Sau đây, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu những chia sẻ của ông David Tân Nguyễn về nội dung cuốn sách“Sức mạnh tăng trưởng những trải nghiệm quản trị thực tiễn.”
* BrainBOS chỉ phục vụ cho những khách hàng là doanh nghiệp đã đạt doanh số từ 100 tỷ đồng/năm trở lên. Có phải đó là những đối tượng mà sách “Sức mạnh tăng trưởng” của ông hướng đến?
- Sách Sức mạnh tăng trưởng ra đời để phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nhân, những người đứng đầu lèo lái con thuyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một đối tượng nhất định phù hợp hơn, đó là doanh nghiệp có doanh thu từ 100 tỷ đồng trở lên. Nhưng cuốn sách không chỉ phục vụ mỗi đối tượng đó mà các bạn trẻ hơn vẫn có thể tham khảo là câu lạc bộ 100 tỷ - 500 tỷ hay 1.000 tỷ đồng.
* Chủ doanh nghiệp có quy mô doanh nghiệp lớn đều biết và áp dụng những giá trị cốt lõi như BrainBOS. Mô hình này mà ông chỉ ra trong cuốn sách có gì tối ưu hơn?
- Trong quá trình phát triển của bất kỳ một doanh nghiệp nào thì ban lãnh đạo cũng trăn trở chuyện làm thế nào để tăng trưởng hay phát triển bền vững. Câu chuyện tăng trưởng là câu chuyện nóng của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Làm thế nào chúng ta có những giải pháp để giúp cho quá trình tăng trưởng đó hiệu quả, cuốn sách này ra đời là xây dựng một mô hình tổng thể bắt đầu từ tầm nhìn. Khi chúng ta hoạch định tầm nhìn xong thì chúng ta hoạch định các trụ. Ví dụ như là cấu trúc hay là sản phẩm Sale và Marketing hay là vấn đề con người, vấn đề hệ thống, vấn đề kiểm soát và đặc biệt văn hóa doanh nghiệp. Đây là một mô hình tổng thể giúp cho doanh nghiệp soi hình ảnh của mình, chân dung của doanh nghiệp mình với mô hình đó để mình phát hiện ra những vấn đề nào chúng ta cần phải hoàn thiện.
Ông David Tân Nguyễn - Viện trưởng Viện quản trị quốc tế, Chủ tịch Brain Group kiêm giám đốc chiến lược của Công ty tư vấn BrainMark |
* Làm thế nào để chủ doanh nghiệp nhận biết đâu là những cơ hội có tiềm năng thật sự cho mục tiêu mở rộng ngành hàng hoặc lĩnh vực kinh doanh?
- Trong cuốn sách có chỉ ra một phương pháp là xây dựng bộ chỉ số sức khỏe cho từng phòng ban hay công ty. Bộ chỉ số sức khỏe ví dụ như là phòng kinh doanh có chỉ số sức khỏe nào là ổn và cái nào là không ổn. Giống như các anh chị đi khám bệnh vậy. Thì các chỉ số của doanh nghiệp xuất hiện cho chúng ta biết là giờ này công ty của mình có khỏe không và mình tin được là những gì mình hoạch định có đúng hay không, có phù hợp hay không để mình đầu tư nguồn lực vào. Nếu chúng ta có những giải pháp tốt, công ty sẽ tăng trưởng.
Trong kinh doanh thì luôn luôn có những loại rủi ro tiềm ẩn và nếu chúng ta không lường trước hay là kiểm soát được những rủi ro đó thì mình sẽ mất tiền, mất thời gian, mất công sức rất nhiều. Nên trong cuốn sách này có một công cụ gọi audit, tức là công cụ kiểm soát, giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp kiểm soát được từng vấn đề của doanh nghiệp, ban đầu là tư tưởng của mình có phù hợp hay không trong giai đoạn phát triển mới, rồi sau đó là các giải pháp phát triển sản phẩm, phát triển kinh doanh, rồi phát triển con người, phát triển hệ thống sao cho đồng bộ.
* Ông vừa là Chủ tịch của BrainGroup vừa là Giám đốc chiến lược của công ty BrainMark Việt Nam, ông đã tách bạch được hai vị trí này chưa, và có khó khăn gì khi vạch ra kế hoạch?
- Ở vị trí Chủ tịch BrainGroup, tôi có vai trò hỗ trợ cho các khách hàng lớn của mình. Có nghĩa là các dự án được chia ra quy mô khác nhau, có những người tham gia khác nhau nên việc điều hành rất rõ ràng. Còn phân quyền tối đa có nghĩa là dù sếp đi đâu đó thì công việc vẫn chạy bình thường, vì sếp không cần quan tâm đến từng sự vụ.
Cách điều hành của các tập đoàn là sếp lãnh đạo cao nhất không xen vào công việc của quản lý cấp trung, không chỉ đạo trực tiếp nhân viên của một phòng ban. Nếu làm như thế thì cảm xúc của quản lý cấp trung sẽ có vấn đề.
* Câu hỏi từ độc giả: ông từng kinh doanh bất động sản thành công, tại sao ông lại chuyển sang tư vấn doanh nghiệp?
- Trong quá trình làm bất động sản, tôi nhận ra mình có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều hơn. Ví dụ như làm bất động sản thì thường mình lo tài chính cho mình, cho cá nhân của mình nhưng khi làm tư vấn thì giúp được cho nhiều công ty. Khi công ty thành công thì chắc chắn người lao động cũng sẽ thành công và có cuộc sống hạnh phúc hơn. Nên anh em bên BrainMark có một sứ mệnh là làm thế nào để tập hợp một đội ngũ chuyên gia lớn từ Bắc vào Nam để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mạnh thì đất nước sẽ mạnh. Đó là lý do tại sao các chương trình tư vấn và đào tạo của BrainBOS gần đây nhiều hơn và được triển khai rộng hơn. Trước đây cộng đồng tư vấn doanh nghiệp rất ít, chỉ tập trung vào những người có trải nghiệm. Bây giờ chúng tôi kêu gọi các anh chị có kinh nghiệm quản lý ở nhiều doanh nghiệp tham gia vào cộng đồng này để hỗ trợ trở lại cho các doanh nghiệp khác.
Bìa sách Sức mạnh tăng trưởng những trải nghiệm quản trị thực tiễn |
* Quy mô của doanh nghiệp ông như thế nào? Tại sao ông lại tập trung vào phân khúc những doanh nghiệp có doanh số từ 100 tỷ đồng/năm trở lên trong khi ở Việt Nam những doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số?
- Có một điều thú vị như thế này: khi chúng tôi định vị sản phẩm này, mô hình này phục vụ cho khách hàng có doanh số từ 100 tỷ đồng trở lên, nhưng khi kết thúc việc ứng dụng mô hình này cho gần 500 dự án thì mới rút ra là mô hình này phù hợp với công ty có doanh số từ 300 tỷ đồng trở lên. Có nghĩa là nhóm khách hàng dưới 300 tỷ đồng/năm thì thường không phù hợp lắm với mô hình như thế này.
Nên mới đây thôi chúng tôi phối hợp với văn phòng Mỹ đưa về cho mình một mô hình mới đó là BCS nghĩa là business prosystem, một mô hình mới phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Mô hình BCS còn giúp cho từng nhân viên kết nối với công ty như thế nào để giúp cho công ty phát triển. Mỗi một doanh nhân sinh ra có một sứ mệnh, họ tạo ra sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội thì cũng đương nhiên có lợi ích cho cá nhân và gia đình của họ. Mỗi một nhân viên bước vào công ty đó thì cũng ý thức là sếp mình có tư duy như vậy thì mình phải cống hiến như thế nào để kết nối với công ty để phát triển.
Với công ty chúng tôi, doanh số là quan trọng nhưng quan trọng hơn là trong một năm chúng tôi làm được bao nhiêu dự án hay có bao nhiêu khách hàng tiếp cận và ứng dụng mô hình của mình, chúng tôi gọi là cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng mô hình BrainBOS. Làm thế nào để phát triển cộng đồng này lên và tính bằng số lượng các doanh nghiệp ứng dụng.
Khi có một doanh nghiệp chọn mô hình này để ứng dụng thì chúng tôi tổ chức một nhóm vừa là chuyên gia vừa là chuyên viên sẽ đến doanh nghiệp đó setup lại và cam kết giúp họ tăng trưởng. Cam kết tăng trưởng là một khái niệm rất mới mà trước đây chưa có đơn vị tư nào làm được. Có nghĩa là chúng tôi cam kết giúp doanh nghiệp tăng trưởng trong vòng một năm, chúng tôi sẽ đồng hành để giúp doanh nghiệp đó đạt các mục tiêu mới của họ.
*Cảm ơn ông!