hàng hóa.
Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, chủ nhiệm Dự án, cho biết trong năm đầu tiên, Dự án sẽ tập trung vào việc mua máy móc và thiết kế chip. Kinh phí cho giai đoạn này là 43 tỉ đồng. Năm thứ hai sẽ chuyển sang thiết kế đầu đọc với kinh phí vào khoảng 55 tỉ đồng. Năm thứ ba sẽ dành ra 21 tỉ để thiết kế hệ thống ứng dụng - mạng máy tính ghi nhận dữ liệu từ đầu đọc và chuyển về trung tâm xử lý, cũng như sản xuất thử và thử nghiệm với khoảng 21 tỉ đồng do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đóng góp. Năm cuối là thời gian để đánh giá toàn bộ dự án, kinh phí gần 6 tỉ đồng.
Theo ông, giá thẻ RFID vẫn còn cao, khoảng 10.000 đồng/thẻ. Đến năm 2020, giá có thể giảm xuống còn 2.000 đồng và toàn thế giới sẽ tiêu thụ đến 500 tỉ thẻ. Khi đó công nghệ RFID sẽ có thể thay thế hoàn toàn công nghệ mã vạch.
Ở Việt Nam, công nghệ RFID đã được ứng dụng trong việc quản lý sinh viên ra vào ký túc xá Đại học Bách khoa TP.HCM và quản lý sách của Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM.
Nhân dịp này chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, về tầm quan trọng của dự án này đối với ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Ông có thể cho biết chủ trương của Chính phủ về lĩnh vực sản xuất chip?
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều dự án lớn trong các khu công nghiệp và các khu công nghệ cao. Nhưng Việt Nam tham gia vào các dự án này chủ yếu là ở công đoạn cuối cùng, tức công đoạn lắp ráp và đóng gói. Giá trị gia tăng trong các sản phẩm này Việt Nam có được là vô cùng nhỏ. Và chúng ta mất rất nhiều nguồn lợi quốc gia vì chỉ làm gia công cho nước ngoài.
Hơn nữa, đối với an ninh quốc phòng, chúng ta không thể yên tâm nếu như tất cả những thiết bị điều khiển, máy chủ, tổng đài đều nhập từ nước ngoài.
Ông kỳ vọng gì vào dự án này?
Tôi chỉ kỳ vọng một điều là sản xuất được sản phẩm điện tử 100% đầu tiên của Việt Nam.
Và triển vọng của dự án này là thương mại hóa kết quả nghiên cứu của ICDREC về thiết kế vi mạch, nhằm chế tạo các thiết bị đọc RFID ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực khác nhau. Hy vọng chúng ta có thể tham gia với một tỉ trọng đáng kể vào các dự án sản xuất các thiết bị RFID. Dự đoán đến năm 2020, cả thế giới sẽ có 20 tỉ thiết bị RFID.
Tại sao chúng ta không làm các vi mạch cao cấp hơn?
Chúng ta nghe nói nhiều đến “đi tắt đón đầu”. Nhưng trong công nghiệp điện tử, chúng ta không thể không đi theo trình tự bậc thang. Chúng ta phải hiểu được khái niệm cơ bản trước khi tiến đến làm chủ những công nghệ hiện đại hay phức tạp hơn.
Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, chúng ta cần đi từ gốc là khâu thiết kế, không những thiết kế vi mạch mà còn cả các công nghệ để sản xuất các linh kiện của vi mạch. Khi làm chủ thiết kế rồi, có đủ năng lực để sản xuất các linh kiện điện tử rồi thì chúng ta mới có thể rút ngắn giai đoạn.
Khả năng ứng dụng của các sản phẩm sau khi dự án hoàn thành là như thế nào?
Khả năng là vô cùng to lớn vì đây là một sản phẩm có giá trị gia tăng rất cao và quy mô sử dụng của nó là tới từng người dân.
Ông có thể cho biết thêm về vai trò của doanh nghiệp trong các dự án khoa học, công nghệ?
Các đề tài nghiên cứu khoa học của Việt Nam thường bị cho là “chỉ xếp trong ngăn kéo, không được ứng dụng vào sản xuất”. Trên thực tế, chúng ta thiếu khâu kết nối. Trong khâu trung gian có một giai đoạn là sản xuất thử nghiệm. Sau giai đoạn này mới tới giai đoạn thương mại hóa và sản xuất trên quy mô công nghiệp.
Hiện nay, dự án của ICDREC chính là giai đoạn thứ hai của quy trình. Giai đoạn nghiên cứu đã thành công với việc công bố chip 8 bit và chip 32 bit. Về mặt lý thuyết, chúng ta đã thiết kế và chế tạo thử được chip rồi.
Dự án phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Nếu chúng ta chỉ dùng ngân sách nhà nước để nghiên cứu thì sản phẩm làm xong không có người cam kết sử dụng và chúng ta sẽ không thành công trong việc thương mại hóa.
Doanh nghiệp nào nhìn thấy lợi ích, thấy rằng sản phẩm này có lợi cho doanh nghiệp của mình, có khả năng phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa thì doanh nghiệp đó nên tham gia. Khi tin tưởng vào người thiết kế và nhà khoa học thì doanh nghiệp mới bỏ tiền đầu tư, hoàn thiện sản phẩm để có thể trở thành sản phẩm thương mại.
Tại sao chúng ta chỉ tập trung cho phần cứng mà không tiếp tục tập trung cho phần mềm?
Chúng ta có thể làm được phần mềm nhưng nếu không có phần cứng thì phải đưa phần mềm của mình vào các phần cứng của doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta không thể biết được các doanh nghiệp nước ngoài thiết kế các phần cứng ấy để ứng dụng phần mềm của mình như thế nào. Vì vậy phải làm chủ cả phần cứng lẫn phần mềm.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có cả một chương trình quốc gia dành cho phần mềm và rất nhiều doanh nghiệp phần mềm của chúng ta đã thành công, chẳng hạn như phần mềm an ninh mạng, phần mềm tìm kiếm, quản lý doanh nghiệp, quản lý xã hội… Vấn đề là chúng ta chưa có phần cứng để nhúng những phần mềm đó vào.