Tham vọng của “vua tôm” Lê Văn Quang có lẽ chưa dừng lại ở vị trí dẫn đầu thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam, khi ông đã và đang hoạch định những chiến lược lâu dài hơn.
Tăng trưởng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú. |
Giữa năm 2009, khi tình hình kinh tế còn đang quay cuồng bởi dư chấn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì vẫn có những ông chủ doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát triển cho thời hậu khủng hoảng. Một trong những nhân vật đó là Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ Phần Thủy sản Minh Phú, mà người dân Cà Mau vẫn quen gọi là Quang “Sú”, cái tên gắn liền với nghề chế biến tôm sú của ông.
Tháng 8/2009, một nhà máy chế biến tôm, được xem là lớn nhất trong ngành với vốn đầu tư lên đến 405 tỉ đồng, đã được khởi công ở Khu Công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, Hậu Giang. Đó là nhà máy chế biến tôm sú thứ tư của Công ty Minh phú, nơi ông Quang và gia đình nắm giữ đến 80% cổ phần. Lúc đó, ông Quang cho rằng, việc mở rộng đầu tư nhà máy là hợp lý. Khi nhà máy này đi vào hoạt động vào năm 2011, kinh tế thế giới chắc đã phát triển ổn định trở lại và nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ tăng.
Thế nhưng, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, dù năm 2011 đã sắp trôi qua. Dự đoán của ông Quang về thời điểm kinh tế phục hồi có thể chưa đúng, nhưng tầm nhìn chiến lược của ông thì khó có thể phủ nhận. Dù chỉ mới đi vào hoạt động bước đầu từ tháng 7 vừa qua và chưa mang lại lợi nhuận trong năm nay vì phải trả lãi vay vốn đầu tư, nhưng nhà máy Minh Phú Hậu Giang cũng mang lại 50 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. “Năm 2012, nhà máy sẽ mang lại không dưới 300 triệu USD kim ngạch xuất khẩu và 500 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế”, ông Quang cho biết.
Đường đến ngôi số 1
Xuất thân là kỹ sư nuôi tôm làm trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng với những cơ chế còn nhiều ràng buộc, Lê Văn Quang quyết định rẽ sang con đường riêng: làm đại lý thu mua tôm cho một doanh nghiệp tư nhân. Đó là vào năm 1988.
Thời điểm đó, phần lớn doanh nghiệp nhà nước đều phải mua tôm theo giá quy định của Bộ Thủy sản. Chẳng hạn, tôm thẻ loại từ 41-90 con/kg mua đồng giá 8.000 đồng/kg. Ông nhận ra rằng từ loại tôm nguyên liệu này có thể chế biến tôm thành phẩm (còn vỏ, bỏ đầu) với 5 cỡ khác nhau, mỗi cỡ giá bán chênh nhau 1 USD. Vậy là ông quyết định chỉ mua tôm cỡ 41-60 con/kg với giá 10.000 đồng/kg. Người dân vui vẻ lựa tôm cỡ này bán cho ông, phần còn lại (từ 61-90 con/kg) họ mang bán cho công ty quốc doanh. Đương nhiên khi ra thành phẩm, cỡ tôm của ông bán cao hơn mấy USD/kg. Và Lê Văn Quang đi lên từ những kinh nghiệm thương trường như vậy.
Đến năm 1992, Xí nghiệp Chế biến Cung ứng hàng xuất khẩu Thủy hải sản Minh Phú đã được thành lập với số vốn khởi điểm 120 triệu đồng, với hoạt động chính là thu mua, chế biến thủy hải sản cung cấp cho các đơn vị trong tỉnh.
Cũng từ đó, Minh Phú đã không ngừng gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ năm 1998 đến năm 2000, Minh Phú đã tăng vốn liên tục, nâng vốn điều lệ từ 120 triệu đồng lên 79,6 tỉ đồng; tốc độ tăng vốn, theo ông Quang, là thuộc hàng kỷ lục khi đó. Hiện nay vốn điều lệ của Minh Phú đã là 700 tỉ đồng.
Điều đặc biệt của Minh Phú là tăng vốn từ nguồn vốn tự có, từ lợi nhuận được giữ lại. Ông Quang kể lại, trong thời gian này tiền nhàn rỗi của Minh Phú rất dồi dào. Công ty dùng số tiền này gửi tiết kiệm và dùng chính sổ tiết kiệm đó để thế chấp ngân hàng vay vốn lưu động. Minh Phú vừa được hưởng lãi suất tiết kiệm, vừa được hưởng lãi suất vay ưu đãi. Thậm chí lãi suất của khoản vay này thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm tới 2 điểm phần trăm/năm.
Năm 2006 cũng đánh dấu nhiều bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Minh Phú. Đó là năm đầu tiên Minh Phú thực hiện quy trình nuôi trồng và sản xuất khép kín, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 133 triệu USD, lợi nhuận sau thuế gần 109 tỉ đồng, dẫn đầu về xuất khẩu tôm cả nước. Cuối năm đó, Minh Phú chính thức lên sàn chứng khoán và cổ phiếu MPC của Minh Phú nhanh chóng được giới đầu tư nhắm đến. Giá cổ phiếu của MPC cuối năm 2006 đã lên đến hơn 72.000 đồng/cổ phiếu.
Từ thất bại của vua tôm…
Với 247 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong tổng kim ngạch gần 2,1 tỉ USD của Việt Nam năm 2010, tương đương gần 12% thị phần, chưa có doanh nghiệp nào thay thế được vị trí dẫn đầu của Minh Phú trên thị trường vốn khá phân tán này. Ông chủ Lê Văn Quang, được mệnh danh “vua tôm”, cũng là người giàu thứ 38 trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản trên 477 tỉ đồng. Mới đây, ông Quang là 1 trong 5 doanh nhân lọt vào vòng cuối cùng của Giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2011, một giải thưởng quốc tế được tổ chức tại hơn 50 quốc gia.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ông Quang chưa từng thất bại. Giống như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác trong thời hưng thịnh của chứng khoán năm 2006, 2007, ông cũng bị sa vào những phi vụ đầu tư tài chính. Thế nhưng, cơn bão tài chính toàn cầu đã làm khối tài sản của nhiều doanh nghiệp bốc hơi và trong đó có Minh Phú.
Một sai lầm khác của ông Quang là khoản đầu tư 200 tỉ đồng vào Quỹ Tầm Nhìn SSI, quỹ đầu tư chứng khoán do SSI quản lý. Khoản đầu tư này, theo ông Quang, là chưa thu được đồng lãi nào nhưng mỗi năm phải trích lập dự phòng tài chính lên đến hơn 50 tỉ đồng. Và ông đang tìm cách thoát ra sao cho ít thiệt hại nhất.
Sai lầm đó, ông Quang cho biết, là do áp lực từ nhiều phía nói rằng làm tôm không bao giờ giàu nhanh, chỉ có đầu tư tài chính mới có thể gia tăng tài sản lên nhiều lần. “Làm công việc mình không thích và bị chi phối bởi phong trào, đó là sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Tôi đã học được một bài học quý: không nên làm những gì mình không thích, không hiểu sâu sắc”, ông nói.
…đến chiến lược phát triển bền vững
Lê Văn Quang hiểu rõ con tôm nhất, do đó hiện tại ông chỉ tập trung cho con tôm. Và không chỉ phát triển đơn thuần, chiến lược của ông là phải phát triển một cách bền vững. Điều này thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực từ nhân sự, nguồn nguyên liệu cho đến công nghệ chế biến.
Thiếu nguyên liệu là căn bệnh trầm kha của nhiều doanh nghiệp chế biến tôm. Tuy nhiên, điều này dường như không xảy ra với Minh Phú khi công ty này phải thường xuyên tăng ca.
Vì sao Minh Phú làm được điều này? “Minh Phú luôn mua tôm theo giá thị trường, không cao hơn, không thấp hơn. Văn hóa này đã tạo dựng được trong mười mấy năm qua. Điều này đã tạo cho những người nuôi tôm hay thương lái suy nghĩ giá của Minh Phú là giá thị trường. Do đó, nguồn tôm nguyên liệu luôn được bán cho Minh Phú”, ông Quang cho biết.
Không chỉ tạo ra một chính sách thu mua ổn định, kể từ năm 2006, Minh Phú thử nghiệm tự nuôi tôm theo công nghệ mới và dần dần tự xây dựng một quy trình công nghệ hiện đại. Minh Phú là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên trong nước được công nhận tiêu chuẩn Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu) về nuôi và chế biến tôm xuất khẩu. Hiện tại, Minh Phú đã chủ động được 20% nguồn nguyên liệu. Chiến lược trong 5 năm tới của Minh Phú là phát triển lên khoảng 5.000 ha nuôi tôm, đáp ứng 70% nhu cầu tôm của Minh Phú. “Minh Phú có thể vươn đến chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu, nhưng quan điểm của tôi là không phát triển quá nóng, mà tăng trưởng phải kiểm soát được”, ông nói.
Ngoài nguồn nguyên liệu, vị trí dẫn đầu thị trường tôm xuất khẩu của Minh Phú còn đến từ công nghệ chế biến. Cụ thể là nhà máy thứ tư của Minh Phú tại Hậu Giang. Với công nghệ tiên tiến, nhà máy mới đã giảm thiểu được hao hụt nguyên liệu và tăng năng suất. Sau hơn 1 tháng chạy thử, hiệu quả của nhà máy Minh Phú Hậu Giang hơn hẳn nhà máy Minh Phú Cà Mau, lợi nhuận tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg tôm thành phẩm. Nhà máy này cũng tiết kiệm được 40% năng lượng điện, tiết kiệm được nhân công.
Tăng trưởng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú |
Nhân công cũng chính là bài toán khó đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, do tình trạng “nhảy việc” rất phổ biến. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra với Minh Phú, bởi ông chủ Lê Văn Quang có những chính sách giữ nhân công mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Đầu tiên là lương bổng. Hiện tại, mặt bằng lương ở Cà Mau, Cần Thơ chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nhưng ở Minh Phú lương thử việc 2 tháng đầu tiên đã là 2,5 triệu đồng/tháng; từ tháng thứ ba trở đi ăn lương sản phẩm trên 3 triệu/tháng, người làm giỏi có thể đạt tới 4,5-5,5 triệu.
Chính sách thứ hai là nhà ở cho công nhân. Cụ thể, hai vợ chồng công nhân sẽ được cấp một căn hộ 30-50 m2; quản đốc, tổ trưởng được cấp căn hộ 50-100m2; từ phó giám đốc trở lên thì nhà có diện tích 100 -200 m2; phó tổng giám đốc là biệt thự.
Chính sách thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực kế thừa. Con em của cán bộ công nhân viên học giỏi, có cam kết làm lâu dài tại Minh Phú sẽ được chi trả toàn phần hoặc bán phần, kể cả học trong nước lẫn nước ngoài.
Và nhân lực cũng sẽ là vấn đề Minh Phú phải đầu tư mạnh nhất, khi nhà máy Minh Phú Hậu Giang sắp hoạt động chính thức. Nếu hoạt động hết công suất, Minh Phú có thể cung cấp 70.000 tấn tôm thành phẩm/năm, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường.
“Chỉ khi người Mỹ không ăn tôm nữa thì mới không mua sản phẩm của Minh Phú. Mà kể cả khi người Mỹ không mua tôm của Minh Phú đi nữa thì các thị trường còn lại sẽ tiêu thụ hết”. Và có lẽ ông Quang cũng nhận ra rằng, chơi với con tôm tuy không giàu nhanh, nhưng đó là làm giàu bền vững.
“Minh Phú luôn mua tôm theo giá thị trường, không cao hơn, không thấp hơn. Điều này đã tạo cho những người nuôi tôm hay thương lái suy nghĩ giá của Minh Phú là giá thị trường. Do đó, nguồn tôm nguyên liệu luôn được bán cho Minh Phú”.