Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước châu Á

Trọng Nhân| 04/11/2022 07:30

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường sang các nước châu Á. Trong đó, Malaysia và Indonesia là 2 thị trường tiềm năng, mở ra cơ hội để hàng hóa Việt Nam tiếp cận cộng đồng người Islam khắp thế giới.

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước châu Á

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Malaysia hiện đang thiếu nguồn cung thịt gà và gạo nên muốn mở rộng nhập khẩu 2 mặt hàng này từ Việt Nam. Trong bối cảnh Nga, Ukraine ngừng xuất khẩu lúa mì, Malaysia đã nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam từ 520.000 tấn/năm lên 700.000 tấn/năm.

Ngoài ra, Malaysia vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTP). Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang nước này.

Tại Indonesia, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal (tiêu chuẩn trong cộng đồng người Islam) có thể đạt 330 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy tiềm năng xuất khẩu vào Malaysia và Indonesia để phục vụ cộng đồng người Islam là rất lớn. Khi hàng hóa Việt được đón nhận tại Indonesia, doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng khả năng tiếp cận thị trường 2,2 tỷ người Islam tại 112 quốc gia trên thế giới.

Trong khi đó, Philippines tìm kiếm nhà cung cấp từ Việt Nam cho một số sản phẩm vật liệu xây dựng và sản xuất ô tô điện. Theo ước tính, năm 2023, nhu cầu ô tô điện của Philippines đạt khoảng 24.000 xe và có thể tăng lên trên 35.000 xe vào năm 2027. Ngoài ra, Philppines cũng tìm kiếm nguồn cung khoáng sản phục vụ sản xuất pin xe điện.

Mặt khác, khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc cũng đang mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam. Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI tại TP.HCM đặc biệt đánh giá cao cơ hội từ đặc khu hành chính Hồng Kông, bởi đây là cổng kết nối quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại khu vực Vịnh Lớn cũng như thị trường Trung Quốc.

Hồng Kông hiện có trên 2.000 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 28,6 tỷ USD, đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư của doanh nghiệp Việt vào Hồng Kông còn rất khiêm tốn, chỉ có 26 dự án với tổng vốn đầu tư 48,5 triệu USD.

Theo bà Võ Thị Phương Lan - Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, việc xuất nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu và Trung Quốc qua cửa ngõ Hồng Kông sẽ lợi thế về chi phí logistics. Ngoài ra, dịch vụ hải quan cùng với hệ thống hạ tầng cảng cũng là một lợi thế cạnh tranh của đặc khu hành chính này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO