Ảnh: QH |
Nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cũng như việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn hoặc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) đầu ngành, nhưng không phải cuộc đấu giá nào cũng được như mong đợi.
Hàng hóa phong phú
Tháng cuối cùng của năm 2017, dồn dập thông tin liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN đầu ngành, tạo nên kỳ vọng về việc tạo ra các cơ hội lớn cho nhà đầu tư. Điển hình, theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/12/2017 về phê duyệt phương án cổ phần hóa của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), một phần vốn tại PVOIL sẽ được bán bớt.
Theo quyết định phê duyệt, trong số hơn 10.342 tỷ đồng vốn điều lệ của PVOIL, PVN sẽ nắm giữ 35,1%, người lao động trong DN nắm 0,18%, đấu giá công khai là hơn 206 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ, bán cho nhà đầu tư chiến lược là trên 462 triệu cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ. Quyết định cũng nêu rõ về bán cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần, được bán theo phương thức đấu giá công khai tại HoSE.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang quản lý, đầu tư, khai thác 22 cảng hàng không trong nước, sẽ chào bán 20% vốn điều lệ thông qua hình thức đấu giá công khai với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau khi chào bán, tỷ lệ vốn nhà nước tại ACV giảm 20%, về mức 75,4% vốn điều lệ trong năm 2018. Phương án bán vốn sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước, có thể tiến hành một đợt hoặc nhiều đợt.
Bộ Giao thông - Vận tải đồng thời là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại ACV sẽ lựa chọn các đơn vị tư vấn độc lập xây đựng phương án bán vốn nhà nước và tư vấn giá khởi điểm. Việc tổ chức đấu giá công khai và giao dịch dự kiến diễn ra vào quý III và IV năm sau. ACV chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 1/4/2016 sau khi đã chào bán hơn 77,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng tại HoSE.
Song song đó, việc Chính phủ tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa thông qua việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO)... đã đem lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư.
Theo Quyết định số 991 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ có 64 DN cổ phần hóa, trong số này có một số tổng công ty giá trị vốn rất lớn như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1, 2, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội... Thêm vào đó là khoảng 25 DN lẽ ra phải cổ phần hóa trong năm 2017 lại được chuyển sang năm sau và cả số DN thoái vốn theo kế hoạch năm 2017 (đạt 5/135 DN).
Điển cứu thành - bại
Tháng 11, Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C, Singapore) ra thông báo mua 80,29 triệu cổ phiếu, tương đương 5,53% cổ phần của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) với giá trị hơn 616 triệu USD (khoảng 14.000 tỷ đồng). Giao dịch được thực hiện thông qua công ty con Platinum Victory. Bên cạnh 48,3% số cổ phiếu mua lại từ đợt SCIC thoái vốn (3,33% cổ phần, với giá trị gần 9.000 tỷ đồng) thông qua đấu giá, số còn lại được JC&C mua qua giao dịch khớp lệnh trên thị trường.
Về phía Vinamilk, sau đợt thoái bớt vốn lần này của SCIC, cũng là cổ đông lớn nhất của Vinamilk, đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống 36%, kế đến là Tập đoàn F&N (Singapore) sở hữu 18,7%. Cũng trong quý IV, Tổng công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV (Thalexim, trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) cũng đã bán thành công 11,83 triệu cổ phiếu, ứng với 5% vốn điều lệ trong phiên IPO.
Trái ngược với diễn biến trên, kết quả phiên IPO hồi đầu tháng 12 của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), vốn được xem là "bom tấn" trong năm nay đã không được như mong đợi. Hơn 311,2 triệu cổ phần của Becamex đã được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần, chỉ có hơn 6% được bán thành công cho 158 nhà đầu tư, trong đó có 149 cá nhân và 9 tổ chức (nhà đầu tư nước ngoài chiếm 56%).
Theo phương án cổ phần hóa, Becamex IDC có vốn điều lệ dự kiến 13.170 tỷ đồng, 311,2 triệu cổ phần trong đợt IPO vừa rồi, tương đương 23,6% vốn điều lệ dự kiến. Trên cơ sở này, 25% cổ phần sẽ chào bán cho cổ đông chiến lược, 0,4% ưu đãi cho nhân viên, còn lại Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 51% tại DN.
Vì sao một DN được kỳ vọng như Becamex khi IPO lại không có kết quả khả quan? Với 28 công ty thành viên, Becamex IDC - công ty trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính, xây dựng, hạ tầng công nghiệp cho đến bất động sản. Song, tính đến thời điểm này, cái tên Becamex chủ yếu được biết đến trong vai trò là nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp hàng đầu tại tỉnh Bình Dương, với các khu công nghiệp mang thương hiệu VSIP (liên doanh cùng Tập đoàn Sembcorp Development, Singapore và một số đối tác khác) và Mỹ Phước.
Ở mảng bất động sản, Becamex IDC đầu tư xây dựng thành phố mới Bình Dương với tổng vốn lên đến 10 tỷ USD (tính đến năm 2020) được kỳ vọng là nơi định cư cho khoảng 125.000 người và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc, đến nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn.
Đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản ghi trên sổ sách của Bexamex IDC là 57.246 tỷ đồng, trong đó có gần 1/2 là hàng tồn kho. Tài sản dở dang dài hạn cũng được Becamex ghi nhận mức 20.222 tỷ đồng. Nhưng nguồn vốn của Becamex IDC vẫn chủ yếu từ vay nợ. Cụ thể, nợ phải trả tính đến cuối năm 2016 chiếm hơn 3/4 tổng nguồn vốn, đạt mức 44.197 tỷ đồng, trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 13.050 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1/4 tổng nguồn vốn.
Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn đầu tư, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước đều quan tâm đến các thương vụ IPO, hoặc thoái vốn nhà nước ở những công ty đầu ngành của Việt Nam, nhưng bên chào bán (đại diện phần vốn nhà nước) phải chọn phương án phù hợp, có thể chào bán cả lô hoặc chia nhỏ từng gói, nhắm đến nhà đầu tư chiến lược để triển khai các roadshow phù hợp.
Thời điểm chào bán cũng là yếu tố đáng quan tâm, nhưng quan trọng hơn vẫn là "sức khỏe" của DN, bởi không nhà đầu tư nào dám nhảy vào một công ty đang "ôm nợ" lớn, tài sản nhiều nhưng khó chuyển hóa thành tiền và đặc biệt là không có quyền quyết định trong điều hành DN sau đó.