Giấy phế phẩm, giá hạt nhựa có thể vẫn nằm trên xu hướng giảm giá chung của nguyên vật liệu thế giới kéo theo niềm tin tăng trưởng của cổ phiếu ngành này.
Hiện nay, bao bì thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, do vậy, có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và các sản phẩm của hầu hết các nhóm ngành khác, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng.
Theo quan sát của giới phân tích, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2015 được dự báo khá lạc quan gần 6% (theo số liệu của Tổ chức EY).
Điều này tạo cơ sở để chỉ số bán lẻ duy trì đà phục hồi và nhờ vậy, cộng hưởng đến những ngành công nghiệp phụ trợ như bao bì. Ngoài ra, điểm nhấn của ngành còn là việc các hiệp định thương mại song phương và đa phương có thể ký kết trong năm nay.
Nhờ vậy, số lượng đơn hàng xuất khẩu của một số DN niêm yết được kỳ vọng tăng vọt, đặc biệt là nhóm hàng thủy sản, dệt may, kéo theo sự tăng trưởng mạnh trong nhu cầu các mặt hàng bao bì.
Không chỉ đầu ra mà cả các yếu tố đầu vào cũng đem lại nhiều thuận lợi cho ngành bao bì. Qua số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán VDSC, nguyên liệu đầu vào của từng nhóm sản phẩm bao bì đều có lý do riêng cho xu hướng giảm hiện tại.
Cụ thể, giá nguyên liệu của bao bì giấy in ấn (giấy phế liệu) giảm do kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm lại làm giảm cầu dự trữ giấy công nghiệp.
Còn đối với nhóm sản phẩm chai nhựa PET, bao bì nhựa, đà giảm của nguyên vật liệu hạt nhựa (ABS, PP, HDPE, LDPE,..) lại đến từ sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Những lợi thế này có cơ hội sẽ được duy trì trong suốt năm nay.
Thực tế, hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang tham gia vào thị trường bao bì với các chủng loại sản phẩm khác nhau như giấy, nhựa, màng kim loại, chai nhựa PET... Tuy nhiên, đa phần phục vụ cho nhóm đối tượng nhỏ lẻ; trong khi đó, các NĐT bao bì có thương hiệu chiếm lĩnh hầu hết nhóm các khách hàng lớn.
Vì vậy, thị phần của ngành hầu hết tập trung vào các NĐT này.
Chẳng hạn, nhóm chai nhựa PET đang được 2 công ty không niêm yết trên sàn là Ngọc Nghĩa và Bảo Vân chiếm hầu hết thị phần (gần 80%); Nhựa Tân Tiến, Nhựa Rạng Đông đang chiếm lĩnh thị phần bao bì nhựa thân thiện với môi trường được dùng trong đóng gói sản phẩm; nhóm bao bì giấy cho thị trường sữa tập trung vào tay của Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức) vì yêu cầu công nghệ cao.
Điều mà NĐT có thể nhận thấy là mắt xích giấy nguyên liệu, kể từ cuối năm 2013, đang manh nha tăng trưởng để bắt kịp đà phục hồi của nền kinh tế khi không chỉ các NĐT trong mắt xích này đầu tư nâng cao công suất, mà còn thu hút nguồn vốn FDI từ các thương hiệu nổi tiếng như Nike Dragon, Lee&Man, SGC.
Cụ thể, Nike Dragon đầu tư nhà máy 350.000 tấn/năm, Lee & Man rót 1,2 tỷ USD đầu tư nhà máy 600.000 tấn/năm ở Hậu Giang, Vina Kraft tăng vốn FDI lên thêm 180 triệu USD để nâng công suất nhà máy hiện có lên thêm 225.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, trong năm 2015 này, mức độ cạnh tranh của các NĐT FDI lên các công ty niêm yết là không cao là bởi sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng 76% nhu cầu tiêu thụ nội địa, do đó cơ hội tăng trưởng vẫn chia đều cho cả NĐT trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các NĐT FDI tập trung vào phân khúc giấy Kraft cao cấp (White-top, Testliner,..) trong khi đó, các NĐT niêm yết của yếu tập trung phân khúc thấp hơn (medium).
Một điểm đáng lưu ý nữa là các dự án đang mới trong giai đoạn lên và thực hiên kế hoạch, do đó, sản lượng sẽ không tăng trưởng một cách đột biến làm gia tăng sức ép cạnh tranh ngay trong năm nay.
Xét về yếu tố đầu tư, có khá ít lựa chọn đối với cổ phiếu thuộc nhóm ngành bao bì do quy mô các NĐT niêm yết khá nhỏ và thanh khoản không cao.
Tuy nhiên, NĐT có thể quan tâm một số DN bao bì có hệ khách hàng mạnh và đang tăng trưởng, vị trí nhà máy thuận lợi và có kế hoạch mở rộng khả thi.
Đơn cử cổ phiếu DHC của Đông Hải Bến Tre. Đây là DN có công suất nhà máy bao bì khá lớn, trung bình từ 1,7 triệu thùng/ tháng lên 2 triệu thùng/tháng. Nếu DHC nâng tỷ lệ sản xuất giấy testliner (giấy chất lượng cao)/ medium thì cuối năm nay, DN từ lĩnh vực này giúp phần cải tiến biên gộp.
Điểm tích cực mà DHC có được trong sản xuất đó là DN này đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để cắt chi phí đầu vào khoảng 2%. Yếu tố cổ tức 20% bằng tiền mặt và cổ phiếu, tỷ suất cổ tức trên thị giá là 9,7% cũng là điểm để NĐT xem xét.
Tương tự, Bao bì Biên Hòa với mã chứng khoán SVI cũng được giới phân tích để ý. Hiện nay, do Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (DOFICO) chiếm đến 53,72% cổ phần, nên thanh khoản của SVI hiện nay là khá thấp.
Tuy nhiên, theo lộ trình, DOFICO sẽ bắt đầu thoái vốn khỏi SVI từ năm 2018. Khi đó, thanh khoản của cổ phiếu SVI sẽ được cải thiện một cách rõ rệt hơn, tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu SVI.
Ngoài ra, trong năm 2015, nhà máy bao bì carton tại KCN Mỹ Phước-Bình Dương sẽ vận hành 100% công suất giai đoạn 1 là 30.000 tấn/năm (năm 2014 là 70% công suất) và bắt đầu triển khai đầu tư máy móc (100 tỷ) cho giai đoạn 2 với công suất thiết kế 15.000 tấn/năm.
Cơ cấu khách tập trung vào các NĐT sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng lớn: Unilever (15-20% doanh thu), Friesland Campina (5%), tập đoàn Masan (5%)...
Nhìn chung, rủi ro lớn nhất NĐT phải chú ý đến ngành là yếu tố nguyên liệu biến động bất thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi kéo theo cầu tiêu dùng tăng trưởng.
Các hiệp định FTA, TPP chính thức có hiệu lực thức đẩy tăng mạnh hàng hóa xuất khẩu (dệt may, thủy sản) gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng ngành bao bì.
Giấy phế phẩm, giá hạt nhựa có thể vẫn nằm trên xu hướng giảm giá chung của nguyên vật liệu thế giới... là nền tảng để ngành này phát triển ổn định trong thời gian tới.
>Công nghiệp giấy bao bì: Cơ hội chia đều
>Ngành sản xuất bao bì: Tìm lợi thế hẹp