Vận tải hàng không Việt: Rộng cơ hội, tăng trải nghiệm

HỒNG NGA| 01/07/2018 06:21

Với 94 triệu lượt hành khách qua các cảng hàng không trong năm 2017, Việt Nam trở thành một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Vận tải hàng không Việt: Rộng cơ hội, tăng trải nghiệm

Dự báo, năm 2020, số người đi máy bay sẽ đạt 142 triệu lượt và tăng mạnh vào những năm kế tiếp. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp tư nhân tự tin nhập cuộc kinh doanh vận tải hành khách bằng đường hàng không.

Còn nhiều dư địa

Cuối năm nay, hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways sẽ vận hành, chính thức tham gia thị trường vận tải hàng không Việt Nam.

Chia sẻ với cổ đông ngày 12/6, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC cho biết, vì máy bay đặt hàng với Airbus đến năm 2019 mới được bàn giao nên cuối năm 2018, Bamboo Airways sẽ cất cánh với khoảng 20 máy bay thuê theo hợp đồng, hoạt động tại các sân bay nội địa, mà trụ sở chính là sân bay Phù Cát (Bình Định).

Từ năm 2019 - 2023, Bamboo Airways sẽ đưa vào kinh doanh 24 máy bay Airbus và 20 chiếc Boeing. Đến năm 2023, Bamboo Airways sẽ khai thác 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.

Link bài viết

Thị trường hàng không Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Đó là nền tảng chắc chắn để FLC tham gia vào lĩnh vực này. Số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2017, hàng không Việt Nam xếp thứ 7 trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, đến năm 2035 sẽ nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới. Sự phát triển nhanh của thị trường hàng không đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ngành du lịch, thương mại và đầu tư.

Cục Hàng không Việt Nam dự báo, lượng hành khách hàng không sẽ đạt 142 triệu lượt vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 14% trong giai đoạn 2017 - 2020. Hiện Việt Nam có gần 80 đường bay quốc tế và gần 50 hãng bay của nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Các điểm kết nối liên tục được mở rộng là cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng đường hàng không.

Theo tính toán, công suất khai thác vận tải hàng không của Việt Nam vẫn còn khá thấp nếu tính trên quy mô dân số. Hiện tại, tổng công suất khai thác của cả 21 sân bay của Việt Nam chỉ khoảng 71,5 triệu khách/năm, chưa bằng công suất của một sân bay chính ở Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur (100 triệu khách/năm).

Theo quy hoạch, đến năm 2020, cả nước có 23 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa. Các cảng hàng không như Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất là những cửa ngõ chính. Đến năm 2030, số lượng cảng hàng không sẽ tăng lên 28, và Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cam Ranh sẽ là những cửa ngõ lớn của quốc gia.

Việt Nam với thị trường hơn 90 triệu dân nhưng chỉ có 2 - 3 hãng hàng không. Trong khi đó, các nước phát triển về du lịch như Thái Lan chỉ có 70 triệu dân nhưng có hơn 10 hãng hàng không và 38 sân bay. Đó cũng là lý do để ông Đặng Tất Thắng - Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn FLC cho rằng, cơ hội kinh doanh trong ngành hàng không là rất lớn.

Gia tăng dịch vụ mới

Thị trường càng cạnh tranh buộc các hãng bay sẽ phải tăng cường các dịch vụ mới. Vietnam Airlines hợp tác với hãng hàng không Jetstar Pacific tăng cường năng lực cạnh tranh trong thị phần hàng không giá rẻ. Trong khi Vietnam Airlines hướng đến khách hàng phân khúc nhiều tiền, Jetstar tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập vừa phải, cạnh tranh trực tiếp với các hãng hàng không giá rẻ. Vietnam Airlines cũng mở rộng đội bay mỗi năm với từ 90 - 120 phi công. Trong năm 2017, Vietnam Airlines đã mua thêm 18 máy bay, gồm 10 máy bay A-900XWB và 8 máy bay B787-9.

Xác định là hãng hàng không giá rẻ nhưng Vietjet Air đang tìm cách tăng trải nghiệm cho khách hàng. Năm 2016, Vietjet Air đã ký với Tập đoàn Boeing mua 100 máy bay B737 MAX 200 trị giá 11,3 tỷ USD. Số máy bay này sẽ được giao từ năm 2019 - 2023, phục vụ kế hoạch mở rộng khai thác của Vietjet Air cho đường bay trong nước và quốc tế. Và như vậy, đến năm 2023, đội bay của hãng này sẽ tăng lên 200 chiếc.

Đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3 - 5% thị phần vận tải hàng không trong tương lai gần, Bamboo Airways hướng đến thị trường ngách, kết nối và phát triển kinh tế vùng. Ông Đặng Tất Thắng chia sẻ: "Bamboo Airways xây dựng thành một hãng hàng không vừa có dịch vụ cao cấp vừa có dịch vụ giá rẻ. Khi chúng tôi lấp vào khu vực mà hàng không truyền thống chưa để mắt, trám vào phân khúc mà hàng không giá rẻ chưa quan tâm, chúng tôi đang tự tạo thêm nhu cầu".

Cũng theo ông Đặng Tất Thắng, trước mắt, Bamboo Airways tập trung tuyến bay nối các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Philippines đến các điểm du lịch tại Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang... Trong dài hạn, Hãng sẽ mở rộng tuyến tới Mỹ và châu Âu.

Thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không trong tình trạng quá tải, Bamboo Airways hướng vào các tuyến bay chưa được khai thác đúng công suất tại địa phương. Tận dụng lợi thế của một nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng lớn, Bamboo Airways thu hút khách hàng bằng chiến lược phục vụ "Tất cả trong một".

Cụ thể, Bamboo Airways sẽ có những gói ưu đãi về giá cho khách hàng đến chơi golf và nghỉ dưỡng tại các quần thể FLC. Ngược lại, khách hàng nghĩ dưỡng tại những nơi này sẽ được khuyến mãi khi di chuyển bằng Bamboo Airways.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, hết quý I/2018, đội máy bay của Việt Nam có 175 chiếc, còn cách xa mục tiêu 220 chiếc vào năm 2020 và 400 chiếc vào năm 2030. Trong bối cảnh thị trường liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số, cầu lớn hơn cung, việc thêm hãng hàng không mới sẽ tăng sức cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vận tải hàng không Việt: Rộng cơ hội, tăng trải nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO