Ảm đạm 2022
Sau xu hướng tăng trưởng mạnh kéo dài suốt hai năm, khởi phát từ tháng 4/2020, TTCK Việt Nam đã có một năm 2022 đáng quên, với chuỗi giảm mạnh bắt đầu từ nửa cuối tháng 4/2022. Với mức đóng cửa tại 1.007 điểm ở phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2022, VN-Index giảm gần 33% điểm trong năm 2022, là một trong những thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.
Cùng với điểm số lao dốc, thanh khoản thị trường cũng suy yếu, cho thấy dòng tiền lớn đã tạm rút ra khỏi thị trường. Tính chung cho cả năm 2022, thống kê cho thấy khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đạt gần 654 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 17.00 tỷ đồng; giảm lần lượt 11,3% về khối lượng và 21,2% về giá trị so với năm trước đó.
Theo đó, mức vốn hóa của HoSE cũng đã giảm rất mạnh. Cụ thể, giá trị vốn hóa niêm yết tại cuối ngày 30/12/2022 đạt hơn 4,01 triệu tỷ đồng. So với kết phiên 31/12/2021 đạt 5,8 triệu tỷ đồng, vốn hóa của HoSE đã "bốc hơi" 1,8 triệu tỷ đồng trong một năm vừa qua. Mức vốn hóa này cũng giảm 4% so với tháng 11, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 42,22% GDP năm 2022.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang trên đường hồi phục trở lại |
Điểm tích cực của TTCK là sự tham gia mạnh mẽ trở lại của khối ngoại trong những tháng cuối năm, nâng tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 670.000 tỷ đồng, chiếm hơn 7,9% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua ròng trong năm với giá trị hơn 23.600 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào hai tháng cuối năm với giá trị mua ròng hơn 30.200 tỷ đồng, bù đắp cho lượng bán ròng trong 10 tháng trước đó.
Hầu hết nhóm ngành cũng theo xu hướng suy giảm chung của thị trường, trong đó những ngành giảm đáng chú ý theo thống kê từ HoSE như bất động sản giảm 14,3%, hàng tiêu dùng thiết yếu giảm 6,09%, công nghiệp giảm 2,13%. Ngược lại cũng có một số ngành tăng mạnh là năng lượng tăng 8,37%, ngành chăm sóc sức khỏe tăng 6,23%, ngành tài chính tăng 2,39%.
Biến số lãi suất và chờ đợi sự trở lại của cổ phiếu "vua"
Có thể thấy dù chịu không ít áp lực, ngành tài chính vẫn thuộc nhóm cổ phiếu hiếm hoi có được mức tăng trưởng trong năm 2022. Với dự báo TTCK năm 2023 có thể diễn biến lạc quan hơn, khi không ít tổ chức nhận định VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.500 điểm, rõ ràng không thể thiếu đà dẫn dắt của nhóm tài chính, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, luôn được xem là cổ phiếu "vua" với tỷ trọng vốn hóa lớn trong chỉ số chung.
Đáng lưu ý, năm 2022 cũng chứng kiến khối ngoại đã mua ròng gần 305 triệu cổ phiếu ngân hàng, ngược chiều với mức bán ròng hơn 125 triệu cổ phiếu trong năm 2021. Bên cạnh đó, giá trị mua ròng cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022 đạt 8.886 tỷ đồng. Trong đó, STB là nhà băng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với gần 187 triệu cổ phiếu, giá trị tương đương 4.576 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu EIB trong năm qua với 2.089 tỷ đồng.
Dù vậy, tác động lớn lên xu hướng của thị trường nói chung cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng có lẽ là biến số lãi suất trong năm nay. Nếu lãi suất tiếp tục duy trì đà đi lên, với mặt bằng lãi suất cao như vậy, không chỉ các kênh đầu tư nói chung, kênh chứng khoán nói riêng chịu tác động tiêu cực, mà nhóm ngân hàng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức khi biên độ lãi có thể bị thu hẹp.
Nếu lãi suất tiếp tục duy trì đà đi lên, với mặt bằng lãi suất cao, không chỉ các kênh đầu tư nói chung, kênh chứng khoán nói riêng chịu tác động tiêu cực, mà hoạt động của nhóm ngân hàng cũng sẽ đối mặt với không ích thách thức khi biên độ lãi có thể bị thu hẹp.
Tuy nhiên, các tổ chức vẫn kỳ vọng khá lớn vào cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn tới. Theo báo mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng trải qua hai đợt sụt giảm giá mạnh sau các sự kiện Tân Hoàng Minh vào tháng 4 và Vạn Thịnh Phát liên đới với SCB vào tháng 9/2022. Hai đợt sụt giảm này đã đưa định giá ngành về mức thấp trong 10 năm qua, phản ánh phần nào những rủi ro mà ngành ngân hàng đang và sẽ đối mặt trong giai đoạn tiếp theo.
Bước sang năm 2023, VDSC nhận định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình "vượt bão" trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu. Dù đánh giá triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn ngay sau khi kinh tế thế giới và trong nước khởi sắc, thay vì phải mất nhiều năm tái cơ cấu như trước đây. Qua đó, VDSC cho rằng, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn, tích lũy cổ phiếu ngân hàng và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024.
Tương tự, Công ty Chứng khoán BSC cũng giữ quan điểm khả quan với triển vọng ngành ngân hàng do cho rằng cổ phiếu trong ngành đang được định giá ở mức tương đối sâu so với các giai đoạn trước, trong khi đó "sức khỏe tài chính" của các ngân hàng hiện nay vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, một số "cơn gió ngược chiều" có thể ảnh hưởng lên ngành ngân hàng trong năm 2023, như suy thoái kinh tế thế giới, xu hướng tăng tỷ lệ chi phí tín dụng và tỷ lệ trích lập phòng sẽ hạn chế phần nào triển vọng định giá và tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng quý IV/2022 và năm 2023.